Triều Tiên triển khai chiến tranh tâm lý với Mỹ?

Các hành động khác lạ ở bãi thử tên lửa có thể được hiểu là “cuộc chiến tâm lý ngoại giao,” phát đi tín hiệu với Donald Trump rằng tiếp tục đàm phán, hoặc là thoát khỏi tầm kiểm soát bất cứ lúc nào.
Bãi phóng vệ tinh Dongchang-ri tại Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan, Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Tờ Tín báo, tờ báo có quan điểm trung lập của Hong Kong, đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, ban đầu tràn đầy hào hứng và kỳ vọng nhưng cuối cùng đã không mang lại kết quả.

Sau khi kết thúc hội nghị, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ngồi lặng lẽ trên chuyến tàu đặc biệt từ Hà Nội trở về Bình Nhưỡng. Công sức đổ ra hoàn toàn công cốc, rốt cuộc là lỗi tại ai?

Theo logic của Triều Tiên, đương nhiên trước hết là trách nhiệm của Mỹ, thứ hai chắc chắn là lỗi của các quan chức chưa nỗ lực hết mình.

Theo tờ The Chosun Ilbo của Hàn Quốc, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol và Đại diện đặc biệt phụ trách quan hệ với Mỹ thuộc Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Kim Hyok-chol sẽ bị chỉ trích bởi họ không nắm bắt được ý đồ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dẫn đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Kim Jong-un nghìn dặm xa xôi đến Việt Nam, trước đó tràn đầy lòng tin, sau đó lại trở về tay không, vất vả đi ngày đêm để đổi lại một cuộc đàm phán thất bại.

Kim Yong Chol và Kim Hyok-chol là những người phải "chịu tội" sẽ không khiến mọi người cảm thấy ngạc nhiên.

Việc hội nghị thượng đỉnh không đạt được thỏa thuận nào là một thực tế khách quan không thể phủ nhận.

Kim Jong-un ít nhiều phải đối mặt với sức ép đến từ một số người thuộc phe diều hâu (cứng rắn) trong đảng. Do vậy, việc Triều Tiên tổ chức cuộc bầu cử đại biểu “Hội đồng Nhân dân Tối cao” (Quốc hội) khóa XIV vào ngày 10/3 vừa qua có thể được coi là một cách để tăng cường tính hợp pháp của chính quyền.

Hội đồng Nhân dân Tối cao là cơ quan quyền lực cao nhất, các đại biểu với nhiệm kỳ 5 năm được bầu với cách thức bầu cử mà số người được đề cử bằng số người trúng cử, ở mỗi khu vực bầu cử chỉ có một ứng cử viên.

Các cử tri có thể bỏ phiếu tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Trong cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân Tối cao khóa trước vào năm 2014, tỷ lệ đi bầu của người dân là 99,97% và tỷ lệ giành được phiếu của người trúng cử là 100%.

Bài xã luận trên Tin tức Lao động, tờ báo của cơ quan đảng Lao động Triều Tiên chỉ rõ: "Cuộc bầu cử khóa này diễn ra trong giai đoạn phát triển cách mạng có ý nghĩa sâu rộng, điều này thể hiện niềm tin vững chắc của người dân Triều Tiên, bất chấp mọi khó khăn trở ngại quyết tâm tin tưởng và ủng hộ nhà lãnh đạo tối cao của họ.

Rõ ràng, Triều Tiên vẫn chưa thể thông qua hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều để nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế và đây có thể coi là một trở ngại khó khăn, do vậy họ đã tận dụng cuộc bầu cử lần này để tăng cường đoàn kết nội bộ, để Kim Jong-un và đội ngũ đảng chính quyền quân đội của ông có thể được "100% sự ủng hộ từ người dân."

[Quan chức Hàn: Đàm phán Mỹ-Triều không thể quay lại vạch xuất phát]

Nếu nói cuộc bầu cử ở Triều Tiên là để đoàn kết nội bộ thì các hành động khác lạ ở bãi thử tên lửa lại có thể được hiểu là “cuộc chiến tâm lý ngoại giao”, mục đích là để có thêm con bài đàm phán, tranh thủ tiếp tục “mặc cả” với Mỹ.

Truyền thông Mỹ đưa tin hình ảnh vệ tinh cho thấy có các hoạt động bất thường ở Sanumdong, ngoại ô Bình Nhưỡng. Nơi này có một cơ sở từng lắp ráp một số tên lửa đạn đạo liên lục địa và phóng vệ tinh của Triều Tiên, gần đó có rất nhiều ô tô và xe tải đỗ, tại hệ thống đường ray cũng nhìn thấy các đoàn tàu và có 2 chiếc cần cẩu.

Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh còn phát hiện bãi phóng Sohae vốn không hoạt động lâu nay cũng bị nghi ngờ đã khôi phục trạng thái bình thường.

Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc tiết lộ cơ sở này có dấu hiệu lắp lại một phần mái che và cánh cửa đã bị tháo dỡ… Chuyên gia Mỹ phân tích các hoạt động bất thường ở 2 địa điểm trên có thể có liên quan đến nhau, có thể là vận chuyển tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa rời khỏi Sanumdong đến bãi phóng Sohae.

Đương nhiên, tạm thời khó có thể đoán được là Triều Tiên thật sự có ý định phóng tên lửa đạn đạo hay không, nhưng có nhiều dấu hiệu khiến cho người ta phải nghi ngờ.

Mọi người đều biết vấn đề mà Mỹ đang yêu cầu là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ý đồ của Triều Tiên là thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận thông qua việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Vấn đề then chốt mà hai nước không đàm phán được là khó có thể định nghĩa khái niệm phi hạt nhân hóa, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận cần phải là toàn bộ hay một phần cũng vẫn chưa thống nhất được.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam, Donald Trump nói rằng ông sẽ không đồng ý yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận Triều Tiên, nước này phản bác rằng họ chưa bao giờ yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ mà chỉ yêu cầu dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận trước khi phi hạt nhân hóa.

Bất luận ra sao thì chủ đề đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn là phi hạt nhân hóa, nếu Bình Nhưỡng phóng tên lửa một lần nữa, há chẳng phải là muốn lật ngược lại đàm phán?

Mặc dù Kim Jong-un từng được Donald Trump ví là "người tên lửa," nhưng tin rằng thời điểm này vẫn chưa đến mức điên cuồng bất chấp tất cả để lật đổ toàn cục.

Hoạt động bất thường ở bãi phóng tên lửa không loại trừ là thủ đoạn của Triều Tiên, động cơ là sử dụng chiến thuật tâm lý để phát đi tín hiệu với Donald Trump rằng hoặc là tiếp tục đàm phán, hoặc là thoát khỏi tầm kiểm soát bất cứ lúc nào.

Cuộc chiến tâm lý này có thể tấn công và phòng thủ. Nếu Mỹ không phản ứng thì bãi phóng tên lửa có thể cố tạo ra vẻ diễn giống thật; Một khi Mỹ đưa ra thiện chí, Bình Nhưỡng có thể tuyên bố tất cả thuần túy chỉ là để chuẩn bị phóng tên lửa vệ tinh dân dụng.

Suy cho cùng trước Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhất vào tháng 6/2018, Triều Tiên đã rêu rao có kế hoạch phóng 2 vệ tinh dân dụng.

Sự tương tác giữa Kim Jong-un và Donald Trump, cuộc chiến tâm lý công khai và ngấm ngầm với nhau phải chăng là chìa khóa quyết định chiến thắng hay thất bại?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục