Tròn 90 năm môn nghệ thuật thứ 7 cất tiếng nói đầu tiên

Điện ảnh ra đời từ năm 1895, nhưng mãi đến 32 năm sau (1927), môn nghệ thuật thứ 7 mới cất tiếng nói đầu tiên, với sự xuất hiện của "The Jazz Singer."
Một cảnh trong phim The Jazz Singer. (Nguồn: theredlist.com)

Điện ảnh ra đời từ năm 1895, nhưng mãi đến 32 năm sau (1927), môn nghệ thuật thứ 7 mới cất tiếng nói đầu tiên, với sự xuất hiện của "The Jazz Singer" (Ca sỹ nhạc jazz) - bộ phim đã làm điện ảnh thay đổi mãi mãi.

Ngày 25/4/1917, Samson Raphaelson - một người xuất thân từ khu Đông Hạ của thành phố New York (Mỹ) và là sinh viên của trường Đại học Illinois - có mặt tại một buổi diễn vở nhạc kịch Robinson Crusoe, Jr. ở thành phố Champaign, bang Illinois. Ngôi sao của vở diễn là chàng ca sỹ 30 tuổi Al Jolson - một người Do Thái sinh tại Nga.

Raphaelson vô cùng ấn tượng với phần trình diễn sinh động của Jolson khi anh xuất hiện với bộ mặt được bôi đen (đóng giả một người da đen), và nhanh chóng chuyển từ hòa nhập vào khán giả sang hòa nhập vào bài hát.

Một vài năm sau, khi theo đuổi sự nghiệp văn chương chuyên nghiệp, Raphaelson đã viết tuyển tập "The Day Of Atonement" (Ngày đền tội), trong đó có truyện ngắn nói về một thanh niên Do Thái tên là Jakie Rabinowitz, dựa theo cuộc đời thực của Al Jolson.

Truyện ngắn này được đăng trên tạp chí Everybody’s số tháng 1/1922. Raphaelson sau đó chuyển thể tác phẩm này thành một vở kịch sân khấu có tên là "The Jazz Singer," với ngôi sao George Jessel trong vai chính. Vở diễn ra mắt công chúng trên sân khấu Broadway tháng 9/1925 và gặt hái thành công vang dội với 303 suất diễn.

Hãng Warner Bros giành được bản quyền vở kịch vào ngày 4/6/1926 và muốn ký hợp đồng với George Jessel để ông thể hiện lại vai diễn này trên phim có lời thoại. Nhưng việc thương thảo với Jessel đổ bể.

Lý do đầu tiên là về vấn đề tài chính, Jessel yêu cầu được tăng thù lao, nhưng Warner Bros. không thể đáp ứng. Lý do thứ hai mang yếu tố phân biệt chủng tộc. Alfred A.Cohn - tác giả kịch bản chuyển thể điện ảnh - đã thay đổi đoạn kết khác hoàn toàn với vở kịch gốc, khi cho vai nam chính trở thành một nghệ sỹ hài bôi mặt để giả người da đen và điều này đã khiến Jessel nổi cơn tam bành.

Cuối cùng định mệnh đã trao lại vai này cho Al Jolson - người đã truyền cảm hứng đầu tiên cho "The Jazz Singer." Ngày 26/5/1927, Jolson nhận vai diễn và ký hợp đồng 75.000 USD cho tám tuần đóng phim.

Kinh phí sản xuất "The Jazz Singer" là 422.000 USD - một số tiền lớn vào thời điểm bấy giờ, đặc biệt là đối với hãng Warner Bros. vì hãng này hiếm khi bỏ ra quá 250.000 USD để làm phim và lại đang trong tình trạng eo hẹp về tài chính.

Người đồng sáng lập hãng Harry Warner thậm chí đã ngừng lĩnh lương, cầm cố trang sức của vợ và chuyển gia đình vào sống trong một căn hộ nhỏ để có tiền sản xuất "The Jazz Singer."

Dù nhiều bộ phim dùng âm thanh trước đó cũng có lời thoại, nhưng tất cả đều là các đoạn thoại ngắn. Tương tự, hai bộ phim đầu tiên của hãng Warner Bros. có sử dụng âm thanh Vitaphone là "Don Juan" (chiếu tháng 8/1926) và "The Better ‘Ole" (chiếu tháng 10/1926). Hai bộ phim này chỉ có nhạc nền bằng nhạc cụ được đồng bộ hóa, và các hiệu ứng âm thanh.

"The Jazz Singer" hội tụ tất cả những thứ đó, cộng thêm nhiều trường đoạn hát cùng một số lời thoại được đồng bộ hóa. Al Jolson hát sáu bài, gồm năm bản nhạc jazz nổi tiếng và bài "Kol Nidre."

Alan Crosland được chọn là đạo diễn phim "The Jazz Singer." Ông là người đã có kinh nghiệm đạo diễn hai bộ phim có âm thanh Vitaphone "Don Juan""Old San Francisco." Trong khi đó, George Groves - một người Anh, trước đó từng tham gia làm phim "Don Juan" - được giao phụ trách phần thu âm của bộ phim này.

Trong cả bộ phim "The Jazz Singer" chỉ có 2 phút nói chuyện được khớp đồng bộ, còn phần lớn hoặc toàn bộ thoại được ứng tác trình bày bằng bảng phụ đề, chuẩn trong các phim câm của kỷ nguyên đó. Nhưng chỉ cần như thế, "The Jazz Singer" đã mở ra một chương mới trong lịch sử điện ảnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục