Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/1 bày tỏ hy vọng rằng tất cả các bên liên quan hành động thận trọng sau vụ việc Triều Tiên trước đó một ngày đã phóng vật thể bay mà Bình Nhưỡng tuyên bố là “một tên lửa siêu thanh" hướng ra Biển Nhật Bản.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nêu rõ Trung Quốc hy vọng tất cả các bên có thể hợp tác để đưa ra một giải pháp chính trị trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên.
Cũng trong ngày 6/1, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Hàn Quốc đã triệu tập phiên họp thường kỳ, trong đó khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực khôi phục tiến trình đối thoại với Triều Tiên.
Mặc dù vậy, tuyên bố sau cuộc họp này do Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) công bố không đề cập tới việc Triều Tiên xác nhận về vụ phóng thử tên lửa siêu thanh.
Tuyên bố của NSC nêu rõ: "Các thành viên hội đồng nhấn mạnh rằng sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và thể chế hóa hòa bình quan trọng hơn bao giờ hết và đi đến quyết định tiếp tục nỗ lực nối lại đối thoại với Triều Tiên bằng cách hợp tác chặt chẽ với các quốc gia liên quan, trong đó có Mỹ."
[Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa siêu thanh]
NSC đã triệu tập cuộc họp khẩn ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng thử ngày 5/1. Quân đội Hàn Quốc khi đó cho rằng vật thể bay này là một tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi ngày 6/1 cũng nhận định rằng vật thể bay mà Bình Nhưỡng phóng đi thực chất là một loại tên lửa đạn đạo mới.
Phát biểu với báo giới, ông Kishi cho biết tên lửa này đã bay ở độ cao tối đa khoảng 50km so với mặt nước biển, thấp hơn so với tên lửa đạn đạo thông thường.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cùng ngày thông báo chính phủ nước này đã gửi công hàm phản đối Triều Tiên về vụ phóng, thông qua kênh ngoại giao.
Về phía Triều Tiên, ngày 6/1, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh, ghi nhận lần thứ hai Triều Tiên phóng thử loại vũ khí tân tiến này sau lần đầu tiên hồi tháng 9/2021.
KCNA nêu rõ: "Tên lửa đã di chuyển theo chiều ngang 120 km trong cự ly bay của đầu đạn siêu thanh từ phương vị phóng ban đầu đến phương vị mục tiêu và đánh trúng mục tiêu đã định cách đó 700km."
Vụ phóng mới nhất của Bình Nhưỡng được thực hiện trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi cuối năm ngoái cam kết tăng cường năng lực quốc phòng do môi trường quân sự ở Bán đảo Triều Tiên và tình hình quốc tế đang “trở nên bất ổn”./.