Triển vọng tăng trưởng cao cho doanh nghiệp cấp thoát nước

Dự báo nhu cầu và giá bán tăng là yếu tố khiến doanh thu của doanh nghiệp ngành cấp thoát nước tăng trưởng trong năm nay, đặc biệt là với những doanh nghiệp có mua bán sáp nhập.
Sản xuất nước sạch ở Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội. (Ảnh: Bùi Tường/TTXVN)

Năm 2023, triển vọng tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp ngành cấp thoát nước được cho là khá tích cực nhờ nhu cầu và giá bán dự báo tăng.

Thậm chí, các công ty có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành thông qua mua bán sáp nhập (M&A).

Dù vậy, giới phân tích nhận định, chi phí nguyên vật liệu và thuế tài nguyên nước tăng có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết ngành nước có đặc thù là mỗi một đơn vị cấp thoát nước ở trên một địa bàn, chứ không phải cạnh tranh chồng lấn lên nhau. Do đó, mỗi một đơn vị cấp nước trên địa phương có rất nhiều kinh nghiệm về mô hình tổ chức, về công nghệ, về con người.

Các công ty cấp nước thành hai nhóm. Cụ thể, các công ty sở hữu mạng lưới phân phối nước như Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương (mã chứng khoán: BWE), Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai (mã chứng khoán: DNW), CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ (mã chứng khoán: CTW), Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng (mã chứng khoán: HPW), Công ty cổ phần Điện nước An Giang (mã chứng khoán: DNA), Công ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa-Vũng Tàu (mã chứng khoán: BWS), Công ty cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương (mã chứng khoán: HDW), Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè (NBW)…

[Động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp dược phẩm]

Nhóm còn lại là các công ty sở hữu nhà máy xử lý nước như Công ty cổ phần DNP Holding (mã chứng khoán: DNP), Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (mã chứng khoán: TDM) và Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (mã chứng khoán: VCW).

Các công ty có hệ thống phân phối nước được sự quản lý của các ủy ban nhân dân tỉnh, điều này đồng nghĩa với việc các công ty này độc quyền phân phối. Hiệu quả hoạt động của các công ty cấp nước phụ thuộc vào tỷ lệ thất thoát nước cũng như mật độ dân số trên địa bàn phân phối.

Đối với những công ty này, chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ vào năm 2023. Cụ thể, lượng nước tiêu thụ trung bình tăng 6% so với cùng kỳ, trong khi giá nước bán lẻ bình quân tăng 3% so với cùng kỳ.

Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), tổng công suất của các nhà máy xử lý nước tại Việt Nam đạt từ 11,2 triệu m3 đến 11,5 triệu m3/ngày. Mặt khác, nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình ước tính đạt từ 8,2 triệu m3 đến 8,6 triệu m3 mỗi ngày, tăng 6% so với cùng kỳ vào năm 2023.

Chuyên gia từ SSI dự báo nhu cầu tiêu thụ nước tại Hà Nội sẽ tăng 12% trong giai đoạn 2025 đến năm 2030 và tăng bình quân từ 6-8%/năm tại Tp. Hồ Chí Minh trong cùng giai đoạn.

Theo quy hoạch tổng thể ngành nước đến năm 2030, mức tiêu thụ nước bình quân đầu người tăng từ 105 đến xấp xỉ 110 lít/người/ngày trong năm 2021 lên 120 lít/người/ngày năm 2030. Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước qua hệ thống cấp nước ước tính sẽ tăng từ 43,5% hiện nay lên 47% vào năm 2030.

Cùng đó, hiệu quả hoạt động của các công ty phân phối nước tiếp tục được cải thiện. Giới phân tích kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì trong trung hạn.

Theo SSI, tỷ lệ thất thoát nước trung bình dự kiến sẽ giảm từ 17,5% vào năm 2022 xuống còn 16,5% vào năm 2023, khi các công ty cấp nước áp dụng hệ thống phát hiện rò rỉ nước cải tiến, bên cạnh việc cải thiện mạng lưới đường ống dẫn nước cho người tiêu dùng cuối.

Bên cạnh đó, chuyên gia từ SSI cũng dự báo giá bán nước sạch bình quân sẽ tăng khoảng 3-5% tùy theo tỉnh, thành phố; trong đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có khả năng tăng giá bán lẻ bình quân 5% và Bình Định có khả năng tăng giá bán bình quân 3% trong năm 2023.

Những khu vực khác như Bình Dương, Hải Phòng và Đồng Nai có khả năng sẽ không tăng giá bán lẻ bình quân trong năm 2023. SSI cho rằng giá nước cho các khách hàng công nghiệp sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu ngày càng tăng của các các khách hàng trong khu công nghiệp, đặc biệt các nhà đầu tư FDI.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đánh giá rằng, nhu cầu nước công nghiệp của Bình Dương sẽ cải thiện nhờ mảng sản xuất công nghiệp phát triển nhanh chóng khi các khu công nghiệp mới được đưa vào hoạt động giai đoạn 2022-2025.

Hai khu công nghiệp mới là Khu công nghiệp VSIP III tại huyện Tân Uyên với diện tích 1.000ha và Khu công nghiệp Cây Trường với diện tích 1.000ha tại huyện Bàu Bàng.

Đặc biệt, Bình Dương hiện nằm trong Top đầu tỉnh, thành về thu hút vốn FDI đăng ký mới trong nhiều năm qua và có quỹ đất khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Theo VSCS, sự tăng trưởng này sẽ dẫn đến tiêu thụ nước tăng lên. Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương và Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương là 2 doanh nghiệp nước tại Bình Dương được chú ý đến nhờ sự ổn định về thị giá và triển vọng tăng trưởng lâu bền.

Hiện nay, tỷ lệ thất thoát nước ít hơn và hiệu suất vận hành các doanh nghiệp ngành nước được nâng cao. Tỷ lệ thất thoát nước trung bình ở Việt Nam là 17,5% vào năm 2022, giảm từ 18,7% vào năm 2021. Chuyên gia từ SSI ước tính tỷ lệ thất thoát nước giảm 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện 1,1%.

Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2022, Việt Nam có 750 nhà máy nước sạch ở khu vực đô thị và nông thôn đi vào hoạt động, với tổng công suất 11,2 triệu m3/ngày. Quy hoạch các nhà máy nước được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư 01/2021/TT-Bộ Xây dựng, phù hợp với quy hoạch của từng địa phương; trong đó, các công ty tư nhân được phép tham gia. Trong khi đó, hệ thống phân phối được quản lý bởi công ty cấp thoát nước và môi trường tỉnh.

Năm 2022, nhu cầu sử dụng nước hộ gia đình tăng 5% so với cùng kỳ. Tiêu thụ nước hộ gia đình (chiếm 71% tổng nhu cầu nước sạch) tăng 5% so với cùng kỳ ở khu vực nông thôn và khoảng 3-4% so với cùng kỳ ở khu vực thành thị.

Trong năm 2022, mức tiêu thụ nước trung bình tăng 3-6% so với cùng kỳ do tốc độ đô thị hóa tăng lên.

Cũng trong năm 2022, nhu cầu sử dụng nước công nghiệp tăng 5-8% so với cùng kỳ. Nhu cầu tiêu thụ nước công nghiệp (chiếm 18% tổng nhu cầu nước) tăng trưởng trở lại sau COVID-19. Cụ thể, lượng nước tiêu thụ tại Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang (các cụm khu công nghiệp) tăng lần lượt 6%, 7%, 5% và 8% so với cùng kỳ trong năm 2021.

Giá bán nước bình quân (ASP) năm 2022 cũng tăng 3% so với cùng kỳ. Giá nước trên thị trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Cụ thể, giá bán nước bình quân tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương tăng 5% so với cùng kỳ trong năm 2022. Ngược lại, Hà Nội và Hải Phòng, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu không tăng giá trong năm 2021.

Chuyên gia từ SSI cho rằng doanh nghiệp cấp thoát nước tăng trưởng mạnh còn nhờ mua bán sáp nhập (M&A). Nhu cầu tiêu thụ nước tăng trưởng ổn định ở mức từ 5-8% so với cùng kỳ hằng năm, nhưng các công ty có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong ngành có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành thông qua M&A.

Trong năm 2022, DNP tiếp tục mở rộng các nhà máy nước trên địa bàn với kỳ vọng dòng tiền ổn định khi đi vào hoạt động. Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán: REE) duy trì đầu tư vào các nhà máy nước tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nhu cầu dồi dào, mức tiêu thụ cao và hoạt động ổn định.

Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương mua lại công ty cổ phần Cấp nước Cần Thơ với kỳ vọng mở rộng mạng lưới cấp nước liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long và công ty cũng mua lại Nhà máy nước Gia Tân để mở rộng mạng lưới cấp nước tới vùng sâu, vùng xa của Đồng Nai, lấy nguồn nước từ sông Đồng Nai.

Về mặt chính sách, Luật Tài nguyên nước và Môi trường sẽ được thông qua vào năm 2023; trong đó, quy định rõ nguồn nước có thể khai thác và chi phí thuế tài nguyên môi trường sẽ được tính theo sản lượng khai thác thay vì theo công suất. Do đó, dự báo các công ty cấp nước sẽ ghi nhận mức phí cao hơn.

Chi phí nguyên vật liệu chiếm 30 đến xấp xỉ 35% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp nước. Hóa chất chiếm 21% chi phí nguyên vật liệu. Ngoài ra, thuế tài nguyên tại các tỉnh dao động trong khoảng 48 đến 50 VND/m3 vào năm 2023. SSI dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm 0,2 đến 0,4% do chi phí nguyên vật liệu và thuế tài nguyên nước tăng.

Thực tế nhờ tăng trưởng kinh doanh ổn định nên trong bối cảnh cổ phiếu nhiều ngành giảm sâu trong năm 2022, cổ phiếu doanh nghiệp cấp thoát nước vẫn ngược chiều thị trường để tăng giá.

Cổ phiếu ngành cấp thoát nước tăng 7% trong năm 2022, vượt trội 39% so với VN-Index nhờ lợi nhuận tăng mạnh. Những cổ phiếu ghi nhận diễn biến tích cực nhất bao gồm LAW tăng 173%; BDW tăng 48,9% so với đầu năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục