Triển vọng tăng trưởng không chắc chắn của kinh tế thế giới

Theo nhận định của chuyên gia, tăng trưởng GDP có thể đối mặt với triển vọng ảm đạm trong năm 2022-2023, với đầu tư tư nhân và tăng năng suất thấp hơn.
Triển vọng tăng trưởng không chắc chắn của kinh tế thế giới ảnh 1Các cửa hàng đóng cửa tại London, Anh ngày 13/4/2020 khi lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố nhằm ngăn dịch COVID-19. (Nguồn: THX/TTXVN)

Năm 2020, thế giới trải qua đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ước giảm khoảng 3,8%.

Kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi với mức tăng khoảng 3,1% vào năm 2021. Sự phục hồi dự kiến sẽ rõ nét hơn ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế quốc tế, hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng.

Tăng trưởng GDP có thể đối mặt với triển vọng ảm đạm trong năm 2022-2023, với đầu tư tư nhân và tăng năng suất thấp hơn.

Đối với các nền kinh tế phát triển, mức tưng trưởng GDP vào cuối năm 2021 sẽ vẫn thấp hơn năm 2019 và thấp hơn đáng kể so với mức dự kiến trước đại dịch.

Kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến sẽ phục hồi với mức tăng 5,8% vào năm 2021, sau khi ghi nhận mức giảm 7,1% trong năm 2020.

[Sự "bất quy tắc" của tỷ giá hối đoái trong đại dịch COVID-19]

Trong các thành viên của Eurozone, Đức dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn nhờ các biện pháp kích thích tài chính mạnh mẽ và thu nhập phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào quý 1/2023. Sự phục hồi sẽ diễn ra dần dần sau suy thoái kinh tế năm 2020.

Tăng trưởng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021 chủ yếu nhờ các tác động cơ bản thuận lợi vào đầu năm.

Nhưng đến năm 2022, những tác động chậm trễ của cuộc khủng hoảng đối với việc làm, đầu tư và nhu cầu bên ngoài sẽ đè nặng lên hoạt động kinh tế.

Sự can thiệp lớn của chính phủ sẽ hỗ trợ tăng trưởng, nhưng việc duy trì các khoản tiết kiệm lớn của các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ làm giảm bớt tác động của kích thích kinh tế.

Do đó, tăng trưởng sẽ chỉ tiến triển chút ít so với tiềm năng và GDP sẽ không trở lại mức trước khủng hoảng trước năm 2023 (hoặc năm 2024 trong kịch bản khủng hoảng y tế kéo dài).

Triển vọng đối với nền kinh tế Tây Ban Nha và Italy ảm đạm hơn với mức nợ cao và khả năng kích thích tài chính bị hạn chế. Về triển vọng tăng trưởng, kinh tế Pháp đang được hưởng lợi từ kế hoạch phục hồi trị giá 100 tỷ euro (tương đương 4% GDP năm 2019).

Sau khi chứng kiến cuộc suy thoái lớn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai trong năm 2020, nền kinh tế Pháp dự kiến sẽ tăng trưởng vừa phải trong giai đoạn 2021-2022.

Các biện pháp khẩn cấp mà Chính phủ Pháp đưa ra vào năm 2020 chỉ làm chậm lại những tác động thực sự của việc buộc đóng cửa nền kinh tế đối với việc làm và đầu tư.

Kế hoạch kích cầu sẽ hỗ trợ hoạt động vào năm 2021, nhưng sẽ không thể bù đắp được toàn bộ thu nhập bị mất trong năm 2020.

Do đó, GDP của Pháp sẽ chỉ trở lại mức trước khủng hoảng vào đầu năm 2023 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ vượt quá 10% trong khoảng thời gian đó.

Việc Pháp tiếp tục áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội có nguy cơ khiến tăng trưởng GDP sẽ không thể trở lại mức trước khủng hoảng vào trước năm 2024.

Đối với Anh, nước này cũng trải qua một năm suy thoái kinh tế nghiêm trọng. So với nửa đầu năm 2019, kinh tế Anh ghi nhận mức giảm 22,1% trong nửa đầu năm 2020 (mức giảm lớn thứ hai ở châu Âu sau Tây Ban Nha).

Nền kinh tế bắt đầu phục hồi nhờ việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong tháng 6/2020. GDP tăng trở lại 8,7% vào tháng 6/2020, sau khi tăng 2,4% vào tháng 5/2020 và giảm kỷ lục 20,0% vào tháng 4/2020.

Với tác động của một Brexit không thỏa thuận, GDP của Anh dự kiến đạt mức tăng trưởng khoảng 9% vào năm 2021.

Đối với Mỹ, tốc độ phục hồi việc làm tăng cao sau cú sốc ban đầu của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, do Chương trình bảo vệ tiền lương đã hết hạn vào cuối tháng 7/2020, sự phục hồi có xu hướng sẽ giảm tốc do có ít hỗ trợ hơn, đặc biệt là do ảnh hưởng của hậu bầu bầu cử tổng thống.

Do vậy, GDP của Mỹ sau khi giảm 6% vào năm 2020 có thể đạt mức phục hồi khiêm tốn 3,7% vào năm 2021. Nếu cuộc khủng hoảng y tế tiếp tục kéo dài trong những tháng tới, GDP dự kiến sẽ giảm 7% vào năm 2020 và tăng trưởng chỉ đạt 1% vào năm 2021.

Đối với Nhật Bản, nền kinh tế nước này đang bắt đầu phục hồi sau khi ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1955, chủ yếu do tiêu dùng hộ gia đình giảm sút.

Với những bất ổn về y tế đang đè nặng lên tâm lý của các tác nhân kinh tế, sự phục hồi vào năm 2021 sẽ ở mức vừa phải và nền kinh tế sẽ mất vài năm để lấy lại mức trước đại dịch COVID-19.

Đối với Trung Quốc, sự phục hồi tiếp tục, nhưng các dấu hiệu của sự mất cân bằng cấu trúc vẫn còn hiện hữu. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục trong bối cảnh nước này kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện các biện pháp kích thích tương đối hiệu quả.

Để ngăn chặn tình trạng mất cân đối cơ cấu ngày càng trầm trọng, chính sách kinh tế của Trung Quốc đang hướng tới sự bền vững của tăng trưởng thay vì chỉ tập trung theo đuổi các biện pháp kích thích.

Do chính sách kích thích kinh tế chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững của tăng trưởng (tức không làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng cơ cấu), tăng trưởng sẽ không cao như mong đợi, dự kiến vào khoảng 8% trong năm 2021.

Đối với Ấn Độ, những bất ổn về y tế là yếu tố đầu tiên kìm hãm sự phục hồi kinh tế. Ấn Độ đã ghi nhận sự sụt giảm GDP nghiêm trọng trong năm 2020 do các biện pháp giãn cách xã hội liên tục được gia hạn.

Nguy cơ nước này rơi vào một giai đoạn tăng trưởng yếu hơn nhiều so với thập niên trước có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng nặng nề và sẽ chỉ phục hồi dần dần trong vài quý tới.

Yếu tố thứ hai là khả năng kích thích kinh tế giảm, cả trên khía cạnh thuế khóa và tiền tệ. Về khía cạnh thuế khóa, kế hoạch kích thích kinh tế bị kìm hãm do những hạn chế về ngân sách, với tỷ lệ nợ công trên GDP đạt gần 70%.

Một số biện pháp kích cầu chỉ là biện pháp hiện có trong kế hoạch. Trong khi phần lớn các biện pháp liên quan đến các khoản tín dụng, bảo lãnh hoặc gia hạn thời hạn thanh toán không liên quan đến chi phí tài khóa bổ sung.

Còn các biện pháp "thực thụ" để tăng chi tiêu chỉ chiếm 1,2% GDP trong khi kế hoạch như đã công bố lên tới 11% GDP. Do đó, sự hỗ trợ thuế là không đủ để đối phó với quy mô suy thoái kinh tế, cũng như không giúp phục hồi bộ máy kinh tế của nước này.

Đối với khu vực châu Á, tăng trưởng trong khu vực dự kiến sẽ dần phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Mặc dù đang trong tình trạng thu hẹp, khu vực này vẫn duy trì hiệu suất tương đối so với phần còn lại của thế giới.

Xét về tổng thể, khu vực châu Á vẫn có những nền tảng cơ bản tương đối vững chắc nhờ khả năng phục hồi của mỗi quốc gia. Tài chính công khá vững chắc trong trường hợp của Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan.

Các quốc gia có tỷ lệ nợ công trên GDP cao hơn, nhưng nhìn chung sự phụ thuộc của các quốc gia này vào nguồn tài chính bên ngoài là khá thấp, với số dư dương hoặc cân bằng. Cuộc khủng hoảng y tế là cơ hội để châu Á  tăng cường cân bằng bên ngoài.

Bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, châu Á vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu tương đối khá. Do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, thặng dư thương mại tăng lên và thâm hụt thương mại giữa một số nước được thu hẹp.

Các ngân hàng trung ương trong khu vực đã tận dụng cơ hội để tăng dự trữ ngoại hối. Indonesia đã tích thêm được khoảng 10 tỷ USD dự trữ ngoại hối kể từ tháng 3/2020, tăng 13%.

Thái Lan và Philippines cũng ghi nhận dự trữ ngoại hối tăng hơn 10%. Điều này củng cố thêm bộ đệm an toàn bên ngoài của các nước này.

Trong số các nền kinh tế chính, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Việt Nam và Malaysia đã ít nhiều kiểm soát được đại dịch. Ngược lại, Indonesia và Philippines dường như chưa vượt qua thời kỳ cao điểm của dịch bệnh.

Sự khác biệt này thể hiện ở tính năng động của hoạt động kinh tế. Đối mặt với nguy cơ suy thoái toàn cầu kéo dài, khả năng duy trì tăng trưởng đang có sự khác biệt trong khu vực, Ấn Độ và Indonesia ít nhiều đã nhận được thất bại.

Indonesia có ít nợ công (30% GDP), nhưng phụ thuộc vào nợ nước ngoài (30% nợ của quốc gia). Nước này cũng có số thặng dư thường xuyên âm. Ngân hàng Trung ương Indonesia đã cắt giảm tỷ giá khi tính đến rủi ro mất giá của đồng nội tệ.

Do đó, hai đợt giảm giá gần nhất đều được thực hiện muộn, giữa lúc nước này có được các điều kiện thuận lợi là đồng USD yếu và làn sóng trở lại của các nhà đầu tư quốc tế.

Triển vọng tăng trưởng không chắc chắn của kinh tế thế giới ảnh 2Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Jakarta, Indonesia ngày 30/6/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngoài ra, sự phục hồi của khu vực châu Á cũng phụ thuộc vào diễn biến căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ. Sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là yếu tố chính tác động đến môi trường kinh doanh và địa chính trị của các nền kinh tế trong khu vực. Đây là một hiện tượng không chắc chắn, tác động đáng kể đến cơ cấu tăng trưởng trong những năm tới.

Đối với các nước vùng Vịnh, khu vực này trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 2020, với GDP giảm 5%. Tốc độ phục hồi vào năm 2021 vẫn không chắc chắn.

Nhu cầu nước ngoài đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy giảm thương mại quốc tế, trong khi các đầu tàu về kinh doanh và du lịch như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang cảm nhận thấy những ảnh hưởng đến lĩnh vực hàng không và khách sạn.

Trên toàn khu vực, việc làm có thể giảm mạnh, kéo theo sự di cư của lao động nhập cư. Dân số giảm sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ, tiền gửi ngân hàng và chiếm hữu bất động sản.

Có thể thấy nền kinh tế thế giới phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đại dịch COVID-19.

Sự tái bùng phát dịch bệnh dẫn đến những hạn chế đi lại mới và ảnh hưởng xấu đến sự phục hồi kinh tế ở hầu hết các quốc gia, làm nảy sinh giai đoạn III của cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trong hai giai đoạn đầu của dịch bệnh, các biện pháp phong tỏa đã làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế.

Ở giai đoạn III, virus vẫn tiếp tục lây lan và các biện pháp giãn cách xã hội tiếp tục được áp dụng theo từng vùng địa lý.

Tuy nhiên, năm 2021, một khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế thế giới nói chung, đặc biệt là khu vực Eurozone và một số quốc gia trong vùng nói riêng, được dự báo sẽ từng bước tăng trưởng trở lại, nhưng không chắc chắn, và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài sang năm 2022 và 2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục