Ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự án Luật Khí tượng thủy văn nhằm tiếp tục hoàn thiện, cung cấp thông tin phục vụ công tác thẩm tra, xem xét của Quốc hội và xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật.
Tham dự có đại diện một số cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh dự án Luật Khí tượng thủy văn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 vừa qua; Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đã thẩm tra chính thức đối với dự án Luật này.
Dự án Luật Khí tượng thủy văn dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong năm 2015, hoàn thành sớm trước thời hạn.
Đặc biệt, dự án Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cần bảo đảm hoạt động khí tượng thủy văn đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết thực hiện xây dựng dự án Luật Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật khí tượng thủy văn giai đoạn 1994-2014; đánh giá tác động của dự án Luật Khí tượng thủy văn; rà soát, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt là các luật chuyên ngành...; dịch và vận dụng các quy định, khuyến cáo kỹ thuật về khí tượng thủy văn của Tổ chức Khí tượng Thế giới; tham khảo Luật Khí tượng thủy văn của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật, Nga, Hàn Quốc...; xin ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành và địa phương...
Dự thảo Luật Khí tượng thủy văn gồm 11 chương, 61 điều gồm Chương 1 - Quy định chung; Chương 2 - Quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; Chương 3 - Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Chương 4 - Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; Chương 5 - Hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; Chương 6 - Giám sát biến đổi khí hậu; Chương 7 - Tác động vào thời tiết; Chương 8 - Hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn; Chương 9 - Quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; Chương 10 - Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về khí tượng thủy văn; Chương 11 - Điều khoản thi hành.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề như bảo vệ hành lang kỹ thuật đối với các trạm quan trắc khí tượng thủy văn; quản lý hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân; hoạt động truyền thông về khí tượng thủy văn; thực trạng và nhu cầu hoàn thiện của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Các đại biểu cũng thảo luận về hiện trạng và định hướng phát triển của hệ thống dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn của Nhà nước và sự tham gia của tổ chức, cá nhân; dịch vụ cung cấp số liệu quan trắc khí tượng thủy văn; công tác quản lý dịch vụ khí tượng thủy văn./.