Theo bài viết đăng trên báo The Straits Times số ra gần đây, đã hơn một năm kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu quan hệ giữa Mỹ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tốt hơn không. Nội dung bài viết như sau:
Sau một thời gian không được quan tâm nhiều dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, việc Washington dưới thời Tổng thống Joe Biden quay trở lại quá trình hoạch định chính sách đối ngoại thông thường là một sự thay đổi đáng hoan nghênh đối với nhiều nhà hoạch định chính sách ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đã có những lo lắng xen lẫn với dự đoán về những gì mà chính quyền mới ở Mỹ mang đến cho khu vực này.
Các nhà bình luận thường mô tả những lo lắng hiện hữu này như một cách thức phản ứng của khu vực đối với các chính sách của Mỹ, vốn có xu hướng dao động giữa sự thờ ơ và can dự. Quả thực, việc tìm ra một nơi mà tất cả các yếu tố can dự của Mỹ kết hợp để tạo ra một “bản giao hưởng” phù hợp vẫn là việc đang tiến hành.
Những trở ngại trong quan hệ ASEAN-Mỹ-Trung
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2021, rõ ràng Trung Quốc đã trở thành mối bận tâm chính trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden. Tổng thống Biden thừa hưởng một mối quan hệ đầy biến động với Trung Quốc mà ông đã không vội vàng sửa chữa.
Với mong muốn thể hiện sức mạnh và quyết tâm, người đứng đầu mới của Nhà Trắng có ý định duy trì “nhịp trống” ổn định nhằm gây sức ép đối với Trung Quốc.
Tất nhiên, đã có một số sự cải thiện thông qua những nỗ lực nối lại sự can dự ngoại giao, trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra dưới hình thức trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời tìm kiếm một cách thận trọng những lĩnh vực hợp tác tiềm tàng như vấn đề biến đổi khí hậu.
[Ngoại trưởng Mỹ sắp công du Đông Nam Á, thúc đẩy hợp tác với ASEAN]
Tuy nhiên, nhìn chung mối quan hệ giữa hai bên vẫn còn trắc trở trong một loạt vấn đề. Washington tiếp tục có hành vi làm bẽ mặt Trung Quốc, cũng như những nỗ lực nhằm phân chia các chuỗi cung ứng.
Các lợi ích thương mại của Trung Quốc đã phải chịu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Căng thẳng thậm chí lan sang cả lĩnh vực thể thao khi Mỹ tuyên bố tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh. Nói cách khác, bất kỳ hy vọng nào rằng Chính quyền Biden sẽ rút lại cách tiếp cận “diều hâu” với Trung Quốc là điều mơ tưởng.
Trong khi đó, Đông Nam Á vẫn ở bên lề hoạt động của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong những tháng đầu ông Biden làm Tổng thống, song sự can dự của Mỹ đã tăng tốc kể từ giữa năm 2021, với hàng loạt chuyến thăm của các quan chức cấp cao.
Đỉnh điểm là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ vào cuối tháng 10/2021, trong đó đích thân Tổng thống Biden dẫn đầu phái đoàn của Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh này có ý nghĩa quan trọng vì ba lý do. Thứ nhất, Hội nghị chứng kiến việc công bố gói hỗ trợ 100 triệu USD cho các nỗ lực nhằm mở rộng hợp tác với ASEAN.
Thứ hai, Hội nghị đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Biden tham gia một sự kiện khu vực với tư cách là Tổng thống. Thứ ba, đây cũng là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN kể từ năm 2017.
Washington cũng đã đạt được tiến bộ với các đối tác Đông Nam Á trên một số lĩnh vực khác. Ở Singapore, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã xác định biến đổi khí hậu, an ninh mạng và an ninh y tế là những ưu tiên trong các nỗ lực của Mỹ ở Đông Nam Á.
Sau bốn năm bị bỏ trống, vị trí đại sứ Mỹ tại Singapore cuối cùng đã được chỉ định với sự xuất hiện của ông Jonathan Kaplan vào tháng 12/2021. Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell đã thúc đẩy Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN do Tổng thống Biden chủ trì tại Washington.
Theo Thời báo Hoàn Cầu - ấn bản của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 17/2, một cuộc khảo sát mới được công bố về nhận thức đối với Trung Quốc và Mỹ ở các quốc gia Đông Nam Á cho thấy sự xuất hiện thường xuyên của chính quyền ông Biden ở khu vực này dường như đã "được đền đáp", với mức tăng 10,4 điểm phần trăm ở những nước coi đây là lực lượng dẫn dắt trong thương mại tự do.
Theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ngày 16/2, niềm tin ở Đông Nam Á đối với vai trò dẫn dắt của Mỹ trong thương mại tự do toàn cầu đã tăng từ 19,7% năm ngoái lên 30,1%.
Mặc dù Trung Quốc vẫn là "cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất", nhưng báo cáo về cuộc khảo sát lưu ý rằng Mỹ đã giành được vị trí quan trọng trong năm ngoái từ những người được hỏi ở hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, các hành động của Mỹ trong khu vực đã được chào đón với thái độ nước đôi. Mặc dù các quan chức Mỹ luôn lưu ý việc không thể hiện ấn tượng rằng Washington muốn Đông Nam Á chọn bên trong cuộc cạnh tranh đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, song một số chính quyền vẫn còn tồn tại cảm giác họ chủ yếu được nhìn nhận thông qua lăng kính chính sách của Trung Quốc.
Điều đó để nói rằng mặc dù các quốc gia Đông Nam Á có thể muốn nêu bật giá trị thực chất của chính họ (dù một cách cá nhân hay tập thể với tư cách ASEAN), họ cũng nhận thức được thực tế là trong môi trường hiện nay, một cách thức có hiệu quả hơn để khiến Washington ngồi lại và lắng nghe là lập thành khối tam giác, trong đó có Trung Quốc.
Ở những nơi khác, các học giả đã lưu ý thời lượng nói về Nhóm Bộ tứ (Đối thoại an ninh bốn bên gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong bài phát biểu của các quan chức Mỹ nhiều hơn như thế nào khi so sánh với ASEAN, mặc dù công bằng mà nói điều này khó mà thay đổi vì đây là những “hòn đá tảng” trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington.
Trong khi đó, việc “bỏ sót” các nước quan trọng của khu vực như Indonesia và Thái Lan, chưa nói gì đến Brunei - nước Chủ tịch ASEAN năm 2021, trong lịch trình của Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Phó Tổng thống Harris đã vấp phải sự chỉ trích ở các nước này.
Việc công bố thỏa thuận an ninh AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ vào tháng 9/2021 đã thúc đẩy các cuộc thảo luận mạnh mẽ trong nội bộ Đông Nam Á. Malaysia và Indonesia tỏ ra kém nhiệt tình nhất, và có quan điểm cho rằng Mỹ đã “chơi quá tay.” Các quốc gia khác trong khu vực dễ tiếp nhận hơn đối với thỏa thuận an ninh mới này, mặc dù với những mức độ thận trọng khác nhau.
Trong khi đó, Trung Quốc và ASEAN đã phát triển thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, hội nhập kinh tế trong khu vực đã đạt được một cột mốc mới.
Ngoài quan hệ đối tác thương mại tốt đẹp như vậy, hợp tác giữa hai bên đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh tế, từ mạng 5G đến năng lượng xanh và tài chính.
Tuy nhiên, ngay cả trong khu vực thương mại tự do này, nơi có ý kiến cho rằng Mỹ đang lấy lại lòng tin của các quốc gia Đông Nam Á, thì sự thật có thể nói lên một câu chuyện khác. Mỹ không chỉ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và gây ra một cuộc chiến thương mại liều lĩnh với Trung Quốc.
Tất cả những điều này không phù hợp với lợi ích thiết yếu của các thành viên ASEAN và rõ ràng xu hướng châu Á trở thành trung tâm kinh tế của thế giới sẽ không bị đảo ngược bởi các động thái chính trị của Washington và triển vọng hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ vẫn đầy hứa hẹn.
Những sự phát triển gây gián đoạn
Thực tế, việc chính quyền Tổng thống Biden tăng cường hoạt động ở khu vực Đông Nam Á sau sự khởi đầu chậm chạp chắc chắn được hoan nghênh trong khu vực. Tuy nhiên, trong tương lai có một số yếu tố nên được tạm dừng vì chúng có khả năng phá vỡ xu hướng này.
Có thể lập luận điều rõ ràng nhất là việc tiếp tục thiếu vắng một trụ cột kinh tế mạnh mẽ để hỗ trợ chiến lược can dự toàn diện của Mỹ - vấn đề thường được các bạn bè và đối tác trong khu vực bày tỏ với giới lãnh đạo Mỹ.
Kể từ khi rút khỏi TPP, sự im lặng và vắng mặt của Washington trong chương trình nghị sự thương mại của khu vực năng động và ngày càng phát triển này đã trở thành một mắt xích yếu trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Ngoài ra, cũng cần nhắc đến câu chuyện phổ biến trong giới chuyên gia tư vấn Mỹ, vốn ủng hộ sự cần thiết của việc đưa ra một chương trình nghị sự thương mại rõ ràng trên cơ sở chống lại sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và ảnh hưởng mà sức mạnh này đem lại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong các vấn đề khu vực.
Mặc dù là một sự cân nhắc hợp lý, song việc xem xét tham gia thương mại khu vực chỉ thông qua lăng kính cạnh tranh với Trung Quốc sẽ là thiển cận. Những lợi ích của Mỹ sẽ được đáp ứng tốt nhất khi Washington nhận ra rằng Mỹ không chỉ chống lại Trung Quốc, mà còn phải đóng vai trò lãnh đạo trong việc xác định tương lai của kết nối thương mại và kinh tế kỹ thuật số ở một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới này.
Nói cách khác, đó là về việc đóng vai trò mang tính công cụ như một nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới để giải phóng toàn bộ tiềm năng của khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5 theo cách thức đem lại lợi ích cho người dân ở cả Mỹ lẫn khu vực Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu đó, các cuộc thảo luận đang diễn ra ở Washington về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khả thi là điều đáng khích lệ.
Những chia rẽ sâu sắc
Chính quyền Tổng thống Biden đang theo đuổi những lợi ích của Mỹ ở nước ngoài trong bối cảnh có những chia rẽ sâu sắc ở trong nước và cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Đối mặt với sự gia tăng trở lại số ca mắc COVID-19, sự sụt giảm về tỷ lệ ủng hộ và cái giống như một cuộc nổi loạn nhỏ của một số nhân vật bảo thủ thuộc đảng Dân chủ tại Thượng viện, vị trí của Tổng thống Biden và đảng của ông khó mà không lung lay. Với bằng chứng hiện tại thì quyền kiểm soát của họ đối với cơ quan lập pháp này cũng đang gặp nguy hiểm.
Mặc dù vẫn chưa rõ chính xác chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ bị tác động như thế nào nếu đảng đương nhiệm hiện nay hoạt động kém hiệu quả, nhưng có lý do để tin rằng những khúc mắc chính trị sắp tới chắc chắn sẽ làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trong nước, và điều này có nguy cơ phá hoại chính sách thương mại và kinh tế của Mỹ.
Tổng thống Biden sẽ phải tập trung sức lực và sự chú ý đáng kể vào mặt trận đối nội trong những tháng tới và hơn thế nữa nếu một số kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ gây tranh cãi đặc biệt trong trường hợp khoảng cách giữa hai bên rất sít sao. Điều này sẽ làm suy yếu hơn nữa khả năng nắm bắt của ông Biden đối với các đòn bẩy quyền lực của cơ quan lập pháp.
Cuối cùng, đó là vấn đề các ưu tiên chính sách đối ngoại đang cạnh tranh nhau. Là một nước lớn, Mỹ có những lợi ích mang tính toàn cầu theo định nghĩa và bản chất sâu rộng. Với nguồn lực có hạn, mức độ quan tâm đối với bất kỳ khu vực hay vấn đề nào cuối cùng có thể được dự đoán theo vai trò trung tâm của nó trong những tính toán địa chính trị và địa kinh tế ở Washington.
Tại bất kỳ thời điểm nào, yêu cầu đòi hỏi Nhà Trắng phải cân bằng một loạt vấn đề cấp bách về chính sách đối ngoại đang cần sự quan tâm của Mỹ sẽ là rất cao. Hiện tại, lo ngại về hành động phiêu lưu của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine và những nỗ lực đang diễn ra nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran là lời nhắc nhở nghiêm túc cho điều này.
Khi nhiệm kỳ của Tổng thống Biden bước sang năm thứ hai, chúng ta nhớ lại câu chuyện cổ tích kinh điển của Anh đem lại một sự thảo luận biện chứng về việc tìm kiếm điều kiện tối ưu. Các phương pháp tiếp cận của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á hiện nay là tiếp tục tìm kiếm điểm cân bằng, vừa có thể xoa dịu những lo lắng bị bỏ rơi của khu vực vừa can dự.
Thách thức đối với Mỹ và đối với Đông Nam Á là thực tế khô khan rằng chính quyền ông Biden sẽ phải làm như vậy trong khi đang phải đối mặt với một loạt vấn đề gây xao lãng và làm chệch hướng./.