Vào năm 2006, khi mới có khoảng 2 triệu thuê bao di động ở trong nước, Viettel đã quyết định tiến quân ra nước ngoài.
Bắt đầu với dịch vụ VoiP ở Campuchia, năm 2009, Metfone chính thức khai trương mạng di động và đây chính là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp “chinh chiến” nước ngoài của Viettel.
Tới nay, sau 12 năm kể từ khi “đem chuông đi đánh xứ người,” Viettel đã chính thức kinh doanh ở 10 thị trường quốc tế (tính cả Việt Nam là 11) và có 8 thị trường trong số này kinh doanh có lãi.
Chiến đấu với “người khổng lồ”
Trong một lần tới Tanzania, anh Mai Văn Lợi, Giám đốc chi nhánh Dodoma của Halotel kể rằng, nếu ở trong nước vất vả 1, thì đi thị trường nước ngoài vất vả gấp 5-10 lần.
Anh bảo, để làm được việc, những người Viettel phải học văn hóa bản địa, biết tính cách, con người để biết “điều binh” cũng như đưa ra các sách lược về thị trường hợp lý, từ việc đi bán SIM thẻ tới xây dựng chương trình khuyến mại sao cho thu hút được người dùng…
[Tập đoàn Viettel báo lãi ở hầu hết các thị trường quốc tế]
Thế nhưng, đó không phải là khó khăn vất vả nhất mà những người Viettel đi khai phá thị trường gặp phải. Lãnh đạo của Viettel bảo rằng, cái khó lớn nhất chính là sự khác biệt về pháp luật, văn hóa và chế độ chính trị. Do đó, tại mỗi một thị trường, người Viettel phải nghiên cứu và tìm hiểu các bước phù hợp. Bởi lẽ, kinh nghiệm có thể thành công ở nước này, song lại thất bại ở nơi khác.
Lấy ví dụ tại Tanzania, khi mới thành hình hài, Halotel phải đương đầu với nhiều “ông lớn” đã chiếm thị phần là Vodacom, Airtel Tigo Tanzania, Airtel và Zantel. Khi đó, đối thủ đã tìm mọi cách để gây sức ép nhằm cản trở như dựng thêm trạm thu phát sóng, giảm giá cước, tung dịch vụ mới… Nhưng, với sự linh hoạt và sáng tạo của mình, Viettel đã làm đối thủ phải kinh ngạc. Sau 9 tháng khai trương, Halotel đã đạt 2 triệu thuê bao.
Hoặc mới đây, Mytel đã lập ra một mốc mới mà không phải nhà mạng viễn thông nào trên thế giới cũng có thể làm được khi đạt 2 triệu thuê bao chỉ trong vỏn vẹn 1 tháng từ thời điểm khai trương. Kết quả ấy đã khiến Mytel vững tin đặt mục tiêu tới 2019 là kinh doanh có lãi…
Theo lãnh đạo của Viettel, thành công ấy nằm ở chỗ chính là sự khác biệt về triết lý đầu tư. Nếu như các công ty quốc tế thường đầu tư ngắn hạn, tập trung vào thành phố để có doanh thu cao rồi mới đầu tư tiếp thì Viettel chọn cách ngược lại.
Tại các thị trường, Viettel đều chọn phương án đầu tư trước rồi mới kinh doanh, mạng lưới rộng khắp lãnh thổ, cả ở vùng sâu, vùng xa, giá thấp hơn, phổ cập dịch vụ cho mọi người dân với chất lượng cao, hỗ trợ ngành giáo dục dùng internet miễn phí, hỗ trợ chính phủ, công an, quân đội...
Mục tiêu thị trường 500 triệu dân
12 năm kể từ khi “khởi nghiệp” ra quốc tế, tới nay Viettel đã có một nền tảng vững chắc. Những bước tiến của Viettel đã được khẳng định bằng rất nhiều thành quả cụ thể. Với 10 thị trường (240 triệu dân), năm 2017, thị trường quốc tế đem về cho Viettel 35 triệu thuê bao, doanh thu 1,6 tỷ USD. Theo định giá quốc tế, Viettel Global vào khoảng 4,5-5 tỷ USD.
Tính tới tháng Sáu, 8/10 thị trường nước ngoài của Viettel đã kinh doanh có lãi. Trong đó, có 3 thị trường đã hoàn vốn đầu tư (Lào, Campuchia, Timor Leste) và đứng số 1 tại thị trường về mạng lưới viễn thông, thu về gấp 4 - 5 lần giá trị vốn đầu tư.
Hai thị trường mà Viettel đang báo “lỗ kế hoạch” là Tanzania (mới kinh doanh 2 năm) và Myanmar (khai trương hồi đầu tháng Sáu), song cả hai đều có tốc độ tăng trưởng tốt. Năm 2017, Halotel ở Tanzania có tăng trưởng doanh thu 35% trong khi đó Mytel ở Myanmar vượt mốc 2 triệu thuê bao chỉ sau 1 tháng khai trương. Đây là con số đạt kỷ lục về tốc độ phát triển của Viettel tại 11 thị trường, trước đó Halotel đạt 2 triệu thuê bao sau 9 tháng.
Theo ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, Viettel Global nắm giữ một vị trí đặc biệt và quan trọng của tập đoàn này. Kết quả sản xuất kinh doanh của Viettel Global có ý nghĩa rất lớn bởi đầu tư quốc tế hiện là một trong những trụ phát triển chính của Viettel.
“Đây cũng là lĩnh vực đang được Đảng, nhà nước và Chính phủ khuyến khích, bởi ngoài ý nghĩa kinh tế, đầu tư nước ngoài còn có ý nghĩa về chính trị, hội nhập và nâng tầm Việt Nam,” ông Dũng nói.
Nhận định thị trường nước ngoài là mũi nhọn trọng điểm, Viettel đặt mục tiêu tới năm 2020 tiếp tục mở rộng thị trường, đạt quy mô dân số 400-500 triệu dân (gấp đôi so với hiện tại), đứng trong Top 10 công ty viễn thông toàn cầu.
Đây là một mục tiêu lớn, đòi hỏi người Viettel phải tiếp tục nỗ lực khai phá các thị trường mới. Tuy nhiên, với nền tảng sẵn có, những chiến binh của Viettel được được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được thành tựu rực rỡ, để doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng công nghệ thông tin, viễn thông toàn cầu./.
Điểm qua 10 thị trường quốc tế của Viettel
Metfone (Campuchia) khai trương tháng 2/2009, tới nay đứng số 1 về thị phần với 7 triệu thuê bao; Unitel (Lào) khai trương 10/2009, số 1 thị phần với 4 triệu thuê bao; Số 1 về hạ tầng mạng lưới với 4.000 trạm phát sóng (BTS), 30.000 km cáp quang, chiếm 95% vùng phủ sóng toàn Lào; Telemor (Timor Leste) khai trương tháng 7/2013, số 1 về về thị phần di động với 870.000 khách hàng, chiếm 50% thị phần.
Trong khi đó, Natcom (Haiti) khai trương tháng 9/2011, đạt 1,68 triệu khách hàng, chiếm 35% thị phần; Movitel (Mozambique) khai trương tháng 5/2012, số 1 về thị phần di động với 6,3 triệu thuê bao; Bitel (Peru) khai trương tháng 10/2014, đạt 2,5 triệu khách hàng; Nexttel (Cameroon) khai trương tháng 9/2014, đạt 4,4 triệu khách hàng; Lumitel (Burundi) số 1 về khách hàng với 1,8 triệu thuê bao).
Ngoài ra, thương hiệu Halotel (Tanzania) khai trương tháng 10/2015, đạt 4,8 triệu khách hàng. Cuối cùng là Mytel (Myanmar) được khai trương tháng 6/2018. Đây là thị trường đạt mốc 2 triệu thuê bao nhanh nhất của Viettel trên toàn cầu trong lịch sử (bao gồm cả Việt Nam).