Những ngày qua, tại các điểm di dân tập trung để tránh lũ lụt trên địa bàn thành phố Hà Nội đều xuất hiện nhiều hành động thể hiện tình đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn của người dân Thủ đô.
Trong số đó có nhóm người dân nấu bánh chưng, rang lạc, muối vừng, tổ chức nấu bữa cơm đại đoàn kết hỗ trợ cho những người di dân tập trung, hoặc vận động các hộ gia đình trên địa bàn cho các hộ có nguy cơ không an toàn được ở nhờ...
Mô hình gói bánh chưng của chùa Đình Quán, quận Bắc Từ Liêm đã gửi hàng nghìn chiếc bánh cho người dân bị ảnh hưởng do bão lũ...
Xúc động và ấn tượng về những việc làm tốt đẹp trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương bày tỏ: "Tình nghĩa đồng bào, truyền thống “lá lành đùm lá rách” luôn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam, mỗi khi thiên tai xảy ra điều đó lại càng được thể hiện rõ nhất. Trong bão lũ thiên tai đau thương, mất mát, nhưng luôn sáng ngời tình người."
Không những vậy, trong những ngày qua, trên khắp địa bàn Thủ đô Hà Nội, người dân đều bắt gặp hình ảnh cán bộ, chiến sỹ Bộ đội, Công an, lực lượng chức năng (các hội, đoàn thể, công nhân các đơn vị thoát nước, cây xanh, điện lực, vệ sinh môi trường...) không quản khó khăn, vất vả, dầm mình trong mưa lũ, hoàn thành tốt nhất các phần việc của mình.
Bên bát mỳ tôm pha vội, để kịp ra chốt trực phòng, chống bão, lũ bên đê sông Hồng, Trung tá Lê Quang Ninh, Trưởng Công an phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, chia sẻ trong những ngày này, cùng với chính quyền và nhân dân Thủ đô, Công an thành phố Hà Nội, toàn bộ cán bộ, chiến sỹ Công an phường Đông Ngạc đã và đang căng mình ứng phó với mưa bão, lũ lụt vì mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân, xứng đáng là người chiến sỹ “Công an Nhân dân, vì nước quên thân, vì nhân dân mà phục vụ,” tất cả vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Qua nắm bắt dư luận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội nhận thấy, nhân dân luôn tin tưởng vào sự chỉ đạo của hệ thống chính trị Thủ đô và đặc biệt là thông điệp "bằng mọi biện pháp phải theo sát tình hình để đảm bảo an toàn cho người dân" của Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài.
Thành phố sẽ bảo đảm tốt các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là giữ an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do những tác động của cơn bão gây ra. Đặc biệt, nhân dân ấn tượng với hình ảnh lãnh đạo thành phố các cấp đã trực tiếp đến thực địa để đôn đốc, kiểm tra công tác ứng trực, phòng, chống lũ bão và có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, kịp thời mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Trong đó, nhân dân đặc biệt ghi nhận sự chỉ đạo kịp thời, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong công tác sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
Đồng thời, dư luận nhân dân ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo kịp thời, cụ thể, toàn diện của lãnh đạo trung ương và thành phố, tinh thần làm việc không quản nguy hiểm của các lực lượng chức năng, cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ di chuyển các hộ neo người khó khăn, nhà ở xuống cấp...
Đang cùng 11 hộ dân tạm trú ở nhà thể chất của Trường Trung học Cơ sở Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, bà Ngô Thị Sửu (88 tuổi) bày tỏ xúc động vì được Nhà nước quan tâm, được lãnh đạo các cấp thăm hỏi thường xuyên và bố trí chỗ ở tạm.
Tương tự, hàng chục người dân đang tạm trú ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình, địa chỉ 67 Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, cũng đang được Ủy ban Nhân dân quận, cùng các đoàn thể chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm chu đáo.
Một số người dân không kịp mang theo quần áo, quận đã tổ chức cấp phát quần áo cho bà con. Một số người bị đau, ốm được hỗ trợ chăm sóc, khám chữa bệnh kịp thời.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình, cho biết sự tận tình, chu đáo, ân cần của các cấp ủy, lãnh đạo chính quyền quận, cũng như lực lượng chức năng liên quan đã làm cho nhân dân tạm trú cảm thấy ấm áp.
Điểm tạm trú 67 Phó Đức Chính thực sự đã trở thành mái ấm, nghĩa tình với người dân khó khăn do bão, lũ. Còn tại quận Bắc Từ Liêm, 100% hộ dân khu vực ngoài đê, bãi sông Hồng trên địa bàn 4 phường gồm Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương và Thượng Cát, đã tới nơi an toàn, tránh ngập lụt.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho biết, tại nơi tạm trú, người dân đều bày tỏ cảm ơn, ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng, để đảm bảo an toàn.
Tin tưởng rằng với sự đoàn kết, chung tay, sẻ chia, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và người dân sẽ là nguồn sức mạnh to lớn để những người chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ tại Hà Nội vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống./.
Hà Nội: Xử lý sự cố tràn bờ, sạt lở khi nước sông Nhuệ dâng cao
Mực nước sông Nhuệ dâng cao dẫn đến tràn đê và sạt lở tại một số điểm thuộc địa bàn xã Đại Áng, huyện Thanh Trì; ngập đường dân sinh xã Cao Dương (đỉnh kè Mọc Xá) và cầu dân sinh đi sang Chương Mỹ.