Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới (từ 9 giờ đến 19 giờ ngày 2/8), bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19 giờ ngày 2/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Thanh Hóa-Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 12-24 giờ tới (từ 19 giờ ngày 2/8 đến 7 giờ ngày 3/8), áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có khả năng cao xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
[Thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng về ứng phó với bão số 2]
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; sóng biển cao 3 đến 4 m; biển động mạnh.
Ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, đảo Hòn Dáu) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3 đến 4 m; biển động rất mạnh.
Vùng ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh có gió giật từ cấp 6-8.
Ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Hải Phòng có khả năng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 3 đến 4,5m.
Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Phú Quý) có gió tây nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao 2 đến 4m.
Ngoài ra, ngày 2/8, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình còn có mưa to đến rất to (lượng mưa 50-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ). Từ ngày 2 đến ngày 5/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.
Trong ngày và đêm 2/8, Tây Nguyên và Nam Bộ (bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc) còn có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 30-60mm/24 giờ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Thủ đô Hà Nội, từ ngày 2 đến ngày 5/8 có mưa, riêng ngày và đêm nay có mưa to với lượng mưa phổ biến 40-80mm/24 giờ. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, ngày 2/8, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình còn có mưa to đến rất to (lượng mưa 50-150mm/24 giờ , có nơi trên 150mm/24 giờ). Từ nay đến ngày 5/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.
Trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-7m, hạ lưu từ 2-5m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ thượng nguồn sông Thao, sông Bôi, sông Bùi, sông Mã, sông Cả, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố có khả năng lên mức báo động 1 và trên báo động 1; hạ lưu các sông ở mức dưới báo động1, riêng hạ lưu sông Gianh lên mức báo động 2 và trên báo động 2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ như Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại các huyện sau Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Bá Thước, Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa); Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn (tỉnh Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình).
Nguy cơ cao ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như: Hà Nội, Hà Giang, Phú Thọ (thành phố Việt Trì, huyện Thanh Ba), Yên Bái, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa (thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn), Nghệ An (thành phố Vinh), Hà Tĩnh (thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên), Quảng Bình (thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất cấp 1
Cần chú ý theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện trong các bản tin nhanh./.