Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Chưa có quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, Quốc hội đã thống nhất chủ trương dành nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, Quốc hội đã có yêu cầu nghiên cứu thu hồi nguồn vốn đã đầu tư.
Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh việc nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Theo quy định của hệ thống văn bản quy phạm hiện nay, thu phí sử dụng đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (cơ chế phí) và thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh theo quy định của pháp luật về giá (cơ chế giá).
Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế giá để thu tiền sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc chỉ được thực hiện đối với các dự án xây dựng đường bộ để kinh doanh (hiện nay là các dự án đầu tư theo hình thức PPP). Các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư chưa được quy định là dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh nên không được áp dụng hình thức này.
[Đề xuất cho thí điểm thu phí 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư]
Về cơ chế phí, hiện nay Luật Phí và lệ phí quy định danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ có một loại phí là “phí sử dụng đường bộ”, chưa có quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc thu qua trạm trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải cũng phân tích trong trường hợp không tổ chức thu tiền sử dụng đường cao tốc, chủ xe sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc, dẫn đến lưu lượng phương tiện tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đồng thời cũng ảnh hưởng đến phương án tài chính của các dự án BOT.
Khó đề xuất làm phương án thí điểm
Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu, xây dựng và có nhiều văn bản báo cáo đề xuất về các cơ chế, chính sách để thu theo cơ chế phí, cũng như cơ chế thu hồi vốn đối với các tuyến đường bộ cao tốc đã và đang được Nhà nước đầu tư trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 8/2/2023, Bộ Tài chính đã chủ trì làm việc với các bộ, ngành liên quan và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xây dựng phương án thí điểm thu tiền sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu thêm phương án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc trên một số đoạn/tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, với các nội dung chính như phạm vi và đối tượng là các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025; nguyên tắc phân chia số tiền thu được theo tỷ lệ góp vốn đối với các tuyến đường cao tốc khi có sử dụng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn/tuyến đường bộ được triển khai thu phí. Sau thời gian thí điểm thu nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có đánh giá, tổng kết đề xuất cơ chế phù hợp.
Tại các văn bản góp ý, các bộ đều đề nghị làm rõ lý do đề xuất để trình Quốc hội ban hành chính sách về cơ chế thí điểm; trường hợp thí điểm thì quá trình triển khai cần áp dụng theo cơ chế giá hay cơ chế phí; mục đích việc thu tiền để hoàn vốn hay thu nộp ngân sách; làm rõ phạm vi áp dụng toàn bộ các dự án đường bộ cao tốc có sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (kể cả các dự án BOT đã được chuyển giao cho Nhà nước...), có đường song hành hay các dự án đường cao tốc được đầu tư mới sử dụng 100% vốn ngân sách Nhà nước theo các Nghị quyết của Quốc hội.
[Thu phí đường cao tốc: Sẽ đảm bảo khả năng chi trả của người dân]
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải thấy rằng rất khó có khả năng đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm như một đề xuất chính sách mới.... Trường hợp có thí điểm về phạm vi, thời gian thì cũng phải dựa cơ chế thu (phí hoặc giá) để thực hiện.
Có thể dùng tiền thu phí để mua lại trạm BOT
Do đó, phía Bộ Giao thông Vận tải đưa ra quan điểm phương án thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí là có hiệu quả và tính khả thi cao hơn phương án thu theo cơ chế giá.
Hơn nữa, số tiền phí thu được được nộp ngân sách Nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách, trong đó ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác.
Nguyên tắc phân chia số tiền phí thu được trên từng tuyến cao tốc được nộp vào ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương tham gia dự án đầu tư tuyến cao tốc đó.
Với kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư và bổ sung vào Danh mục Phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí./.