Triều cường ở Cần Thơ vượt báo động III, trung tâm thành phố đã giảm ngập

Ngày 6/10, triều cường vượt báo động III khiến nhiều nơi ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ bị ngập; trong khi đó, ở trung tâm thành phố tình trạng ngập được cải thiện nhờ các công trình chống ngập.

Mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân ở Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân ở Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Ngày 6/10, triều cường vượt báo động III đã khiến nhiều nơi ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ bị ngập; trong khi đó, ở khu vực trung tâm thành phố tại quận Ninh Kiều, năm nay tình trạng ngập đã được cải thiện nhờ các công trình chống ngập đi vào hoạt động.

Mực nước đo được tại Trạm Cần Thơ trên sông Hậu ngày 6/10 đạt 2,06m, vượt báo động III là 6cm. Tại quận Bình Thủy, đường Cách Mạng Tháng Tám ở đoạn khu vực trước sân vận động Quân khu 9 ngập sâu gần nửa mét, làm nhiều xe chết máy, người dân bì bõm dắt bộ.

Đường Võ Văn Kiệt hướng từ sân bay quốc tế Cần Thơ về trung tâm thành phố cũng bị ngập do triều cường. Trên tuyến đường nối giữa đường Cách Mạng Tháng Tám với đường tỉnh 918 có một số cống ngăn triều đã được xây dựng. Tuy nhiên, con nước ngày 6/10 đã dâng lên làm ngập cả tuyến đường dân sinh hai bên cống.

Bà Trần Thị Năm, 60 tuổi, bán quán ăn trước chợ Bình Thủy, cho hay năm nào vào mùa triều cường từ tháng 8-10 Âm lịch, tuyến đường này cũng ngập sâu, ảnh hưởng đi lại, buôn bán của các hộ dân ở đây. Người dân nhiều lần kiến nghị chính quyền đầu tư nâng cấp nhưng chưa được giải quyết.

Cũng ở trọ tại quận Bình Thủy, 5 giờ sáng nay, bà Đinh Thị Thu Hương (65 tuổi) đi xe ôm xuống quận Ninh Kiều để lấy vé số bán. Trên đường về, khi đến đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn trước cổng sân vận động Quân khu 9 (phường An Thới, quận Bình Thủy) thì nước ngập gần nửa mét, người lái xe ôm không dám đi qua sợ xe chết máy. Bà Hương đành xuống xe men theo vỉa hè để đi bộ qua đoạn ngập nước.

Theo bà Hương, mấy ngày nay bà đã chứng kiến cảnh triều cường lên cao nhưng không nghĩ nước ngập sâu đến vậy. Những ngày nước lớn, việc bán vé số của bà Hương gặp khó khăn hơn do khách ngại lội nước nên ngại ra các quán cà phê buổi sáng như thường lệ. Không chỉ người bán hàng rong mà các quán ăn, càphê trên đường Cách Mạng Tháng Tám cũng rơi vào tình trạng ế ẩm.

Dọc những đường bị ngập, lực lượng Cảnh sát Giao thông, dân quân tự vệ, Đoàn thanh niên túc trực để điều tiết, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân đi qua.

Tình trạng ngập ở Cần Thơ do triều cường sông Hậu qua địa bàn lên mức 2,06m (vượt 6cm so báo động III). Nước sông dâng cao theo hệ thống kênh rạch tràn vào một số khu vực ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng. Nghiêm trọng nhất là khoảng hai km Quốc lộ 91 (đường Cách Mạng Tháng 8 và đường Lê Hồng Phong, Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy ), cồn Khương (quận Ninh Kiều)...

ttxvn_trieu cuong Can Tho.jpg
Nước ngập trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ trong đợt triều cường Rằm tháng Tám Âm lịch 2024. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Đài Khí tượng Thủy văn Cần Thơ cho biết trong đợt triều cường đầu tháng Chín Âm lịch, mực nước tại trạm Cần Thơ vượt báo động 3 từ 1-11cm và kéo dài đến hết ngày mai (7/10). Mực nước cao nhất đến nay là 2,10m xuất hiện vào tối hôm qua.

Khác với những năm trước, triều cường năm nay chỉ gây ngập một số điểm trũng thấp hay ở ngoại thành. Để chống ngập cho nội ô thành phố, thời gian qua Cần Thơ đã triển khai xây dựng nhiều công trình kè, âu thuyền, cống ngăn triều, cải tạo các tuyến rạch cùng cống thoát nước của 32 tuyến đường khu vực trung tâm quận Ninh Kiều… Bước đầu các công trình này đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn nước tràn lên gây ngập các tuyến đường mỗi khi triều cường.

Trong đó, công trình nổi bật là âu thuyền Cái Khế nằm chắn ngang rạch Khai Luông - một con rạch lớn nằm giữa phường Tân An và phường Cái Khế (quận Ninh Kiều), vừa hoàn thành sau hai năm xây dựng. Công trình có kinh phí đầu tư 436 tỷ đồng, được thiết kế như hệ thống khóa và xả điều tiết lượng nước vào mùa mưa. Khi cần chống ngập cho trung tâm thành phố, ba khoang cống sẽ đóng lại, ngăn nước từ sông Cần Thơ các con rạch trong quận Ninh Kiều. Đây cũng là một trong các công trình nằm trong hệ thống chống ngập cho khu vực trung tâm Cần Thơ do Ban Quản lý dự án ODA thành phố làm chủ đầu tư.

Ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ, trên hệ thống này có 10 cống, 2 âu thuyền, 2 trạm bơm. Vận hành hệ thống này đảm bảo ngăn triều, lũ từ phía bên ngoài cũng như kiểm soát mực nước bên trong nội ô, đảm bảo không gây ngập cũng như đảm bảo giao thông thủy, cảnh quan môi trường.

Trước đây, các tuyến đường trung tâm thành Cần Thơ như Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, khu vực hồ Xáng Thổi, hồ Búng Xáng... thường ngập gần 0,5m mỗi khi triều cường đạt đỉnh, ảnh hưởng hàng chục nghìn hộ dân. Hệ thống chống ngập trong đó có âu thuyền Cái Khế vận hành đã giúp trung tâm Cần Thơ thoát ngập dù triều cường vượt báo động 3 từ 15-16cm.

Trong những đợt triều cường vừa qua, nhờ vận hành âu thuyền Cái Khế và các cống ngăn triều, khu vực trung tâm của thành phố Cần Thơ đã giảm tình trạng ngập lụt so với các năm trước, mặc dù triều cường đã vượt báo động III là 10cm. Với việc đầu tư nhiều công trình chống ngập trong thời gian qua, tình trạng ngập khi triều cường ở khu vực nội đô của Cần Thơ đang dần được cải thiện.

Theo ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ, hệ thống chống ngập bao gồm kè sông Cần Thơ, kè sông Cái Sơn, Mương Khai, đường nối giữa đường Cách Mạng Tháng Tám-Đường tỉnh 918 với chu vi hơn 16km, diện tích bảo vệ 2.675ha với hơn 420.000 dân, bao gồm trọn khu vực trung tâm nội ô thành phố Cần Thơ, bao gồm quận Ninh Kiều và một phần quận Bình Thủy, giúp giảm tình trạng ngập úng khi nước sông dâng cao.

Hiện nay Cần Thơ tiếp tục đang đề xuất dự án chống ngập mới với tổng kinh phí dự kiến hơn 4.500 tỷ đồng, mở rộng diện tích bảo vệ thêm hơn 2.700ha để giúp kiểm soát ngập cho toàn bộ quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, trong tổng số 17.700ha của vùng trung tâm thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục