Triều Tiên tiếp tục hối thúc Hàn Quốc thực thi thỏa thuận thượng đỉnh

KCNA nhấn mạnh thỏa thuận ký tháng 6/2000 là nền tảng của sự hòa hợp và thống nhất đất nước cũng như khởi điểm để giải quyết vấn đề trong quan hệ hai miền.
Binh sỹ Hàn Quốc tại trạm kiểm soát trên tuyến đường dẫn tới khu công nghiệp Kaesong ở thành phố biên giới Paju. (nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/6, Triều Tiên đã hối thúc Hàn Quốc thực hiện tuyên bố được ký kết trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2000, cho rằng điều này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa hai bên cũng như mở ra con đường hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nhấn mạnh thỏa thuận ký tháng 6/2000 là nền tảng của sự hòa hợp và thống nhất đất nước cũng như khởi điểm để giải quyết vấn đề trong quan hệ hai miền.


[Triều Tiên kêu gọi Hàn Quốc tìm kiếm chính sách thống nhất dân tộc]

Theo KCNA, hiệu lực và tầm ảnh hưởng của thỏa thuận này đối với tất cả người dân bán đảo Triều Tiên đã được chứng minh trong thực tiễn. Do đó, việc thực thi tuyên bố chung chính là cách hàn gắn quan hệ liên Triều nhằm đạt được hòa bình và sự thịnh vượng.

Tuần trước, nhật báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, cho rằng "cách thức cơ bản để giải quyết nguyên nhân sâu xa của tình trạng bế tắc trong mối quan hệ liên Triều và mở đường hướng tới hòa bình và tái thống nhất là tôn trọng và thực thi các tuyên bố chung."

Hàn Quốc và Triều Tiên từng ký kết hai tuyên bố trong hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 15/6/2000 và ngày 4/10/2007. Hai tuyên bố này đã đưa ra các thỏa thuận song phương nhằm làm giảm căng thẳng quân sự, tăng cường trao đổi và hợp tác, cũng như thúc đẩy hòa giải. Tuy nhiên, các hoạt động giao lưu liên Triều đã bị đình trệ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai miền.

Việc Tổng thống Moon Jae-in theo đường lối tự do lên nắm quyền ở Hàn Quốc sau cuộc bầu cử tháng trước đã làm dấy lên hy vọng cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn cần chờ xem liệu chính sách "vừa đối thoại vừa áp đặt trừng phạt" của ông Moon Jae-in đối với Bình Nhưỡng có phát huy tác dụng hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục