Theo AFP, sinh ra dưới cái bóng của Google, Niantic đã một bước trở nên nổi tiếng nhờ thành công bùng nổ của Pokemon Go. Nhưng liệu cơn sốt đi bắt Pokemon có đưa tới lợi nhuận tài chính dài hạn cho công ty này?
John Hanke, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Niantic, từng chia sẻ rằng công ty được đặt tên theo một con tàu săn cá voi bị các thủy thủ bỏ lại cảng San Francisco để đi tìm vận may trong cơn sốt tìm vàng nổi tiếng thời bấy giờ. Con tàu này về sau đã được đưa lên bờ và sửa sang lại thành một cửa hiệu.
Sáu năm trước, ấn tượng về con tàu bị quên lãng đã thôi thúc Hanke lấy cái tên Niantic đặt cho một nhiệm vụ kết hợp giữa trò chơi giải trí, bản đồ di động và thực tế ảo tăng cường để hé lộ những sự vật ảo tồn tại trong thế giới thật theo cách thật vui tươi.
Niantic là dự án bên lề của Hanke tại Google, doanh nghiệp đã mua lại công ty khởi nghiệp Keyhole của ông hồi năm 2004 và biến nó thành dịch vụ bản đồ miễn phí Google Earth.
Hanke đã có nhiều năm giữ vị trí điều hành cao cấp tại đơn vị “Geo” (địa lý) của Google, góp phần tạo ra những dịch vụ được sử dụng rộng rãi như Google Maps hay Street View. Tuy nhiên, mục tiêu của ông không chỉ dừng ở giúp đỡ mọi người tìm được đường đi lối lại và tận hưởng khả năng xác định vị trí của các thiết bị di động. Hanke đã nghĩ đến ý tưởng lập một công ty khởi nghiệp mới, nhưng thay vào đó, ông lại để Niantic gắn bó với người khổng lồ công nghệ của Thung lũng Silicon.
“Ở lại với Google cho chúng tôi lợi thế sử dụng các dữ liệu đã có ở bộ phận bản đồ và cơ sở hạ tầng của Google,” Hanke chia sẻ trong một bài báo năm 2012.
Dự án Niantic đưa ra sản phẩm đầu tiên năm 2011 - một ứng dụng di động tên là Fieldtrip giúp xác định vị trí những người dùng điện thoại thông minh quanh một địa điểm nhất định.
Một năm sau, Niantic giới thiệu Ingress, trò chơi được coi là tiền nhiệm của Pokemon Go. Với hơn 15 triệu lượt tải về, Ingress cũng sử dụng thế giới thực xung quanh người chơi làm đấu trường. Thay vì đi bắt các sinh vật ảo như Pokemon, người chơi Ingress sẽ chiến đấu với nhau để giành quyền kiểm soát các cổng ảo.
Những fan hâm mộ Ingress đã gửi về hình ảnh những địa điểm có thể chọn làm cổng, kèm theo dữ liệu vệ tinh hoàn chỉnh. Những đóng góp này đã tạo nên một cơ sở dữ liệu vị trí địa lý phong phú được sử dụng cho Pokemon Go.
Khi Google tiến hành cấu trúc lại doanh nghiệp hồi năm ngoái, Niantic đã trở thành công ty độc lập. Google cùng Nintendo và Pokemon Company đã đầu tư cho Niantic. Hiện công ty có từ 50 đến 100 nhân viên, và dù không công khai thông tin tài chính, nhưng một số nhà phân tích cho rằng giá trị của công ty lên đến hơn 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, để đạt đến con số đó, Niantic phải chứng minh được Pokemon Go là một sản phẩm có sức sống lâu dài và mang lại lợi nhuận, thay vì một trò chơi "sớm nở tối tàn" trong thế giới di động.
Pokemon Go đã chứng minh được khả năng kiếm tiền của mình. Công ty nghiên cứu Sensor Tower ước tính Pokemon Go đã thu về hơn 200 triệu USD doanh thu trong tháng đầu tiên sau khi ra mắt hồi đầu tháng 7. Trò chơi này miễn phí nhưng người chơi có thể mua các vật phẩm ảo như bóng PokeBall hay mồi nhử để thu hút Pokemon.
Nhiều quán càphê, câu lạc bộ và các cơ sở kinh doanh đã đầu tư vào những món mồi nhử để thu hút người chơi đến bắt Pokemon và nhiều khả năng là sẽ tiêu tiền trong lúc chờ đợi tại đó.
Tại hội nghị công nghệ Venture Beat gần đây, Hanke cho biết trò chơi được thiết kế để thu lợi nhuận từ việc mua các vật phẩm trong ứng dụng và doanh thu cũng có thể đến từ nguồn tài trợ giống như Ingress trước đây.
Ingress có các cổng đặt tại các địa điểm thương mại như các trung tâm mua sắm, và Pokemon Go đã ra mắt tại Nhật Bản với hãng đồ ăn nhanh McDonald’s làm nhà tài trợ các địa điểm trong trò chơi.
“Chúng tôi sẽ thảo luận với nhiều doanh nghiệp khác muốn tận dụng lợi thế của mô hình Pokemon Go tại những nơi khác trên thế giới. Đây là một tương lai rất hứa hẹn," Hanke chia sẻ tại hội nghị.
Một điểm mạnh của các nhà tài trợ cho Pokemon Go là họ có thể thu hút khách hàng theo cách mà quảng cáo bình thường không thể làm được. Sức mạnh của Pokemon Go ở một mặt nào đó cũng là điểm yếu của nó. Công viên và các địa điểm công cộng tràn ngập các chốt Pokestop, kéo theo việc người chơi tụ tập với số lượng rất lớn.
Các cơ quan chức năng cũng cảnh báo người chơi Pokemon Go không nên đi vào những địa điểm nguy hiểm hay phạm pháp nhưng sức hấp dẫn của trò chơi dường như làm những lời cảnh báo này trở nên không đáng kể với một số người.
Pokemon Go cùng cha đẻ của nó đang có nguy cơ vướng vào kiện tụng pháp lý khi các luật sư muốn Niantic chịu trách nhiệm cho những vụ đột nhập trái phép hay thương tích của người chơi trò chơi gần đây.
Trung tâm Electronic Privacy Information đã kêu gọi các nhà lập pháp ở Mỹ điều tra để xác định liệu Niantic có đang thu thập quá nhiều thông tin về người chơi cũng như vị trí của họ hay không./.