Trình kiến nghị phê chuẩn Tuyên bố Panmunjom lên Quốc hội Hàn Quốc

Tuyên bố chung Panunjom được Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom vừa qua tính đến nay đã được 138 ngày.
Trình kiến nghị phê chuẩn Tuyên bố Panmunjom lên Quốc hội Hàn Quốc ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) trong cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kiến nghị phê chuẩn Tuyên bố chung Panmunjom sẽ được trình lên Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 11/9 tới.

Tuyên bố chung Panunjom được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4 vừa qua tính đến nay đã được 138 ngày.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 7/9, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyom cho biết: “Sau khi lấy ý kiến của chính phủ, bản kiến nghị thông qua Tuyên bố Panmunjom dự kiến sẽ trình lên Quốc hội xem xét vào ngày 11/9, đồng thời cũng sẽ đệ trình dự toán kinh phí cần thiết cho việc thi hành Tuyên bố Panmunjom.”

Kiến nghị phê chuẩn Tuyên bố chung Panmunjom được chính phủ Hàn Quốc trình lên Quốc hội vào thời điểm các đảng phái chính trị Hàn Quốc đang tranh cãi về chính sách đối với Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in.

Do đó, các nhà quan sát cho rằng sự cạnh tranh giữa các đảng phái xung quanh vấn đề này (thông qua Tuyên bố Panmunjom) sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên trước đó, đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành cùng các đảng đối lập như đảng Dân chủ và Hòa bình, đảng Công lý và một số nghị sỹ đảng Bareun tương lai đã bày tỏ ủng hộ Quốc hội phê chuẩn Tuyên bố chung Panmunjom.

Vì vậy, giới quan sát chính trị cho rằng đảng cầm quyền có thể đề nghị bỏ phiếu kiến nghị phê chuẩn mà không cần sự ủng hộ của đảng Hàn Quốc tự do (LKP).

[Đặc phái viên Hàn Quốc sẽ bàn với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa]

Tuy nhiên, nếu gạt LKP ra ngoài lề sự kiện này có thể gây chia rẽ lớn hơn trong nhiều vấn đề lập pháp khác, như đề xuất của chính phủ về một khoản ngân sách bổ sung và kế hoạch sửa đổi hiến pháp bị đình trệ lâu nay.

Trong Tuyên bố Panmunjom, hai miền Triều Tiên đã nhất trí hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” Bán đảo Triều Tiên, ngừng các hành động thù địch đối với nhau và thúc đẩy giao lưu liên Triều.

Triều Tiên đã tỏ ý thất vọng khi tiến triển trong hợp tác kinh tế giữa hai miền chậm hơn so với dự kiến, trong khi Hàn Quốc dường như chưa sẵn sàng thúc đẩy hợp tác đầy đủ, chủ yếu do các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Mỹ vẫn giữ quan điểm về việc sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt cho đến khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục