Trong 12 giờ tới bão số 4 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo trong 12 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Trong 12 giờ tới bão số 4 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ảnh 1Tàu thuyền của ngư dân ở Móng Cái đã về nơi trú ẩn an toàn. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 20 giờ, vị trí tâm bão số 4 (Mujigae) ở vào khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 100 đến 120km/giờ), giật cấp 13-14.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7 giờ ngày 5/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,9 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (tức là từ 40 đến 60km/giờ), giật cấp 8-9.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7-8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 19 giờ ngày 5/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,9 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, ở các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.

Trước diễn biến phức tạp, di chuyển nhanh của bão số 4 đang tiến vào Biển Đông và nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh-Hải Phòng, ngày 4/10, Hải Phòng đã chỉ đạo tập trung tối đa nguồn lực sẵn sàng phòng chống bão, gần 43.000 người đã được huy động, toàn bộ 3.700 phương tiện trên sông biển đã về nơi an toàn.

Đến 17 giờ cùng ngày, Hải Phòng không còn phương tiện di chuyển xa bờ, có hơn 2.700 phương tiện đã neo đậu tại bến, gần 700 nồng bè đã được chằng, neo an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố huy động lực lượng lớn nhất với hơn 10.000 người, 46 xe ôtô các loại, 18 tàu xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp... gia phòng chống bão,

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị sẵn sàng các phương án chống bão, ngập úng, sơ tán nhân dân trên các tàu thuyền, lồng bè và khu vực ven sông, ven biển, khu nhà cũ xuống cấp, xung yếu; khẩn trương thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; kiểm tra và thực hiện các biện pháp an toàn đê điều và các công trình đang thi công, nhất là cầu Đình Vũ-Cát Hải, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện và các cầu tàu, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải, du lịch, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền…

Các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi bão số 4 đổ bộ.

Tại Hải Dương, trên những cánh đồng ở các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc hai ngày nay, không khí thu hoạch lúa mùa đang rất khẩn trương, tích cực khi cơn bão số 4 đang tiến vào đất liền rất gần.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Hải Dương, cơn bão số 4) được dự báo là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, vì vậy, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương ngay từ 2/10 đã gửi công điện khẩn yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch nhanh, gọn lúa vụ mùa và cây rau màu đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng."

Thống kê mới nhất, Hải Dương mới gặt được trên 16.200 ha trong tổng số diện tích hơn 60.800 ha lúa vụ Mùa.

Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lộc cho biết điều đáng lo ngại trong thời điểm bão sắp về không chỉ là tình hình thu hoạch lúa mà còn là nguy cơ bị ảnh hưởng với những diện tích cây vụ đông vừa mới trồng. Hiện nay Gia Lộc đã trồng được khoảng gần 800 ha cây vụ đông.

Để sẵn sàng ứng phó với mưa bão, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Chi cục Thủy lợi và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương triển khai phương án chống úng, ưu tiên cho diện tích lúa mùa, rau màu chưa thu hoạch được, các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, khu nuôi cá lồng. Thành phố Hải Dương chủ động thực hiện phương án chống úng nội đô.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương cũng rà soát các công trình đê điều, thủy lợi, đặc biệt là các trọng điểm chống lụt, bão, các công trình đê điều mới xây dựng và đang bị sạt lở, chưa được xử lý, các hồ chứa, công trình đang thi công để có phương án ứng phó kịp thời…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục