Triều Tiên chỉ trích luận điệu của Mỹ về vấn đề hạt nhân

Triều Tiên khẳng định nước này là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm, cam kết cấm sử dụng hạt nhân và đe dọa các quốc gia phi hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên chỉ trích luận điệu của Mỹ về vấn đề hạt nhân ảnh 1Hình ảnh Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 hôm 12/7/2023. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 5/8, tại phiên họp đầu tiên của ủy ban chuẩn bị cho hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 11, Mỹ và các lực lượng đồng minh đã chỉ trích một cách vô lý năng lực răn đe hạt nhân của Triều Tiên với mục đích tự vệ là "mối đe dọa" đối với hòa bình và an ninh quốc tế cũng như hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân.

KCNA dẫn thông cáo báo chí của Phái đoàn thường trực của Triều Tiên tại Văn phòng Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế ở Vienna nhấn mạnh việc Triều Tiên tăng cường năng lực răn đe hạt nhân để tự vệ là hành động thực thi chủ quyền chính đáng nhằm ngăn chặn sự bùng nổ chiến tranh hạt nhân, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời kiểm soát và quản lý tình hình bán đảo Triều Tiên một cách ổn định, trong môi trường an ninh bất ổn của khu vực do mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ và các lực lượng đồng minh.

[Mỹ điều thêm một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tới Hàn Quốc]

Triều Tiên khẳng định nước này là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm, cam kết cấm sử dụng hạt nhân và đe dọa các quốc gia phi hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Lực lượng hạt nhân của Triều Tiên sẽ không bao giờ là mối đe dọa đối với những quốc gia tôn trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Bình Nhưỡng.

Mặt khác, Triều Tiên lưu ý rằng hiện tại rõ ràng Mỹ đang gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế cũng như hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân.

KCNA lấy dẫn chứng rằng Mỹ đã công khai chính sách quốc gia nhằm hiện đại hóa ngành công nghiệp vũ khí hạt nhân, nhanh chóng nâng cấp 3 tài sản chiến lược hạt nhân và đã chi tiêu quân sự khổng lồ cho chiến lược này hàng năm.

Mỹ cũng là bên đã cố tình từ chối thực hiện New START (Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược), vốn có thể được coi là pháo đài cuối cùng của Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trước đó, ngày 19/7, đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, ông Kim Gunn đến Tokyo để nhóm họp cùng những người đồng cấp Nhật Bản và Mỹ thảo luận vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Ông Kim Gunn có kế hoạch gặp người đồng cấp Mỹ Sung Kim và người đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi tại Tokyo ngày 20/7.

Ba bên dự kiến thảo luận cách thức ứng phó các động thái của Triều Tiên, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 hồi tuần trước.

Đây là vụ phóng ICBM thứ 12 của Triều Tiên kể từ đầu năm 2013. Tháng 4 vừa qua, 3 quan chức đã tiến hành hội đàm 3 bên tại Seoul.

Ông Kim Gunn có kế hoạch tiến hành các cuộc gặp riêng rẽ với những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản tại cuộc gặp lần này ở Tokyo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục