Triển vọng quan hệ Ấn Độ và ASEAN: 30 năm sau chính sách hướng Đông

Trong mối quan hệ Ấn Độ-ASEAN, Ấn Độ là bên chủ động, quan hệ hai bên cũng liên tục thay đổi do sự điều chỉnh chính sách của Ấn Độ. Năm 2021 là tròn 30 năm Ấn Độ ban hành chính sách “hướng Đông".
Triển vọng quan hệ Ấn Độ và ASEAN: 30 năm sau chính sách hướng Đông ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: cis.org.vn)

Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Ấn Độ đưa ra chính sách “hướng Đông,” quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt được tiến triển rõ nét.

Đến khi khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nổi lên, Ấn Độ luôn tuyên bố “duy trì vai trò trung tâm khu vực của ASEAN,” trong khi Chính quyền của Tổng thống Joe Biden lại nhấn mạnh khôi phục quan hệ đồng minh với Đông Nam Á, thúc đẩy “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phát triển mở rộng sang ASEAN.”

Liệu chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” có thể thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-ASEAN tiếp tục phát triển?

Thành tựu phát triển quan hệ Ấn Độ và ASEAN

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN không được suôn sẻ. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991, những trở ngại mang tính kết giữa hai bên dần được xóa bỏ.

Sau khi Liên Xô tan rã, “Hiệp ước hợp tác hòa bình hữu nghị Ấn-Xô” mang tính chất bán đồng minh quân sự tự động mất hiệu lực, Ấn Độ và ASEAN trước đây vốn thuộc hai phe, không còn đối đầu, quay trở lại thuộc tính địa lý láng giềng, bắt đầu tự do triển khai quan hệ đối ngoại dựa trên lợi ích quốc gia.

Về chiến lược kinh tế đối ngoại, Ấn Độ xem ASEAN là con đường để hội nhập vào nền kinh tế châu Á và toàn cầu.

[Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong năm 2020 và những triển vọng tương lai]

Đầu thập niên 1990, Ấn Độ xảy ra khủng hoảng “thâm hụt kép,” nền kinh tế đứng bên bờ vực sụp đổ.

Chính quyền của cựu Thủ tướng Narasimha Rao buộc phải khởi động cải cách kinh tế tự do hóa, thị trường hóa, toàn cầu hóa, thay đổi tư duy phát triển kinh tế đóng cửa bảo thủ, tự lực cánh sinh trước đây.

Những nỗ lực này giúp Ấn Độ chuyển từ nền kinh tế hướng nội gò bó sang nền kinh tế hướng ngoại phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong bối cảnh đó, việc mở cửa về hướng nào, mở cửa ra sao trở thành vấn đề khó khăn đầu tiên cần phải giải quyết của New Delhi.

Chính phủ Ấn Độ nhận thức được rằng các nước ASEAN có tốc độ tăng trưởng cao có thể trở thành bàn đạp để Ấn Độ hội nhập vào vòng tròn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và thị trường thế giới.

Năm 1991, Ấn Độ ban hành chính sách “hướng Đông,” nhấn mạnh mối quan hệ với các nước ASEAN, đặc biệt là trao đổi kinh tế thương mại.

Dưới góc độ quan hệ quốc tế, ASEAN trở thành kênh quan trọng để Ấn Độ cải thiện quan hệ với các nước láng giềng và châu Á, cũng như Mỹ.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ấn Độ mất đi sự “bao bọc” của Liên Xô và rơi vào tình cảnh khó khăn trong trật tự quốc tế mới.

New Delhi đã tìm cách cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, châu Á và Mỹ. ASEAN trở thành kênh quan trọng để Ấn Độ thực hiện mục tiêu này.

Nguyên nhân là các nước ASEAN vốn là láng giềng của Ấn Độ, một số nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Độ giáo.

Trong phong trào không liên kết sau chiến tranh, các nước như Indonesia và Ấn Độ lại là đối tác quan trọng của nhau, nên có điều kiện địa lý và cơ sở văn hóa lịch sử để cải thiện quan hệ.

Bên cạnh đó, sau những năm 1990, bước đi hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu diễn ra nhanh, ASEAN phát triển thành tổ chức hội nhập khu vực tiêu biểu nhất của châu Á-Thái Bình Dương.

Năm 1992, ASEAN bắt đầu thúc đẩy xây dựng khu vực thương mại tự do, năm 1995 và 1997 lần lượt thu hút Việt Nam và Myanmar, Campuchia và Lào gia nhập, đi đầu châu Á trong việc xây dựng hội nhập. Ấn Độ mong muốn tham gia vào tiến trình này để đóng vai trò quan trọng hơn ở châu Á.

Mặt khác, Ấn Độ cũng kỳ vọng tăng cường tương tác an ninh và kinh tế với Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, thông qua đẩy mạnh liên kết với ASEAN để thúc đẩy xoa dịu quan hệ với Mỹ.

Vì vậy, cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã mô tả chính sách hướng Đông không chỉ là một chính sách kinh tế đối ngoại, mà nó còn là một sự thay đổi định vị chiến lược của Ấn Độ trong bối cảnh triển vọng thế giới và kinh tế toàn cầu không ngừng biến động.

Trong điều kiện lịch sử và định hướng chính sách mới, quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN đạt được tiến triển nhanh chóng. Năm 1992, Ấn Độ trở thành “đối tác đối thoại bộ phận” của ASEAN, năm 1995 nâng cấp lên thành “đối tác đối thoại toàn diện.”

Năm 2002, Ấn Độ trở thành “đối tác hợp tác cấp nguyên thủ” của ASEAN. Năm 2003, Ấn Độ và ASEAN ký “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á” tại hội nghị thượng đỉnh Bali, đưa ra khung hợp tác kinh tế toàn diện.

Năm 2005, Hội nghị cấp cao Đông Á lần đầu tiên tổ chức và Ấn Độ là một trong những quốc gia thành viên sáng lập.

Tháng 12/2012, quan hệ Ấn Độ-ASEAN được nâng cấp thành “quan hệ đối tác chiến lược.”

Năm 2014, tại hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN lần thứ 12, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố điều chỉnh chính sách “hướng Đông” thành “hành động phía Đông”, dành ưu tiên cao nhất cho quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-ASEAN.

Sau khi khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” nổi lên, Ấn Độ công khai nhấn mạnh địa vị trung tâm của ASEAN ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ sẽ phát huy vai trò mang tính quyết định ở khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Trong khi đó, ASEAN lại xuất phát từ nhu cầu duy trì cân bằng nước nước, hoan nghênh Ấn Độ tiến vào Đông Nam Á để duy trì cân bằng chiến lược giữa hai trục Đông-Tây.

Lĩnh vực hợp tác không ngừng mở rộng

Trong thời kỳ đầu của chính sách “hướng Đông,” hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN nghiêng về trao đổi kinh tế thương mại và đầu tư, đặc biệt Ấn Độ coi việc “đáp trên chuyến tàu cao tốc Đông Á” là con đường tắt để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, hội nhập vào làn sóng toàn cầu hóa.

Dưới định hướng này, Ấn Độ đã tập trung triển khai ngoại giao kinh tế với các nước ASEAN, đặc biệt là những nước thành viên có trình độ phát triển kinh tế tương đối cao.

Cựu Thủ tướng Narasimha Rao nhiều lần đến thăm các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia…

Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Tổng thống Indonesia Muhammad Suharto… lần lượt thăm Ấn Độ, và ký thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch song phương.

Ấn Độ và ASEAN cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại, đồng thời thành lập ủy ban hỗn hợp về hợp tác, phụ trách điều phối hoạt động kinh tế thương mại và đầu tư.

Bước vào thế kỷ XXI, hợp tác kinh tế thương mại Ấn Độ-ASEAN đạt được những thành tựu rõ ràng.

Tháng 8/2009, Ấn Độ và ASEAN ký Hiệp định thương mại tự do hàng hóa Ấn Độ-ASEAN (AITIGA), hai bên quyết định giảm 4/5 thuế quan hàng hóa thương mại.

Ấn Độ cũng trở thành quốc gia thứ tư thiết lập cơ chế thương mại tự do với ASEAN tiếp sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Năm 2014, Ấn Độ và ASEAN ký thỏa thuận thương mại tự do trên lĩnh vực đầu tư và thương mại hàng hóa. Ngoài ra, Ấn Độ còn lần lượt ký Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện với Singapore, Malaysia.

Mặt khác, quan hệ kinh tế thương mại Ấn Độ-ASEAN đã đạt được bước tiến dài.

Trong giai đoạn 1993-2008, kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ và ASEAN tăng khoảng 10 lần. Tỷ trọng thương mại với ASEAN trong số các đối tác của Ấn Độ tăng từ 0,7% năm 1993 lên 2,8% năm 2008.

Tháng 1/2010, khu thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN (IAFTA) chính thức được thành lập. Kể từ năm 2012, Ấn Độ tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Năm 2003, Ngoại trưởng Ấn Độ lúc đó là Yashwant Sinha tuyên bố chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ bước vào giai đoạn hai.

Lĩnh vực hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN được mở rộng hơn từ kinh tế thương mại sang kinh tế và an ninh, bao gồm bảo vệ tự do hàng hải, hợp tác chống khủng bố…

Trong thời kỳ này, tầm nhìn “hướng Đông” của Ấn Độ bắt đầu mở dần từ ASEAN sang toàn bộ Đông Á, tham gia tiến trình hội nhập khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng tâm thế linh hoạt hơn.

Hoàn thiện cơ chế hợp tác có chiều sâu

Quá trình xây dựng cơ chế hợp tác Ấn Độ-ASEAN được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, Ấn Độ tích cực tham gia vào hệ thống cơ chế đa phương châu Á-Thái Bình Dương do ASEAN xây dựng, bao gồm cơ chế hội nghị cao cấp thường niên xác lập với ASEAN năm 2002, trở thành đối tác đối thoại “10+1” thứ 4 của ASEAN song hành với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Năm 2003, Ấn Độ tham gia “Hiệp ước hợp tác thân thiện Đông Nam Á”, đồng thời là thành viên sáng lập tham gia các cơ chế như Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng… Thông qua những động thái này, Ấn Độ tìm được chỗ đứng trong khuôn khổ đa phương châu Á-Thái Bình Dương do ASEAN chủ đạo.

Giai đoạn thứ hai là sau khi ông Modi lên cầm quyền vào năm 2014, Ấn Độ bắt đầu khẩn trương xây dựng cơ chế đa phương Ấn Độ Dương lấy mình làm trung tâm.

Tháng 3/2015, Chính quyền của ông Narendra Modi đưa ra sáng kiến “SAGAR,” khởi xướng liên kết khu vực, nhấn mạnh cần “phát huy vai trò chủ đạo trong các vấn đề an ninh ở Ấn Độ Dương."

Ấn Độ cũng tăng cường đầu tư vào Sáng kiến Hợp tác kinh tế, kỹ thuật đa lĩnh vực Vịnh Bengal (BIMSTEC), đẩy mạnh xây dựng cơ chế sáng kiến này, mở rộng lĩnh vực hợp tác của các nước thành viên, chuyển nó từ một sáng kiến hợp tác kinh tế thương mại khu vực lỏng lẻo thành cơ chế hợp tác đa dạng bao trùm kinh tế thương mại, an ninh, giao lưu văn hóa…

Bên cạnh đó, Ấn Độ là nước sáng lập quan trọng của Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA), tích cực tham gia sắp xếp chương trình nghị sự của hiệp hội, có ý định hình vai trò chủ đạo của mình đối với IORA, mở rộng sức ảnh hưởng đối với khu vực Ấn Độ Dương.

