Các chuyên gia về bán đảo Triều Tiên của Anh cho rằng từ sau khi Hàn Quốc từ bỏ chính sách mang tính đoàn kết người dân hai miền Triều Tiên có tên là "Ánh dương" thì giao dịch thương mại giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã tăng lên đáng kể.
Trong một bài viết đăng trên tờ "Financial Times" của Anh, nhà nghiên cứu cấp cao của Đại học Leeds ở nước này Aidan Foster-Carter cho rằng quy mô thương mại (bao gồm cả xuất và nhập khẩu) của Triều Tiên đã tăng gấp 3 lần trong vòng 6 năm qua.
Xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc thậm chí đã tăng đến 5 lần. Theo ông Foster-Carter, điều này chứng tỏ tương lai của Bình Nhưỡng phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Chuyên gia Foster-Carter cho biết trong năm 2013, Triều Tiên đã nhập khẩu 3,6 tỷ USD từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc cũng đạt 3 tỷ USD.
Ngược lại, lượng giao dịch giữa 2 miền Nam-Bắc trên bán đảo Triều Tiên đã giảm đáng kể sau khi Tổng thống Lee Myung-Bak lên nắm quyền vào năm 2008 và thay đổi chính sách đối với miền Bắc.
Trước đó, vào năm 2007, quy mô thương mại giữa 2 miền đã đạt 1,8 tỷ USD nhờ vào sự phát triển của khu công nghiệp liên Triều ở biên giới.
Theo ông Foster-Carter, quy mô giao dịch liên Triều trong năm ngoái chỉ bằng 1/6 so với quy mô giao dịch Trung-Triều do chịu ảnh hưởng của việc khu công ngiệp liên Triều Kaesong có thời gian tạm đóng cửa.
Chuyên gia Anh nhận định lợi ích của Trung Quốc đồng nghĩa với thiệt hại của Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp chịu thiệt hại do những chính sách sửa đổi đối với Triều Tiên thì chính giới Hàn Quốc lại phủ nhận điều này./.