Triều Tiên "không hề từ chối thảo luận" về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc trên lãnh thổ Triều Tiên vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.
Đây là tuyên bố của ông Junichi Ihara, Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đưa ra ngày 31/3 sau khi kết thúc hai ngày đàm phán với Đại sứ Triều Tiên phụ trách đàm phán bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản.
Theo ông Ihara, trong cuộc đàm phán tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hai bên đã nhất trí tiếp tục đàm phán về việc công dân Nhật Bản bị bắt cóc và các vấn đề khác.
Ông Ihara đã phản đối việc Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong vào biển Nhật Bản hồi tuần trước, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế sau khi đe dọa sẽ tiến hành "một vụ thử hạt nhân kiểu mới" nhằm đáp trả việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố lên án việc nước này bắn thử tên lửa.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tokyo ngày 31/3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối nêu chi tiết cuộc đàm phán, song cho biết Nhật Bản và Triều Tiên đã đàm phán về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc, vấn đề hạt nhân và tên lửa "theo đúng chính sách cơ bản của nước này."
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản và Triều Tiên tiến hành đàm phán song phương chính thức kể từ tháng 11/2012, trong bối cảnh có những tín hiệu từ Bình Nhưỡng về việc sẵn sàng cởi mở hơn với thế giới bên ngoài.
Cuộc đàm phán tại Bắc Kinh được tổ chức sau hàng loạt cuộc tiếp xúc hậu trường giữa các nhà ngoại giao của hai nước kể từ tháng 12 năm ngoái nhằm xúc tiến giải quyết vấn đề bắt cóc - một rào cản lớn trong việc bình thường hóa quan hệ song phương.
Năm 2002, Triều Tiên đã thừa nhận bắt cóc 13 người Nhật Bản vào những năm 70 và 80 của thế kỷ 20 và cho biết 8 người trong số đó đã chết tại nước này, 5 người khác đã được trả về Nhật Bản.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã phủ nhận kết quả mà Triều Tiên đưa ra và yêu cầu nước này tiếp tục điều tra và trao trả những người Nhật bị bắt cóc hiện vẫn còn sinh sống tại Triều Tiên./.