“Triều Tiên có thể sẽ thử hạt nhân vào bất cứ lúc nào”

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tướng Phòng Phong Huy, cho biết Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần thứ 4 vào bất cứ lúc nào.

Một tướng lĩnh hàng đầu của Trung Quốc cho biết Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần thứ 4 vào bất cứ lúc nào, điều này nêu bật sự cần thiết phải có các cuộc đàm phán mới giữa Bình Nhưỡng và các nước trong khu vực.

 

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tướng Phòng Phong Huy, khẳng định Trung Quốc kiên quyết phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên và mong muốn hợp tác với các nước tổ chức các cuộc đàm phán nhằm kết thúc vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Ông cũng cho biết ưu tiên của Bắc Kinh là trở lại các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân bị trì hoãn lâu nay với sự tham dự của Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mỹ.

 

Phát biểu trước báo giới, Tướng Phòng Phong Huy nói: "Chúng tôi đề nghị tất cả các bên cùng làm việc một cách tích cực nhằm ngăn chặn Triều Tiên thử hạt nhân và theo đuổi chương trình hạt nhân. Chúng tôi tin rằng đàm phán sẽ là một biện phán đúng đắn."

[“Hãy chuẩn bị cho tình huống xấu nhất ở Triều Tiên”]

 

Tuy nhiên, ông không chỉ ra lý do khiến Bắc Kinh cho rằng Triều Tiên có thể thử hạt nhân vào bất cứ lúc nào, đồng thời cũng không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào. Tuyên bố của Tướng Phòng Phong Huy được đưa ra trong cuộc gặp với Tướng Martin Dempsey - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - trong chuyến thăm đầu tiên của ông này tới Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ.

 

Triều Tiên từng đe dọa tấn công Mỹ và Hàn Quốc do hai nước này mới đây tổ chức diễn tập chung và do các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế được áp đặt lên Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân lần thứ 3 vào tháng 2/2013.

Bình Nhưỡng cho rằng cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn là cuộc tập dượt cho việc xâm lược Triều Tiên. Các quan chức Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên sẵn sàng khai hỏa tên lửa tầm trung có khả năng vươn tới đảo Guam thuộc lãnh thổ Mỹ.

 

Trung Quốc là đồng minh ngoại giao quan trọng nhất, là đối tác thương mại chính và là nguồn cung cấp khí đốt và lương thực chủ yếu cho Triều Tiên. Tuy nhiên, khi ký đồng ý với các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng của Liên hợp quốc sau khi Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng 2/2013, Trung Quốc nói rằng nước này có ảnh hưởng hạn chế đối với Bình Nhưỡng. Tướng Phòng Phong Huy từ chối cho biết liệu Bắc Kinh có áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm gây áp lực buộc Triều Tiên giảm căng thẳng hay không.

 

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Tướng Phòng Phong Huy đã cố gắng trấn an Tướng Dempsey về những thông tin gần đây cho rằng quân đội Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tin tặc tấn công vào các mục tiêu ở Mỹ và ông nói rằng Trung Quốc cực lực phản đối những hành vi như vậy.

Điểm đáng chú ý đối với vấn đề nhức nhối kéo dài này là sự thúc giục Washington có thái độ kiên quyết với Bắc Kinh và chính quyền Mỹ được cho là sẽ cân nhắc một loạt biện pháp từ trừng phạt thương mại tới gây áp lực ngoại giao và các biện pháp trả đũa tin học.

[Triều Tiên thêm bệ phóng tên lửa đến bờ biển phía Đông]

 

Tướng Phòng Phong Huy nhắc lại rằng bản thân Trung Quốc cũng là nạn nhân của các vụ tin tặc, đồng thời cho biết Trung Quốc hiện tự tin trong việc sử dụng internet và có được nhiều lợi ích từ việc bảo đảm an ninh mạng.

Ông nói: "Nếu mất kiểm soát an ninh mạng, hậu quả khôn lường có thể xảy ra và tôi không hề thổi phồng khi nói rằng hiện nay, hậu quả của việc mất kiểm soát an ninh mạng không kém gì sức tàn phá của một quả bom nguyên tử".

 

Về phần mình, Tướng Dempsey tìm cách xoa dịu những lo lắng của Trung Quốc đối với chính sách "chuyển trục châu Á" của Mỹ. Tướng Dempsey nói: "Một trong những điều tôi muốn đề cập hôm nay với Tướng Phòng Phong Huy là chúng tôi muốn tìm cách để trở thành một nhân tố mang lại ổn định cho khu vực. Trên thực tế, chúng tôi tin rằng nếu không có sự hiện diện của chúng tôi tại khu vực, tình hình sẽ mất ổn định".

 

Tuy nhiên, trong khi Washington cam kết xây dựng một quan hệ "tốt hơn, sâu đậm hơn và ổn định hơn" với Trung Quốc, các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á gồm Nhật Bản và các đối thủ khác của Trung Quốc tại một số thời điểm đã có những va chạm với Trung Quốc.

Mặc dù hai bên vẫn thiếu sự tin cậy lẫn nhau, các nỗ lực nhằm mở rộng quan hệ giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Mỹ còn bất đồng, nhưng các cuộc diễn tập cứu trợ nhân đạo và chống cướp biển đang được hoạch định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục