Trồng thêm 10.000ha dừa ở khu vực ảnh hưởng biến đổi khí hậu

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Bến Tre trồng thêm gần 10.000ha dừa tại các khu vực bị nhiễm mặn và sụt lún do tác động của biến đổi khí hậu.
Thu hoạch dừa. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, từ nay đến năm 2020, tỉnh Bến Tre có chủ trương trồng thêm gần 10.000ha dừa tại các khu vực bị nhiễm mặn, lợ, bị sụt lún do tác động ngày càng sâu rộng của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre cho biết năng suất dừa ở ba huyện ven biển của tỉnh là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú tuy không bằng các huyện còn lại; bên cạnh đó, kích thước trái cũng nhỏ hơn, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mà nông dân thu được từ việc trồng dừa tại các khu vực này vẫn cao hơn các loại cây trồng khác (như các loại cây ăn trái, lúa, rau màu).

Việc trồng dừa tại vùng bị nhiễm mặn, lợ, bị sụt lún ở các khu vực này là một hướng chính để phát triển ngành dừa Bến Tre và cũng giúp hạn chế tình trạng sạt lở đất lẫn xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả đề án, Bến Tre cũng cần tập trung cho công tác lai tạo, tuyển chọn thêm các giống dừa có khả năng thích nghi tốt hơn đối với đất phèn, mặn và phát triển các ngành chế biến sản phẩm từ trái dừa để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.

Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước và được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu lớn với tổng diện tích là 60.000ha. Năng suất bình quân dừa Bến Tre cũng cao hơn so với năng suất bình quân chung của cả nước (9.700 trái/ha/năm so với 8.300 trái/ha/năm).

Đây cũng là tỉnh có ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa phát triển nhất nước và là trung tâm mua bán, vận chuyển, chế biến dừa của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục