Trông đợi gì từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2?

Kể từ hội nghị lịch sử ở Singapore hồi tháng 6/2018, Triều Tiên đã có rất ít tiến bộ trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và tiếp tục làm những gì có thể để trốn tránh các lệnh trừng phạt.
Trông đợi gì từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6/2018. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo tờ Straitstimes của Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong vòng chưa đầy 10 ngày tới, tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là tại sao hai nhà lãnh đạo lại cần phải có hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này.

Kể từ hội nghị lịch sử ở Singapore hồi tháng 6/2018, Triều Tiên đã có rất ít tiến bộ trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và tiếp tục làm những gì có thể để trốn tránh các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế.

[Triều Tiên nhận định quan hệ Mỹ-Triều có thể trải qua bước ngoặt lớn]

Một nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ với chế độ Kim Jong-un thừa nhận rằng hai bên vẫn chưa thể nhất trí việc phi hạt nhân hóa là như thế nào hoặc những gì Mỹ có thể đưa ra để thỏa mãn những yêu cầu của ông Kim Jong-un.

Những khác biệt giữa hai bên chỉ nhấn mạnh việc Mỹ và Triều Tiên còn quá nhiều bất đồng trong bối cảnh thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai đang đến gần (dự kiến tổ chức tại Hà Nội từ ngày 27-28/2). Những khác biệt này khiến những người chỉ trích Tổng thống Trump cho rằng Hội nghị thượng đỉnh lần hai cũng sẽ giống như lần đầu tiên, kết quả đạt được rất hạn chế và mơ hồ.

Những kết quả từ hội nghị tại Singapore

Những người ủng hộ Trump nói rằng Mỹ đã đạt được rất nhiều thứ kể từ sau thượng đỉnh lần đầu tiên tại Singapore - bao gồm cả việc đình chỉ các vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên và việc trao trả một phần hài cốt của lính Mỹ hy sinh trong Chiến tranh Triều Tiên 1953. Còn các quan chức Mỹ cũng chỉ ra rằng Triều Tiên không còn giam giữ bất kỳ người Mỹ nào để làm con tin thương lượng.

Về phần mình, Triều Tiên có thể tự hào rằng Trump đã đình chỉ các cuộc tập trận quân sự lớn của Mỹ với Hàn Quốc. Theo Bruce Klingner, một chuyên gia cao cấp nghiên cứu về Đông Bắc Á tại Quỹ Di sản Washington, việc làm đó của Trump thực sự là một "món quà" dành cho Triều Tiên. Tuy nhiên, Klingner cho rằng Triều Tiên không những không có tiến triển gì về việc phi hạt nhân mà ngược lại, còn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân.

Cuộc gặp tại Singapore và kế hoạch tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh lần hai chính là một chiến thắng dành cho Triều Tiên. Sau nhiều năm bị chỉ trích về hồ sơ nhân quyền và phát triển vũ khí hạt nhân, Kim Jong-un đã đạt được tính hợp pháp và sự thừa nhận trên toàn cầu khi thành công tiếp cận Trump và chính phủ Hàn Quốc.

Trump sau đó tiếp tục dành nhiều lời khen ngợi cho Kim Jong-un, trao đổi những lá thư ấm áp và gọi Kim Jong-un là nhà lãnh đạo có thể biến đất nước mình thành "cường quốc kinh tế" nếu ông từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.

Lo lắng của những người chỉ trích

Ông Kim Jong-un có thể khai thác sự thiện chí không thể chối cãi của Tổng thống Mỹ để chống lại các lập luận của các nhà lãnh đạo nước ngoài đối với đội ngũ cố vấn của mình. Điều đó đã được chứng minh trong cuộc họp báo tại Helsinki với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi năm 2018, khi đó, Tổng thống Mỹ đã đưa ra những lời phủ nhận của Nga liên quan đến việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Ông Trump cho rằng lời phủ nhận của Nga đáng tin cậy hơn những đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ. Một ví dụ gần nhất là vào tháng 12/2018, trong khi điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Trump đã bất ngờ tuyên bố sẽ rút lính Mỹ khỏi Syria.

Do vậy, theo tiến sỹ Mi Terry, một nhà phân tích từng làm việc tại Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) thì Kim Jong-un sẽ dùng chiến thuật để đưa Trump vào bẫy.

Cuối cùng, câu hỏi được đặt ra là liệu Triều Tiên có thực sự chuẩn bị từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không. Dan Coats, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, đã trình bày trước một ủy ban của thượng viện hồi tháng 1/2019 rằng Kim Jong-un khó có thể làm điều đó vì ông coi "vũ khí hạt nhân là quan trọng đối với sự sống còn của chế độ."

Một báo cáo của Liên hợp quốc gần đây cho thấy Triều Tiên tiếp tục trốn tránh các lệnh trừng phạt thông qua các chuyến tàu bất hợp pháp cũng như các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Triều Tiên cũng đang nỗ lực phân tán các yếu tố trong chương trình tên lửa đạn đạo của mình để bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công phủ đầu. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa, và các quan chức đã chỉ ra một loạt động thái nhỏ để minh chứng cho việc Triều Tiên thực hiện điều này.

Những mong đợi từ hai bên

Trong một bài phát biểu gần đây, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã chỉ ra "các bước đi sơ bộ" của Triều Tiên để tháo dỡ hai địa điểm thử nghiệm hạt nhân là bãi thử Tongchang-ri và Punggye-ri dù những nỗ lực đó đã diễn ra mà không có sự thanh tra quốc tế. Theo ông Biegun, đó là một việc làm đúng hướng.

Ông Biegun cũng cho biết Triều Tiên bày tỏ sự sẵn sàng tháo dỡ tất cả các cơ sở làm giàu plutonium và uranium của mình, ngoài nhà máy Yongbyon mà trước đây Triều Tiên đề nghị đóng cửa.

Theo tiến sỹ Cheong Seong-chang, công tác tại viện nghiên cứu Sejong ở Hàn Quốc, có vẻ như đặc phái viên Biegun và đặc phái viên Triều Tiên Kim Hyok Chol đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn những người tiền nhiệm. Seong-chang cho rằng cả hai bên đều không muốn lãng phí thời gian trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần hai, do vậy, hai bên đều đưa ra cụ thể chiến thuật đàm phán cũng như làm mới đội ngũ đàm phán để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán có kết quả thực chất.

Trong bài phát biểu của mình trước ủy ban thượng viện, Biegun lập luận rằng Mỹ sẽ tìm kiếm "các kết quả cụ thể" từ hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam và "đến một lúc nào đó" muốn có một "tuyên bố toàn diện" về các kho dự trữ hạt nhân của chế độ Triều Tiên.

Về phần mình, một tuyên bố hòa bình và các cuộc đàm phán để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 nằm trong danh sách mong muốn của ông Kim Jong-un.

Theo ông Robert Carlin, cựu chuyên gia phân tích tình báo của CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ, người đã tham gia đàm phán với Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, việc Triều Tiên gần đây tỏ thiện chí đàm phán với Biegun, người mà trước đây nước này từ chối làm việc, là một sự thay đổi thái độ quan trọng của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Carlin cũng cho rằng "kỳ vọng quá nhiều vào những tiến triển trong đàm phán giữa hai bên ở giai đoạn này là một sai lầm." Theo ông, còn rất nhiều trông gai để Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được kết quả thực chất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục