Triều Tiên thử tên lửa: Hàn Quốc phối hợp với Mỹ theo dõi sát sao

Sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa sáng 4/5, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc tuyên bố quân đội Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Triều Tiên và duy trì phối hợp với Mỹ.
Triều Tiên thử tên lửa: Hàn Quốc phối hợp với Mỹ theo dõi sát sao ảnh 1Một vụ thử tên lửa dẫn đường kiểu mới của Triều Tiên tại một địa điểm không xác định. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa sáng 4/5, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) tuyên bố quân đội Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Triều Tiên và duy trì phối hợp với Mỹ trong vụ việc này.

Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang xem xét thông tin về vụ thử tên lửa sáng 4/5 của Triều Tiên và chưa thể xác nhận vụ việc.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sáng 4/5 diễn ra chỉ ít lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm quan trọng "kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ" về các vấn đề nóng trên thế giới, trong đó có đề cập tới Triều Tiên.

Thông tin từ Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm ngày 3/5, Tổng thống Trump đã hối thúc ông Putin gia tăng áp lực đối với Triều Tiên để đẩy nhanh quá trình tiến tới phi hạt nhân hóa.

[Hàn Quốc cho biết tên lửa Triều Tiên đã bay từ 70-200 km]

Trước đó, ngày 25/4, Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên tại thành phố Vladivostok ở miền Viễn Đông Nga, gần 2 tháng sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai kết thúc không đạt được thỏa thuận.

Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Nga-Triều Tiên được giới quan sát đánh giá là một thông điệp gửi trực tiếp tới Washington, rằng Mỹ không phải là cường quốc duy nhất có thể gây ảnh hưởng tới vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Sau hội nghị thượng đỉnh Vladivostok, Tổng thống Putin khẳng định Nga ủng hộ cách tiếp cận giải trừ hạt nhân theo từng giai đoạn. Điều này trái ngược với mong muốn của Mỹ rằng Triều Tiên cần nhanh chóng thực hiện "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng" để đổi lại việc nới lỏng trừng phạt.

Trong khi đó, chuyên gia Harry Kazianis tại Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia của Mỹ nhận định: "Rõ ràng Triều Tiên đang tức giận trước việc chính quyền Tổng thống Trump thiếu sự linh hoạt trong lập trường liên quan tới việc dỡ bỏ trừng phạt, trong khi vẫn khăng khăng thực hiện chính sách gây sức ép tối đa"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục