Tuần báo Al-Ahram của Ai Cập vừa có bài phân tích về những diễn biến thời gian qua tại Libya, sau khi lực lượng quân sự miền Đông của Tướng Khalifa Haftar đẩy mạnh chiến dịch tấn công nhằm đánh chiếm thủ đô Tripoli.
Bài viết cho rằng Tướng Haftar đang chơi một “canh bạc” tất tay với chính quyền Tripoli, và trong trường hợp không thành công có thể trở thành đòn “hồi mã thương” với chính phe miền Đông.
Năm ngày sau khi Tư lệnh lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA), nguyên soái Khalifa Haftar phát động chiến dịch quân sự với quyết tâm giành quyền kiểm soát Tripoli, các lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) đã thành công trong việc thiết lập một thòng lọng an ninh xung quanh thủ đô.
Chiến dịch của LNA đã được triển khai ngay trước thềm Hội nghị toàn quốc về lộ trình chính trị được tổ chức vào ngày 14/4 tại thị trấn ốc đảo Ghadames miền tây Libya dưới sự bảo trợ của Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL).
[Giao tranh tại Libya tiếp diễn bất chấp LHQ kêu gọi ngừng bắn]
Tuy nhiên, tình hình giao tranh ác liệt tại Libya khiến Liên hợp quốc phải quyết định hoãn vô thời hạn hội nghị này.
Trên thực tế, chiến dịch quân sự của Tướng Haftar đã kéo đất nước Libya trở lại bờ vực của cuộc nội chiến và chấm dứt các cơ hội để xây dựng và thực thi một thỏa thuận chính trị mới mà UNSMIL từng hy vọng sẽ đạt được tại Ghadames.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các cường quốc phương Tây đã đưa ra nhiều tuyên bố kêu gọi tất cả các bên ở Libya kiềm chế và ngăn chặn các hành vi thù địch có thể gây thương vong lớn.
Bên cạnh đó, rủi ro khủng hoảng nhân đạo là rất cao, trong bối cảnh giao tranh quân sự xảy ra quanh thủ đô Tripoli, nơi có mật độ dân số lớn hơn bất kỳ khu vực nào trên toàn quốc.
Tại Liên hợp quốc, bầu không khí căng thẳng bao trùm giữa 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, khi những tranh cãi nổ ra về cáo buộc liên quan đến sự hỗ trợ cho các phe phái trong cuộc khủng hoảng tại Libya.
Quan điểm khác biệt nằm trong một dự thảo nghị quyết lên án tình trạng lún sâu vào bạo lực ở Libya và buộc Tướng Haftar phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc và Pháp đã phản đối nghị quyết này.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát một thông điệp cứng rắn tới Haftar, kêu gọi ông rút các lực lượng của mình về vị trí trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào ngày 5/4. Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7/4 đưa ra tuyên bố khẳng định: “Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình xung đột gần thủ đô Tripoli. Chúng tôi thể hiện quan điểm rõ ràng, phản đối cuộc tấn công quân sự của lực lượng Khalifa Haftar và kêu gọi ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli.”
Ngoại trưởng Pompeo tái khẳng định lập trường của Washington rằng không có giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng Libya.
Cũng trong ngày 7/4, Mỹ đã tạm thời rút một số lực lượng của mình khỏi Libya với lý do tình hình an ninh phức tạp tại thực địa.
Ở góc nhìn khác, Tướng Haftar dường như đang đặt cược vào khả năng chiến dịch quân sự của phe miền Đông tại thủ đô Tripoli sẽ tiếp tục thu hút được một số “thế lực” trong khu vực và quốc tế hậu thuẫn. Hoặc ít nhất, trong trường hợp lực lượng miền Đông phải rút lui trước áp lực quốc tế, sự hậu thuẫn này có thể giúp Haftar bảo đảm việc rút quân diễn ra an toàn và giữ vững các vị trí tiến công để có thể làm bàn đạp thực hiện một chiến dịch khác ở giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, chiến dịch quân sự tốn kém của LNA có thể nhanh chóng làm cạn kiệt các nguồn lực tài chính của bộ chỉ huy quân sự ở miền Đông. Do đó, hoạt động càng kéo dài, nguy cơ tiêu hao đối với lực lượng LNA ở phía Tây càng lớn.
Bên cạnh đó, LNA cũng đứng trước rủi ro nguồn lực tiếp viện bị hạn chế, khi căn cứ chỉ huy gần nhất của lực lượng này cách vùng lân cận thủ đô Tripoli hơn 1.000 km.
Một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ, động thái leo thang quân sự nguy hiểm của Haftar diễn ra sau khi vị tướng này nhận được hỗ trợ quân sự từ Nga và Pháp. Điều này lý giải vì sao tranh cãi nổ ra trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và có vẻ như Pháp và Nga ủng hộ một chiến dịch quân sự hơn là giải pháp đối thoại.
Sau vài ngày diễn ra xung đột, Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Libya Maria Ribeiro bày tỏ sự lo ngại sâu sắc đối với tình hình đất nước này. Sự leo thang của bạo lực trong và xung quanh Tripoli đã khiến hơn 2.800 người phải dời bỏ nhà cửa, đồng thời các dịch vụ cứu thương khẩn cấp cho người bị thương và dân thường gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ, xung đột quân sự bùng phát đã khiến hơn 100 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Dường như, chiến dịch quân sự của Tướng Haftar chống lại chính quyền Tripoli lại đang tạo ra hiệu ứng giúp củng cố tính hợp pháp của GNA.
Các lực lượng dân quân ở phía Tây đất nước đã tập hợp lại sau lời kêu gọi của chính phủ, thề sẽ bảo vệ thủ đô và sau đó sẽ tiến hành một cuộc tấn công chống lại LNA.
Tuy nhiên, các lực lượng miền Tây hiện không loại trừ khả năng can thiệp từ một số thế lực quốc tế, có thể chuyển hướng cán cân quân sự theo hướng có lợi cho lực lượng của Tướng Haftar và mở đường cho họ tiến vào thủ đô.
Thủ tướng Fayez al-Serraj của chính quyền GNA đã có kháng nghị chính thức tới chính phủ Pháp, phản đối sự ủng hộ và hậu thuẫn của Paris đối với lực lượng của Tướng Haftar.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Đại sứ Pháp tại Libya Béatrice du Hellen kiên quyết phủ nhận các cáo buộc này. Giới phân tích cho rằng những gì Tướng Haftar “đặt cược” vào chiến dịch quân sự này là rất lớn.
Tướng Haftar sẽ không bao giờ dám mạo hiểm mở một chiến dịch như vậy nếu không có sự hậu thuẫn từ bên ngoài.
Tuy nhiên, nếu ông ta thua cuộc hoặc những thế lực khu vực và quốc tế đằng sau không còn ủng hộ ông, sự nghiệp chính trị và quân sự của Haftar chắc chắn sẽ kết thúc./.