Trọng tâm kế hoạch tăng cường khả năng không chiến của Australia

Bản Cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020 và kế hoạch cơ cấu lực lượng của Australia mới được công bố đã phác thảo kế hoạch phát triển trong 20 năm tiếp theo của RAAF.
Máy bay chiến đấu F-35. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay chiến đấu F-35. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bản Cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020 và kế hoạch cơ cấu lực lượng của Australia mới được công bố đã phác thảo kế hoạch phát triển trong 20 năm tiếp theo của Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia (RAAF).

Trong kế hoạch, giới hoạch định chính sách đã nêu rõ một số nguồn kinh phí cụ thể được dành để ưu tiên phát triển năng lực, đồng thời nêu lên một số vấn đề cần cân nhắc trong tương lai.

Malcolm Davis - nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) - đã có bài viết đăng trên trang mạng của Viện, nhận định về định hướng và lộ trình cần thiết để tăng cường năng lực của RAAF trong thời gian tới, nội dung cơ bản như sau:

Các kế hoạch cho RAAF đều nhấn mạnh trọng tâm là các máy bay chiến đấu dòng F-35A, dự kiến được tối đa hóa năng lực hoạt động vào cuối năm 2023. Kế hoạch cơ cấu lực lượng cũng đề cập đến việc phân bổ kinh phí để phát triển “năng lực tác chiến trên không” trong giai đoạn 2025-2030.

Các chi tiết không được nêu rõ song chính phủ “cam kết… phát triển dòng máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet và mua các loại tên lửa, đạn dược sử dụng cho máy bay chiến đấu.”

Dòng máy bay chiến đấu Super Hornet hiện vẫn đang chứng tỏ được vị thế quan trọng và là một trong những dòng máy bay tương thích với loại tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C (LRASM).

Các máy bay chiến đấu F/A-18F có thể được nâng cấp lên phiên bản “Block III,” đảm bảo năng lực vượt trội cho đến giữa những năm 2030. Đây là thực tế có ý nghĩa quan trọng bởi xét từ góc độ quản lý rủi ro, chính phủ sẽ không đánh cược vào hiệu quả dài hạn của năng lực tàng hình mà dòng máy bay F-35 sở hữu.

Việc Trung Quốc tiếp tục phát triển cảm biến lượng tử và sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể làm suy giảm những lợi thế này trong thời gian tới.

Chương trình đầu tư tích hợp năm 2016 của Bộ Quốc phòng Australia với hợp đồng mua phi đội F-35 thứ tư, nêu rõ phi đội Super Hornet đã được sử dụng tới hạn và có kế hoạch thay thế vào năm 2030.

Kế hoạch thay thế có thể bao gồm việc mua mới các phi đội máy bay chiến đấu tối tân hoặc có thể là một loại phương tiện bay chiến đấu không người lái chưa được phát triển. Quyết định thay thế sẽ được triển khai tốt nhất sau năm 2020 khi công nghệ và các mối đe dọa mới nổi được xác định rõ ràng hơn.

Kế hoạch năm 2020 không đề cập đến phi đội F-35 thứ tư, song nhấn mạnh tới việc tăng cường hỗ trợ “phương tiện không quân phối hợp.”

Kế hoạch dự đoán trong giai đoạn 2025-2040, Australia sẽ bắt đầu xúc tiến các hợp đồng mua sắm thiết bị này, phù hợp với quyết định mua dòng máy báy tiêm kích F/A-18F hơn là mua bổ sung một phi đội F-35.

[Australia đầu tư 700 triệu USD cho phát triển công nghiệp quốc phòng]

Dòng máy bay không người lái Loyal Wingman của Boeing đang được phát triển tại Australia phục vụ cho “hệ thống phối hợp sức mạnh không quân” có thể là giải pháp tốt cho các yêu cầu về tấn công tầm xa đối với RAAF vào cuối thập kỷ này.

Tuy khó có thể so sánh với B-21 Raider, song nếu được nâng cấp, Loyal Wingman có thể đảm bảo năng lực tấn công tầm xa hiệu quả và thực tế hơn việc mua một phi đội F-35 khác.

Trong kế hoạch lực lượng mới được công bố, giới chức cho rằng RAAF phải xem xét việc thay thế máy bay tấn công điện tử E/A-18G Growler trong khoảng thời gian từ cuối những năm 2020 đến 2040.

Việc duy trì Growler song hành với Super Hornet là điều có ý nghĩa đối với năng lực tác chiến. Tuy nhiên, nếu Super Hornet ngừng hoạt động vào giữa những năm 2030, đó sẽ là thời điểm lý tưởng để tìm kiếm các phương pháp tiếp cận mới đối với chiến tranh điện tử và tấn công trên thực tế.

Một lần nữa, giải pháp hợp lý có thể được tính đến là tận dụng tối đa các hệ thống không người lái nếu có thể. Australia có thể lựa chọn hợp tác cùng với Mỹ để phát triển một biến thể có khả năng tàng hình và duy trì hoạt động đối với dòng máy bay Loyal Wingman, bổ sung thêm các tính năng tác chiến điện tử phức tạp và đặc trưng từ Mỹ.

Theo bản kế hoạch, RAAF được khuyến nghị khởi động quá trình xem xét thay thế F-35 trong giai đoạn từ 2035-2040, song sẽ là sai lầm và thiếu sót nếu người ta lờ đi vấn đề này ngay ở thời điểm hiện tại và chưa tính đến việc tìm cách để Australia phối hợp cùng Mỹ, Anh và các đồng minh khác trong việc trang bị các loại nền tảng không chiến mới sớm hơn.

Mỹ đã không còn đề cập về dòng máy bay chiến đấu “thế hệ thứ sáu” và nhận ra rủi ro từ sự trì trệ trong việc phát triển quá chậm các thế hệ máy bay chiến đấu.

Trọng tâm của chương trình thống trị trên không thế hệ tiếp theo của Mỹ hiện nay là phương pháp tiếp cận “hàng loạt trong thời đại kỹ thuật số” nhằm phát triển nhanh chóng số lượng nhỏ một số mẫu máy bay trong thời gian ngắn, ước tính là khoảng 5 năm.

Sẽ là một sai lầm nếu RAAF bắt tay vào một dự án mua sắm kéo dài 20 năm khác chỉ để thay thế F-35 vào những năm 2040. Việc chờ cho đến năm 2035 mới bắt đầu phát triển kế hoạch thay thế sẽ bỏ qua các xu hướng rõ ràng đòi hỏi việc thúc đẩy các nhu cầu về năng lực và sở hữu nhanh chóng hơn.

Người ta đã mất 2 thập kỷ với chi phí rất lớn để phát triển dòng máy bay F-35, và việc phát triển một loại máy bay cho nhiều nhiệm vụ có nghĩa là nó không thể được tối ưu hóa cho một vai trò duy nhất. Việc quay trở lại các nền tảng tập trung và tối ưu hóa cho một vai trò cụ thể - chiếm ưu thế trên không, tấn công tầm xa hay tấn công điện tử, hoặc tình báo, giám sát và trinh sát- có thể sẽ mất ít thời gian hơn và có thể là một lựa chọn tốt hơn.

RAAF không nên đợi đến năm 2035 để bắt đầu phát triển các loại năng lực này. Kế hoạch bổ sung, và sau đó thay thế F-35 nên được đẩy nhanh và sẽ rất hợp lý nếu Canberra thúc đẩy hợp tác với Mỹ và Anh trong nỗ lực này nhằm tăng cường khả năng không chiến của RAAF sớm hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục