Triều Tiên dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri: Phá bỏ rào cản lòng tin

Động thái dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri là cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề hạt nhân, tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều.
Triều Tiên dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri: Phá bỏ rào cản lòng tin ảnh 1Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. (Nguồn: AP/TTXVN)

Mọi con mắt đang đổ dồn về bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền Bắc Triều Tiên, nơi Bình Nhưỡng đã bắt đầu tiến hành công tác phá bỏ đúng theo cam kết hồi tháng trước.

Động thái này được xem là cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề hạt nhân, tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều sắp tới.

Trang mạng 38 North (38 độ vĩ Bắc) của Mỹ chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên vừa thông báo các hình ảnh vệ tinh cho thấy "bằng chứng đáng tin cậy" rằng việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri "đang được thực hiện tốt." 

Trước đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã công bố quy trình phá bỏ và đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri. Triều Tiên sẽ mời báo giới quốc tế đến chứng kiến sự kiện chính thức kết thúc hoạt động đóng cửa bãi thử này, dự kiến diễn ra vào khoảng ngày 23-25/5 tới tùy điều kiện thời tiết. Triều Tiên cho biết việc phá bỏ bãi thử trên là nhằm "đảm bảo tính minh bạch của cam kết ngừng thử hạt nhân."

Punggye-ri là bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên, nơi nước này đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017, trong đó 2 vụ thử nghiệm cuối cùng được Triều Tiên tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H, loại vũ khí có sức công phá lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử thông thường) và vụ ngày 3/9 vừa qua có sức công phá mạnh nhất, vào khoảng 120 kiloton, gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Vì vậy, việc Triều Tiên phá bỏ bãi thử trên mang tính biểu tượng cao và có ý nghĩa quan trọng.

[Triều Tiên mời phóng viên Hàn Quốc giám sát lễ đóng cửa bãi thử]

Công tác dỡ bỏ bãi thử trên thực địa là bước đi cụ thể nhằm thực hiện đề xuất mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng trước, và là một bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đang giữ cam kết ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ.

Cùng những động thái thể hiện thiện chí của Triều Tiên với phía Mỹ, như đồng ý trả tự do cho 3 công dân Mỹ... việc Triều Tiên tiến hành phá dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri có thể coi là hành động thiết thực tiếp theo của Bình Nhưỡng giúp giảm bớt những nghi ngờ, vốn là rào cản khiến các bên liên quan vấn đề hạt nhận trên bán đảo Triều Tiên khó đối thoại thực chất.

Vì lẽ đó, tuyên bố của Triều Tiên đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri và sẽ công khai việc này được quốc tế đánh giá cao và được lãnh đạo các nước ủng hộ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterresnhấn mạnh đây là một bước đi quan trọng nhằm xây dựng lòng tin, mở đường cho những tiến triển trong cuộc đàm phán Mỹ-Triều sắp tới. Tổng thống Mỹ Donald đánh giá động thái của Triều Tiên như "một cử chỉ rất thông minh và lịch thiệp," trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định đây sẽ là khởi đầu cho tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến thận trọng về động thái này của Triều Tiên. Trên thực tế, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên lâu nay vẫn hết sức nhạy cảm và việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân là mục tiêu của tất cả các cuộc đàm phán quốc tế với Triều Tiên kể từ đầu những năm 1990 của thế kỷ trước.

Một số ý kiến cho rằng động thái của Bình Nhưỡng chứng này nước này đã có một năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy và "không còn cần đến" các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Ý kiến này xuất phát từ tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi cuối năm ngoái rằng Bình Nhưỡng đã hoàn thiện năng lực hạt nhân của mình và sẽ trở thành một "cường quốc hạt nhân có trách nhiệm."

Triều Tiên dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri: Phá bỏ rào cản lòng tin ảnh 2Bản đồ bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. (Nguồn: EPA-EFE/ TTXVN)

Ngoài ra, việc Triều Tiên chỉ mời các phóng viên mà không đề cập vấn đề mời các thanh sát viên hạt nhân tới giám sát hoạt động đóng cửa bãi thử trên, cũng gây nghi ngại.

Một số nhà phân tích lại cho rằng Bình Nhưỡng sẽ lợi dụng việc từ bỏ một phần vũ khí hạt nhân làm “lá bài” cho các vụ thương lượng trong tương lai. Diễn biến vụ việc lần này khiến người ra nhớ lại vụ Triều Tiên phá dỡ các tháp làm mát của nhà máy điện Yongbyon hồi tháng 6/2008, sau thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân (gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản).

Tuy nhiên, sau tranh cãi với Mỹ về việc thanh sát tiến trình xử lý vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cuối năm 2008, Bình Nhưỡng đã tuyên bố nối lại chương trình tái chế uranium. Thực tế việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân chỉ có tác động nhỏ đến toàn bộ chương trình hạt nhân và tên lửa hiện tại của Triều Tiên. Tới nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa cho biết liệu họ có hủy vũ khí hạt nhân đang sở hữu (được cho là khoảng 30-50 đầu đạn hạt nhân) và phá bỏ các cơ sở liên quan khác, sau Punggye-ri hay không.

Mới đây, Mỹ đã yêu cầu chính quyền Bình Nhưỡng chuyển một số vũ khí hạt nhân, nguyên liệu phân hạch và tên lửa tầm xa của Triều Tiên ra khỏi nước này trong vòng vài tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên, động thái cho thấy đối với Washington, việc Triều Tiên dỡ bỏ và đóng cửa bãi thử Punggye-ri là chưa đủ.

Tình trạng thực tế của bãi thử hạt nhân này cũng là vấn đề gây tranh cãi. Theo nguyên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC), trung tâm thử nghiệm hạt nhân này của Triều Tiên có thể không sử dụng được nữa sau lần thử nghiệm cuối cùng vào tháng 9/2017.

Nghiên cứu này kết luận rằng 8 phút rưỡi sau vụ thử nghiệm vào tháng 9/2017 đã có “một sự sụp đổ gần như theo chiều thẳng đứng tại trung tâm thử nghiệm hạt nhân” do một loạt dư chấn.

Tuy nhiên, trang mạng 38 North mới đây xác nhận bãi thử Punggye-ri vẫn có thể được kích hoạt trở lại nếu cần. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng tuyên bố: "Một số người cho rằng nơi bị đóng cửa là nơi không còn sử dụng được nữa, tuy nhiên, các bạn sẽ thấy cơ sở này vẫn trong điều kiện tốt."

Bất chấp những câu hỏi còn bỏ ngỏ, không thể phủ nhận rằng việc phá bỏ bãi thử Punggye-ri là bước đi đầu tiên hướng tới tạo dựng và củng cố lòng tin, là động thái chính trị để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đây cũng là ''phép thử" thực sự về các cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Trong tuyên bố hồi tháng trước khi thông báo kế hoạch đóng cửa bãi thử hạt nhân của nước này vào tháng 5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhấn mạnh Triều Tiên sẽ không cần vũ khí hạt nhân nếu Mỹ chính thức kết thúc chiến tranh và cam kết chính sách không xâm lược.

Nếu Bình Nhưỡng thực sự nghiêm túc thì các động thái mới của Triều Tiên đang thể hiện nước này sẵn sàng cho một cuộc đối thoại với Mỹ về phi hạt nhân với các điều kiện được bảo đảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục