Trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét

Cơ quan thẩm tra cho rằng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận là cần thiết, tuy nhiên cần tính toán kỹ các chi phí để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện dự án.
Trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 22/5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và báo cáo thẩm tra về các nội dung này.

Bảo đảm tính khả thi khi thực hiện dự án

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 với tổng mức đầu tư là 585,647 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có sự thay đổi về đơn giá nhân công, máy móc thiết bị, giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư dự án tăng so với tổng mức đầu tư sơ bộ đã được Quốc hội phê duyệt.

Xét thấy việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do nguyên nhân khách quan và để có đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án phát huy hiệu quả đầu tư, việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án là cần thiết và tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công.

Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 874,089 tỷ đồng (tăng 288,442 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14). Trong số đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được xác định là 23,777 tỷ đồng, tăng 12,897 tỷ đồng so với Nghị quyết số 93/2019/QH14 (10,880 tỷ đồng). Chi phí trồng rừng thay thế 166,692 tỷ đồng (không bao gồm chi phí dự phòng do đã chuyển xuống dự phòng chung toàn dự án), giảm 18,476 tỷ đồng...

Trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét ảnh 2Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Dự án đã được bố trí đủ số vốn 585,647 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 93/2019/QH14. Do việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án như nêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị điều chỉnh nguồn vốn, khả năng cân đối vốn.

Vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 là 50 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa giải ngân là 47,299 tỷ đồng đã được Quốc hội đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31/12/2022 (Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021). Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép kéo dài nguồn vốn này để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện dự án.

[Kỳ họp thứ 5: 99,8% kiến nghị của cử tri được giải quyết và trả lời]

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết Ủy ban tán thành sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Hồ sơ dự án đúng quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Cơ quan thẩm tra cho rằng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án là cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các khoản mục chi phí để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện dự án và chịu trách nhiệm toàn diện về căn cứ, phương pháp xác định, tính chính xác của các số liệu trong nội dung cấu thành chi phí, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đánh giá thêm các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thay đổi các giải pháp kỹ thuật so với thiết kế ban đầu, chậm hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt dự án, dẫn đến chậm tiến độ, qua đó rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án sau này.

Đối với số vốn 47,299 tỷ đồng đã chuyển về địa phương, chưa giải ngân của nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016, theo khoản 5 Điều 7 Nghị quyết số 29/2021/QH15 nếu quá thời hạn 31/12/2022 "không giải ngân hết, sẽ phải thực hiện hủy kế hoạch và dự toán theo quy định."

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy mặc dù đã được cho phép kéo dài thời gian thực hiện khoản vốn dự phòng nêu trên nhưng dự án vẫn chưa được phê duyệt nên chưa đủ cơ sở để giải ngân hết nguồn vốn theo quy định. Nếu được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn dự phòng Trung ương năm 2016 thì tỉnh sẽ có thêm nguồn lực để triển khai dự án.

Mặt khác, Bình Thuận là tỉnh nghèo, hiện đã phải cắt giảm nhiều nhiệm vụ cần thiết khác để tập trung nguồn lực dự phòng giai đoạn 2021-2025 cho dự án, rất khó khăn mới có thể bố trí nguồn lực bổ sung từ kinh phí địa phương cho dự án này. Do đó, đa số ý kiến trong Ủy ban thống nhất với đề xuất của Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 của dự án đến hết ngày 31/12/2023.

Bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trong phiên họp chiều nay, trình bày Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ Chính phủ cho rằng việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là rất cần thiết.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank là 34.328 tỷ đồng, ở mức thấp so với ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Do đó, nếu Agribank không được tăng vốn sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank.

Theo quy định pháp luật, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%. Trên thực tế, tại thời điểm 31/12/2021, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank mới chỉ đạt mức 7%, thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác. Vì vậy, việc được đầu tư bổ sung thêm vốn điều lệ sẽ giúp Agribank đảm bảo tuân thủ được tỷ lệ an toàn vốn lên trên mức 8% và duy trì ổn định tỷ lệ này theo quy định, hướng đến tuân thủ quy định Basel II.

Trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét ảnh 3Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bên cạnh đó, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Agribank sẽ giúp Agribank cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh; gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư khi thực hiện cổ phần hóa. Việc tăng vốn là cơ sở quan trọng để Agribank mở rộng quy mô hoạt động, góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Chính phủ kính đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương và đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV với nội dung: Chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Agribank, tối đa không quá 17.100 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ: Ủy ban nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét về chủ trương quyết định bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là quá chậm so với tiến độ đã nêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong Quý I năm 2022.

Ủy ban đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai thực hiện nội dung này.

Đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền tối đa là 17.100 tỷ đồng nhằm giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.

Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về cơ sở thực tiễn, bối cảnh hiện nay tác động đến ngân sách Nhà nước, cân đối nguồn thu, nhiệm vụ chi để bảo đảm tính khả thi của đề xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục