Trình chiếu bộ phim Mỹ đầu tiên quay tại Cuba sau 60 năm

“Papa” - bộ phim đầu tiên của Mỹ được quay tại Cuba sau 60 năm và xoay quanh giai đoạn cuối cuộc đời của nhà văn nổi tiếng Ernest Hemingway - đã ra mắt khán giả khu vực và thế giới.
Poster phim "Papa." (Nguồn: finebooksmagazine.com)

Trong khuôn khổ Liên hoan Điện ảnh mới Mỹ Latinh La Habana 2015, “Papa” - bộ phim đầu tiên của Mỹ được quay tại Cuba sau 60 năm và xoay quanh giai đoạn cuối cuộc đời của nhà văn nổi tiếng Ernest Hemingway - đã ra mắt khán giả khu vực và thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, “papa” (là tiếng xưng hô để chỉ người cha trong ngôn ngữ nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng cũng được dùng để chỉ một người đàn ông có tuổi một cách thân mật) là tên gọi thân mật mà những người thân dùng để gọi Hemingway, kể cả người vợ cuối Mary của ông, trong thời gian 20 năm ông sống tại trang trại “Finca Vigía,” ngoại ô La Habana.

Bộ phim kể lại giai đoạn cuối đời đầy căng thẳng và khó khăn của nhà văn sinh tại bang Illinois (Mỹ) và từng đoạt giải Nobel Văn học, chủ yếu xoay quanh tình bạn của ông và nhà báo Denne Bart Petitclerc, một trong số rất ít người mà Hemingway kết bạn trong quãng thời gian này.

Mặc dù không kể lại thời điểm đại văn hào tự tử ngày 2/7/1961, 18 tháng sau khi rời Cuba, nhưng tác phẩm của đạo diễn Bob Yari phản ánh một số hiện tượng có thể là nguyên nhân dẫn tới quyết định tự kết liễu cuộc đời của Hemingway như chứng nghiện rượu, trầm cảm, các vấn đề trong cuộc hôn nhân với người vợ Mary, quan hệ thất thường với bạn bè, những cơn nóng giận bất chợt, sự truy đuổi của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), sự thất vọng trước tình trạng suy yếu thể chất, sức sáng tạo và cảm hứng văn học.

Trong buổi họp báo giới thiệu bộ phim, đạo diễn Bob Yari nhấn mạnh: “Việc quay phim tại Cuba mang tính sống còn với tác phẩm, vì đây là nơi diễn ra hầu hết sự kiện trong kịch bản và có những địa điểm mà nhà báo Petitclerc được tiếp cận cuộc sống của Hemingway và Mary.”

Trong khi đó, bà Mariel Hemingway, cháu nội của đại văn hào, chia sẻ bộ phim đã tiết lộ nhiều chi tiết mà đa số độc giả Mỹ không biết về người ông nổi tiếng của bà, đặc biệt là về mối liên hệ rất sâu sắc của Hemingway với Cuba. Bà cho biết đại văn hào coi đảo quốc này là tổ ấm trong hơn 30 năm và luôn coi người dân Cuba là gia đình.

Kịch bản phim do nhà báo Petitclerc viết trước khi mất năm 2006 và được kể lại qua góc nhìn của nhân vật mang tên Ed Myers, do diễn viên gạo cội Giovanni Ribisi thủ vai. Diễn viên kịch dầy dạn kinh nghiệp Adrian Sparks hóa thân thành nhà văn Hemingway, trong khi nữ diễn viên Joely Richardoson vào vai Mary./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục