Triều cường dâng cao kỷ lục 35 năm qua tại Bạc Liêu

Đợt triều cường xuất hiện từ đầu tháng 12 đến nay tại địa phương đã vượt mức báo động 3, làm ngập và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khu vực trên địa bàn.
Triều cường dâng cao làm ngập nhiều tuyến đường nội ô thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, cho biết đợt triều cường xuất hiện từ đầu tháng 12 đến nay tại địa phương đã vượt mức báo động 3, làm ngập và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khu vực trên địa bàn.

Đây là đỉnh triều dâng cao lịch sử trong 35 năm qua tại tỉnh này.

Tính đến ngày 13/12, triều cường dâng cao làm ngập hơn 43 điểm, khu vực trên địa bàn tỉnh, nặng nhất là khu vực, vùng phía Nam quốc lộ 1A, mức nước ngập trung bình từ 15-30cm, cá biệt có điểm ngập đến 60cm.

Điều đáng báo động là triều cường đã gây ngập trên diện rộng, đặc biệt là khu vực gần cửa sông, cửa biển, ven sông, kênh rạch; trong đó, tại khu vực cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải), Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), Cái Cùng (huyện Hòa Bình), hai phường là Hộ Phòng và Láng Tròn thuộc thị xã Giá Rai ngập rất nặng. Lo lắng hơn, đợt triều cường này, nước mặn đã xâm nhập sâu nhiều vùng ngọt hóa từ trước đến nay chưa bị ảnh hưởng như khu vực xã Hưng Hội thuộc huyện Vĩnh Lợi và xã Vĩnh Mỹ B thuộc huyện Hòa Bình...

Riêng khu vực nội ô thành phố Bạc Liêu ngập nghiêm trọng, có tuyến đường ngập sâu đến 60cm, giao thông đi lại bị ảnh hưởng, làm xáo trộn cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mặc dù đỉnh triều cường hiện tại đã giảm, nhưng một số nơi vẫn còn ngập, nước mặn đang xâm lấn vào vùng ngọt, ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích trồng màu, sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi trên các kênh thông tin về các bản tin cảnh báo triều cường của đài khí tượng thủy văn và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để người dân chủ động triển khai kế hoạch bảo vệ sản xuất. Ngoài ra, phối hợp với các ngành chức năng có biện pháp nâng cấp các tuyến đường, trường, trạm, đê bao, cống bọng, bồi trúc các bờ bao ao đầm nuôi trồng thủy sản, khu vực sản xuất lúa...


[Đỉnh triều đạt mức cao nhất trong 66 năm qua tại Bình Dương]

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi triển khai nhanh các biện pháp chống ngập do triều cường, nhất là khu vực các bờ bao hạ lưu các cống điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị triều cường gây ngập ảnh hưởng đến diện tích sản xuất, nhất là tiểu vùng sản xuất ngọt ổn định.

Đài Khí tượng Thủy văn Bạc Liêu cũng tiếp tục thông báo các bản tin cảnh báo triều cường để ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân kịp thời ứng phó.

Điều quan tâm hiện nay, trên đồng ruộng Bạc Liêu đang canh tác khoảng 160.000ha tôm, lúa; trong đó, hơn 80.000ha nuôi trồng thủy sản phía Nam quốc lộ 1A có nguy cơ tràn, ngập cao; hơn 70.000ha lúa, lúa-tôm, hoa màu vùng ngọt hóa phía Bắc Quốc lộ 1A đang đứng trước nguy cơ xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt vào mùa khô và hàng trăm nhà dân, đường dân sinh, chợ... sẽ ngập nặng, thiệt hại tài sản, kinh tế do triều cường.

Theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ nay đến cuối năm 2017 và tháng 1-2/2018, trên địa bàn còn xuất hiện các đợt triều cường dâng cao vào các ngày giữa và cuối tháng Âm lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục