Triều Tiên phóng tên lửa: Việt Nam mong các bên kiềm chế, đối thoại

Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mong muốn các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình, tăng cường lòng tin, kiềm chế, không làm ảnh hưởng tới người dân.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa dẫn đường chiến thuật của Triều Tiên ngày 17/1. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Rạng sáng 21/1 theo giờ Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp kín về Triều Tiên.

Đây là lần thứ hai Hội đồng Bảo an họp về Triều Tiên trong chưa đầy 2 tuần, sau khi Triều Tiên thử tên lửa dẫn đường chiến thuật hôm 17/1 vừa qua.

Theo nguồn tin ngoại giao, cuộc họp lần này tập trung tìm giải pháp trong bối cảnh Triều Tiên gần đây liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa. Tuy nhiên, các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đã thể hiện bất đồng trong vấn đề này.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho biết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một trong những vấn đề thuộc chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, vì vậy khi xảy ra các vụ thử vừa qua, các nước thành viên Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế rất quan tâm.

Tuy nhiên, theo Đại sứ, trong Hội đồng Bảo an còn quan điểm khác nhau về tính chất các vụ phóng này để xác định có vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an hay không. Thông thường vấn đề này sẽ được giao cho các nhóm chuyên gia của Ủy ban trừng phạt Triều Tiên xem xét và đánh giá.

[Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về việc Triều Tiên thử tên lửa]

Đại sứ nhận định: “Tôi cho rằng sẽ còn nhiều cuộc thảo luận nữa và có ra được văn bản nào hay có hành động cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào quá trình thảo luận, quan điểm của các bên có đi đến được thống nhất hay không. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mong muốn các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình, tăng cường lòng tin, kiềm chế, không làm ảnh hưởng tới người dân.”

Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, Nga và Trung Quốc, 2 nước ủy viên thường trực, đã bác bỏ đề xuất của Mỹ muốn Hội đồng Bảo an áp lệnh trừng phạt đối với 5 cá nhân người Triều Tiên trong số 6 cá nhân đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen tuần trước, sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa. Như vậy, đề xuất của Mỹ đã không được thông qua.

Kể từ đầu năm 2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần đề xuất đối thoại với Triều Tiên nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa và phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng tới nay các nỗ lực ngoại giao chưa thành công. Triều Tiên đã bị áp nhiều lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc kể từ năm 2006./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục