Báo cáo mới đây của các công ty chứng khoán nhận định việc nới room tín dụng sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay, hỗ trợ dòng tiền cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Thực tế, tính đến 22/12 vừa qua, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm ngoái, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tại thời điểm gần một tháng trước (25/11) mới chỉ đạt 10,1%.
Điều này đồng nghĩa với việc đã có hàng nghìn tỷ đồng vốn tín dụng đưa vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong những tuần các địa phương dần mở lại hoạt động kinh tế kết nối trở lại.
Song song với dòng vốn hỗ trợ doanh nghiệp, theo các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), tín dụng bán lẻ vẫn duy trì là động lực tăng trưởng chính của tín dụng hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tại thời điểm cuối quý 3/2021, tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã tăng lên mức 42% tổng dư nợ từ mức 31% năm 2015.
Các chuyên gia của VCBS cho rằng với đặc điểm nền kinh tế khối doanh nghiệp FDI đóng góp một phần lớn trong GDP cả nước, tỷ lệ lao động có việc làm thu nhập cao tăng lên giúp tài sản gia tăng và thúc đẩy nhu cầu vay nợ tiêu dùng. Theo đó, hai sản phẩm bán lẻ có dư nợ lớn hiện tại là cho vay mua nhà và ôtô, với quy mô tiếp tục tăng nhanh hàng năm.
Ở góc độ phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV(BSC) cũng chỉ ra rằng trong quý 3/2021, lĩnh vực cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống cá nhân được đẩy mạnh, trong khi đó cho vay khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp lớn có sự chững lại do các địa phương triển khai giãn cách xã hội để phòng ngừa lây lan dịch COVID-19.
[Một số ngân hàng cổ phần được chấp thuận nới ‘room’ tín dụng]
Sang quý, cùng với việc mở cửa trở lại nền kinh tế và tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, nguồn vốn vay sẽ có động lực chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Trước đó, theo quan sát của VCBS, do room tín dụng cấp đầu năm ở mức tương đối thấp, nhiều ngân hàng đã thực hiện xin cấp bổ sung và được Ngân hàng Nhà nước nới room vào từ quý 3-4/2021.
Việc xét duyệt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được dựa trên các tiêu như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu hay hệ số an toàn vốn (CAR); năng lực quản trị rủi ro thông qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9…; mức độ hỗ trợ xã hội trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn thông qua thực hiện miễn giảm lãi suất và phí.
Trên cơ sở này, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (TCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MBB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB)… được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.
Báo cáo của BSC cho biết 11 ngân hàng ngân hàng vừa được nới room; trong đó, 4 ngân hàng được nâng hạn mức tín dụng lên trên 20% gồm TPB, TCB, MSB và MB. Còn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) và VPBank đứng ở nhóm tiếp theo với hạn mức tín dụng lần lượt 19,1% và 17,1%. Nhìn chung, thị phần tín dụng của các ngân hàng tư nhân liên tục cải thiện từ mức 42% năm 2015 lên chiếm 46% vào quý 3/2021.
Trên cơ sở nhu cầu tín dụng tích cực hiện nay, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT dự báo, việc nới room cho các ngân hàng kích thích tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2021 đạt 12% so với cùng kỳ năm trước và phục hồi lên mức từ 13-14% vào năm 2022.
VNDIRECT cũng chỉ ra các yếu tố hỗ trợ từ hoạt động sản xuất và thương mại phục hồi mạnh mẽ nhờ sự gia tăng của nhu cầu trong và ngoài nước; lãi suất cho vay thấp kích thích nhu cầu vay mua nhà; và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn.
Về phía các chuyên gia phân tích của VCBS kỳ vọng, tới đây, nhóm ngân hàng có hệ số CAR cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp mức room tín dụng cao hơn trung bình ngành./.