Trốn việc nhưng vẫn lĩnh lương, hàng chục viên chức Italy bị bắt

Vắng mặt ở nhiệm sở nhưng bằng các "thủ thuật" đặc biệt để quẹt thẻ chấm công, 35 người trốn việc tại San Remo, miền Tây Bắc Italy đã bị bắt.
Trốn việc nhưng vẫn lĩnh lương, hàng chục viên chức Italy bị bắt ảnh 1Một nhân viên đang quẹt thẻ ghi danh, sau đó không vào cơ quan mà bỏ đi làm việc khác ở bên ngoài. (Nguồn: La Stampa)

Vắng mặt ở nhiệm sở nhưng bằng các "thủ thuật" đặc biệt để quẹt thẻ chấm công ở nơi làm việc, ​hàng chục nhân viên hành chính của chính quyền San Remo thành phố nghỉ mát ở miền Tây Bắc Italy vẫn đều đều lĩnh lương nhà nước trong một thời gian dài, cho đến khi bị phát hiện và bị bắt hôm 22/10.

Vụ việc trên đã làm chấn động hệ thống hành chính công của Italy.

Từ nghi ngờ của một quan chức thành phố, trong nhiều tháng liên tiếp, cảnh sát tài chính San Remo và Viện công tố thành phố đã lắp một camera quay trộm ngay cạnh máy quẹt thẻ điểm danh của nhân viên.

Và họ phát hiện rất nhiều nhân viên không chỉ quẹt thẻ cho mình mà còn cho 4-5 người khác, những đồng nghiệp không hề đi làm. Một số người lén lút rời chỗ làm cũng nhờ các đồng nghiệp còn trong cơ quan quẹt thẻ hộ.

"Quy mô" của phong trào trốn việc tại San Remo khiến rất nhiều người giật mình: 195 người, tương đương với 3/4 số nhân viên của tòa thị chính San Remo, bị điều tra, trong đó có 35 người bị bắt. Trong số những người bị điều tra có cả một viên cảnh sát giao thông bị camera ghi được khi đang quẹt thẻ vào cửa trong tình trạng trên người mặc mỗi một chiếc quần bơi, vì người này đang chuẩn bị đi tắm biển.

Những người bị điều tra bị buộc nhiều tội danh khác nhau như gây thiệt hại cho công quỹ nhà nước, trốn việc và sử dụng thẻ lao động không đúng mục đích.

Hiện báo chí Italy chưa tiết lộ tổng số tiền thiệt hại vì những ​nhân viên không hề đi làm này là bao nhiêu nhưng theo nhật báo địa phương Il Secolo XIX, con số này không dưới 10 triệu euro.

"Cảnh sát tài chính Italy đã phát hiện cả một hệ thống gian lận," công tố viên Paola Marrali nói trên nhật báo La Stampa. "Tại sao những ​người này vắng mặt mà không một ai trong cơ quan của họ phát hiện ra," công tố viên đặt câu hỏi.

Để hạn chế tình trạng này, bà Marrali cũng yêu cầu chính quyền San Remo phải xem lại việc quản lý nhân viên không chỉ bằng việc quẹt thẻ từ mà bằng sự theo dõi sát sao hơn của người làm nhiệm vụ tổ chức. Sự lỏng lẻo trong quản lý của chính quyền đã tạo ra những lỗ hổng lớn. Chẳng hạn, nhân viên có thể quẹt thẻ ở một tòa nhà của cơ quan chính quyền và đi ra ở một nơi khác mà không ai kiểm soát được, với sự bao che và đồng lõa của đồng nghiệp. Thậm chí, cảnh sát tài chính đã phát hiện một trường hợp đi bơi thuyền cả ngày, nhưng vẫn có tên trong sổ chấm công.

Năm ngoái, San Remo cũng đã từng gây chú ý ở Italy khi chính quyền thành phố ra quy định chỉ cho phép nhân viên của mình đi uống càphê một lần duy nhất vào buổi sáng và không được ngồi ở bàn, mà phải đứng. Những nhân viên tòa thị chính nào rời bàn làm việc đến uống càphê trong quán bar trong khuôn viên của tòa nhà thì phải quẹt thẻ chấm công. Quy định này được đưa ra nhằm đối phó với tình trạng nhân viên cũng như các quan chức của chính quyền San Remo thường bỏ việc đi uống càphê trong giờ làm và ngồi trong các quán quá lâu.

Tình trạng trốn việc thực ra khá phổ biến ở Italy. Ngày đầu năm mới 2015, bê bối đã nổ ra khi 83% số cảnh sát giao thông ở thủ đô Rome không có mặt trên đường. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính quyền Rome đã phải tiến hành một cuộc điều tra rộng rãi để tìm ra nguyên nhân. Rất nhiều người khẳng định họ vắng mặt vì bị cúm, trong khi Cơ quan nhà nước về kiểm soát bãi công ở Italy thì lại cho rằng đây là một hình thức "bãi công lậu." Ốm trở thành một lý do quen thuộc đối với những ​nhân viên trốn làm ở Italy. Tỷ lệ ốm vặt thường tăng vọt mỗi khi đến gần các kỳ nghỉ nối nhau.

Nhật báo La Stampa cho rằng sự trì trệ và kém hiệu quả của nền hành chính công Italy chính là ở việc quản lý yếu kém và việc thiếu các biện pháp mạnh tay với những kẻ làm bàn giấy trốn việc hoặc lười làm. Italy đã tiến hành nhiều đợt cải cách hành chính nhằm kiện toàn hệ thống hành chính công, nhưng chưa giải quyết gốc rễ vấn đề trầm kha này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục