Trồng mận, đào chín sớm cho thu nhập cao ở Bắc Kạn

Được triển khai từ tháng 1/2011, mô hình mận, đào chín sớm đã cho hiệu quả kinh tế cao, được bà con tin tưởng, nhân rộng ra các vùng khác trong tỉnh Bắc Kạn.
Trồng mận, đào chín sớm cho thu nhập cao ở Bắc Kạn ảnh 1Chăm sóc vườn đào 2 năm tuổi tại huyện Ba Bể. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Được triển khai từ tháng 1/2011, đề tài “Nghiên cứu khả năng thích ứng của một số loài cây ăn quả ôn đới Đài Loan tại tỉnh Bắc Kạn” đã gúp diện tích mận, đào chín sớm tăng lên đáng kể và cho hiệu quả kinh tế cao, được bà con tin tưởng, nhân rộng ra các vùng khác trong tỉnh.

Mô hình trồng mới mận, đào chín sớm được triển khai tại các điểm thôn Phe Khao, xã Thượng Giáo; thôn Khuổi Luông, Khu tái định cư của đồng bào Mông xã Khang Ninh; thôn Nà Đúc 1 xã Địa Linh (huyện Ba Bể); một số vùng của huyện Ngân Sơn, Chợ Đồn; Trạm nghiên cứu Đồn Đèn của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn).

Theo kỹ sư Đào Thanh Tùng, Trạm nghiên cứu Đồn Đèn, giống mận sớm được trồng tại thôn Nà Đúc sau bốn năm đã cho thu hoạch. Quả chín sớm vào đầu tháng Tư với trọng lượng quả 60 g/quả.

Giống Nhị nguyệt đào được trồng tại huyện Ba Bể và huyện Ngân Sơn. Sau bốn năm trồng, giống Nhị nguyệt đào sinh trưởng nhanh, ra hoa ra hoa kết quả sớm, thu hoạch quả vào cuối tháng Tư, trung bình nặng 90-100 g/quả.

Ngoài ra, giống đào chín sớm ĐCS1 được trồng tại Đèo Gió và Bằng Khẩu, huyện Ngân Sơn cũng cho thu hoạch quả từ giữa đến cuối tháng Tư (sớm hơn 60-100 ngày so với giống đào địa phương), năng suất trung bình 10-12 tấn/ha, đặc biệt không bị sâu bệnh.

Các giống đào, mận chín sớm cho năng suất và chất lượng quả tốt, do chín sớm nên bán ở đầu vụ rất được giá. Với giá bán đầu vụ từ 30.000-35.000 đồng/kg, trừ chi phí, 1ha mận, đào chín sớm người dân có thể thu về gần 300 triệu đồng. Đặc biệt do chín sớm nên mận, đào tiêu thu cũng rất nhanh.

Ông Hoàng Giào Phin, thôn Khuổi Luông, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể cho biết gia đình trước có hơn 1ha đất trồng cây tạp. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng đào chín sớm. Đến nay hơn 700 gốc đào chín sớm của gia đình đã cho thu hoạch. Với giá bán hiện nay gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng.

Ông Phin cho biết, giống đào chín sớm dễ chăm sóc, ít mắc sâu bệnh, cho năng suất cao, thu hoạch sớm nên bán được giá, thương lái đến tận vườn để thu mua.

Tuy nhiên, theo kỹ sư Đào Thanh Tùng thì người dân cần nghiên cứu kỹ thuật đốn tỉa, tạo hình là để cho tán cây có khả năng hấp thu ánh sáng Mặt Trời tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, điều tiết sinh trưởng, kích thích ra hoa, tăng đậu quả để đạt năng suất cao như mong muốn.

Ngoài ra tỉa cành, tỉa quả cũng là kỹ thuật rất được chú trọng, một mặt làm tăng kích cỡ, trọng lượng quả, một mặt giữ cân bằng dinh dưỡng trong cây để tránh bị mất mùa năm sau. Đồng thời khi quả sắp chín hay bị sâu hại nên cần có biện pháp bảo quản quả, tiêu diệt sâu hại bằng các biện pháp thủ công để nâng cao năng suất, chất lượng quả.

Ông Triệu Văn Thông, thôn Nà Đúc 1, xã Địa Linh, huyện Ba Bể cho biết gia đình trồng 150 cây mận và 100 cây đào chín sớm, đến nay đã cho thu hoạch hai vụ. So với cây đào, mận thông thường thì giống đào, mận chín sớm cho năng suất và thu nhập gấp 2-3 lần. Gia đình sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng mận, đào chín sớm.

Từ Dự án trồng mận, đào chín sớm sẽ tạo ra hàng hóa đặc sản, có tính cạnh tranh cao trên thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và cũng là cơ hội tốt giúp họ tự xóa đói, giảm nghèo hiệu quả hơn.

Hiện nay toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 1.000ha mận, đào; trong đó có hơn 20ha mận, đào chín sớm. Việc phát triển và mở rộng diện tích sản xuất giống đào, mận chín sớm mang tính hàng hóa sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống cho người dân địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục