Tờ World Politics Review số ra ngày 9/11 có bài phân tích cho rằng nếu thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, Tổng thống Donald Trump sẽ đưa nước Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới từ bỏ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Tin tốt lành là đối thủ của ông - Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố giành chiến thắng - có thể đưa nước Mỹ trở lại tham gia Hiệp định chỉ bằng một chữ ký.
Nhưng tin không mấy tích cực là dù Mỹ có trở lại tham gia Hiệp định thì cũng không giúp giảm ngay được lượng khí thải nhà kính của nước Mỹ.
Để làm được điều đó, quốc gia vốn chia rẽ sâu sắc này cần phải quyết tâm cùng nhau hành động.
[Nước Mỹ và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: Một chặng đường dài]
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là hiệp định đa phương có thể nói là ấn tượng nhất từ trước tới nay mà thế giới đạt được nhằm ứng phó với tình trạng Trái Đất nóng lên.
Được đàm phán tại Hội nghị lần thứ 16 giữa các nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước tham gia hiệp định đã ký cam kết cùng nhau nỗ lực để giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu chỉ ở mức 1,5 độ C như thời tiền công nghiệp, nhiều nhất là gia tăng tới 2 độ C.
Mỗi nước tự quyết định lộ trình cũng như kế hoạch của mình để đạt được mục tiêu này.
Các nước tham gia cũng nhất trí cứ 5 năm/lần sẽ họp xem xét tiến độ thực hiện hiệp định, củng cố nỗ lực cho các giai đoạn tiếp theo, đồng thời hỗ trợ các nước nghèo hơn khoảng 100 tỷ USD cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Không giống như Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu quy trách nhiệm cho cả các nước đang phát triển và mới nổi chứ không chỉ quy trách nhiệm cho các nước đã phát triển tân tiến.
Hiệp định Paris 2015 có hiệu lực từ ngày 4/11/2016 sau khi 55 nước chịu trách nhiệm đối với khoảng 55% lượng khí thải toàn cầu chính thức gia nhập hiệp định.
Tại thời điểm đó, do đối mặt với quá nhiều rào cản khó khăn để có thể thuyết phục được Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát, Tổng thống Barack Obama đã quyết định tham gia hiệp định này như một hiệp định hành pháp chứ không theo đuổi việc phê chuẩn hiệp ước thông qua quốc hội.
Chính điều này khiến người kế nhiệm của ông là Tổng thống Trump có thể rời bỏ Hiệp định dễ dàng hơn.
Và quả thật Tổng thống Trump đã làm đúng như vậy, quyết định đưa nước Mỹ rời bỏ Hiệp định.
Trong bài phát biểu của mình hồi tháng 6/2017, ông Trump gán cho Hiệp định cái tên “mối đe dọa sinh tử” đối với nền kinh tế Mỹ và chủ quyền nước Mỹ.
Nhưng muốn rời bỏ, ông Trump cũng phải mất khá nhiều thời gian, bởi theo các điều khoản của Hiệp định, không nước nào được tuyên bố ý định rút lui trong 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và thậm chí sau thời gian đó, nước muốn rút lui cũng phải chờ thêm 12 tháng nữa mới được rút khỏi chính thức.
Để gia nhập trở lại, chỉ cần thông báo trước một tháng. Điều này có nghĩa là Mỹ - nước xả khí thải lớn thứ hai trên thế giới - có thể tái tham gia hiệp định vào tháng 2/2021, thời điểm thế giới chuẩn bị cho vòng tiếp theo của hội nghị ứng phó với biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức (COP21) tại Glasgow, vốn lẽ ra được tổ chức trong tháng 11/2020 nhưng phải hoãn đến năm sau do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ tham gia trở lại hiệp định cũng sẽ không xoay chuyển được gì nhiều xu hướng biến đổi khí hậu hiện nay.
Để đạt được mục tiêu kiểm soát về sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, các nước tham gia Hiệp định phải cắt giảm được 7,2% mức khí thải nhà kính mỗi năm từ nay cho đến hết năm 2030, tức là giảm 45% so với mức phát khí thải nhà kính năm 2010. Điều đó là quá khó.
Khí thải nhà kính toàn cầu năm nay có thể giảm được 8% do đại dịch đã khiến nền kinh tế nhiều nước phải đóng cửa và kinh tế thế giới suy thoái nhất kể từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nhưng lịch sử đã chứng minh, mọi thứ sẽ hồi phục mạnh mẽ trở lại. Với lượng khí thải nhà kính đã tích lũy trong bầu khí quyển thì mức giảm riêng trong năm 2020 cũng không thấm tháp gì để có thể làm giảm tốc độ ấm lên toàn cầu.
Để ngăn chặn biến đổi khí hậu, các nước phải uốn được đường cong mức phát thải toàn cầu đi xuống ngay khi nền kinh tế thế giới phục hồi trở lại sau đại dịch.
Trong chiến dịch tranh cử, Biden đã phác thảo kế hoạch đầy tham vọng. Mỹ sẽ chi 2.000 tỷ USD để nước Mỹ đạt được mức phát thải khí bằng 0 vào năm 2050.
Kế hoạch của Biden, nếu được phê chuẩn và luật hóa, nước Mỹ sẽ trở thành 1 trong 60 nước trên toàn thế giới, bao gồm các nước châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, cam kết đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050; và Trung Quốc cũng cam kết sẽ đạt được mức này vào năm 2060.
Tuy nhiên, rất có thể kế hoạch của Biden sẽ gặp bế tắc ngay khi được đưa ra Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát và đảng Dân chủ, vốn nắm đa số tại Hạ viện, đang bị giảm bớt số ghế.
Lĩnh vực duy nhất hứa hẹn việc hai đảng đối lập có thể thỏa hiệp được là đầu tư cho hạ tầng.
Vào thời kỳ Đại suy thoái kinh tế năm 2009, chính quyền Obama đã đưa ra gói kích thích kinh tế 90 tỷ USD cho phát triển năng lượng sạch.
Ông Biden có thể áp dụng lại chiêu này, chi ít nhất 15% các gói cứu trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch cho các dự án phát triển hạ tầng năng lượng sạch để tạo việc làm và doanh thu.
Ví dụ như chi ngân sách cho các ngành sản xuất điện gió và điện Mặt Trời, vốn đang điêu đứng, mặc dù trước đại dịch, các doanh nghiệp này đang tăng trưởng rất tốt, đồng thời đầu tư cho giao thông công cộng.
Với nước Mỹ, thành công về mặt lập pháp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nước mà còn đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu. Trong chiến dịch tranh cử, Biden cam kết sẽ hướng tới những mục tiêu giảm khí thải nhà kính đầy táo bạo.
Nhưng nước Mỹ có tạo lập được lòng tin trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu hay không sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ thuyết phục được các nước rằng Mỹ giải quyết được vấn đề đó ở trong nội bộ nước Mỹ trước, bằng cách thông qua các đạo luật trong nước, và đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng phát triển năng lượng sạch nhằm thực hiện cam kết của Mỹ trong việc đạt mục tiêu phi carbon hóa.
Ông Biden sẽ tìm được những đồng minh quan trọng ủng hộ ông trong nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đó là chính quyền nhiều bang ở Mỹ, ở các thành phố và cả các tổ chức cũng như giới doanh nghiệp.
Tổng thống Biden cũng hoàn toàn có thể dựa vào sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng để có hành động cương quyết ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nước Mỹ đúng là rất chia rẽ về chính trị nhưng phần lớn người dân Mỹ đều nhận thức vấn đề biến đổi khí hậu là “nguy cơ cấp thiết” đối với nước Mỹ và theo một cuộc trưng cầu ý dân mới đây, trung bình có tới 4 trong số 5 người được hỏi cho rằng: “Trong chính sách năng lượng, nước Mỹ nên đặt mục tiêu đạt được 100% năng lượng sạch”./.