Ở phương diện kết nối khu vực, Ấn Độ còn cùng Nhật Bản đưa ra “Hành lang tăng trưởng Á-Phi” (AAGC), khai thác lợi thế hỗ trợ lẫn nhau của hai nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và kết nối cơ sở hạ tầng của các nước Á-Phi thuộc IORA, tìm cách xây dựng hành lang sản xuất công nghiệp và mạng lưới kinh tế kết nối Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á đến châu Phi.

Cùng với sự trỗi dậy của khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, việc xây dựng cơ chế hợp tác Ấn Độ-ASEAN bước vào giai đoạn thứ ba, việc kết nối các cơ chế tiểu khu vực do hai bên chủ đạo bắt đầu được đưa vào chương trình nghị sự.

“Triển vọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN” (văn kiện mang tính cương lĩnh về tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” do ASEAN công bố vào tháng 6/2019) nhấn mạnh, cần thúc đẩy sự hợp tác hài hòa giữa các cơ chế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Hội nghị cấp cao Đông Á với OIRA, BIMSTEC, xây dựng cấu trúc khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mang tính bao trùm.

Cùng với sự phổ biến của khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” tiến độ kết nối của hai cơ chế tiểu khu vực lớn dự báo sẽ được đẩy nhanh.

Những vấn đề tồn tại trong quan hệ Ấn Độ-ASEAN

ASEAN là trọng tâm “hành động phía Đông sang châu Á-Thái Bình Dương” của Ấn Độ. New Delhi từng kỳ vọng thông qua Đông Nam Á để bước vào vòng tròn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, từ đó hội nhập vào thị trường thế giới.

Tuy nhiên, 10 năm qua, tiến triển hợp tác kinh tế thương mại Ấn Độ-ASEAN chưa đủ lớn, động lực phát triển sâu sắc quan hệ còn yếu, nên chiến lược này khó nói là thành công.

Thứ nhất, xét về quy mô kinh tế thương mại, tổng lượng thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN khá nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm.

Xét về chiều ngang, kim ngạch thương mại hàng hóa năm 2011 giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 74,23 tỷ USD, chiếm khoảng 3% tổng hàng hóa ngoại thương của ASEAN.

Đến năm 2019, kim ngạch thương mại Ấn Độ-ASEAN là 77,1 tỷ USD, nhưng tỷ trọng trong tổng hàng hóa ngoại thương của ASEAN giảm xuống 0,27%, chưa bằng 1/6 tổng thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và ASEAN.

Xét về chiều dọc, tổng thương mại hàng hóa giữa Ấn Độ và ASEAN trong giai đoạn 2011-2019 chỉ tăng 2,87 tỷ USD, dường như không đáng kể.

Nếu thống kê cả thương mại dịch vụ, theo số liệu của Bộ Công thương Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ-ASEAN năm tài chính 2013-2014 đạt 74,41 tỷ USD, đến năm tài chính 2018-2019 tăng lên 86,92 tỷ USD, cách mục tiêu “kim ngạch thương mại đạt 200 tỷ USD vào năm 2022 mà Ấn Độ và ASEAN đặt ra trước đó rất xa.

Triển vọng quan hệ Ấn Độ và ASEAN: 30 năm sau chính sách hướng Đông ảnh 2(Nguồn: india-briefing.com)

Thứ hai, Ấn Độ tự cho mình “thiệt thòi” trong hiệp định thương mại tự do với ASEAN. Mặc dù tổng kim ngạch thương mại hàng hóa song phương tương đối cố định, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ sang ASEAN luôn ít hơn nhập khẩu, thâm hụt thương mại cao, hơn nữa thể hiện xu thế ngày càng tăng.

Theo số liệu của Bộ Công thương Ấn Độ, năm tài chính 2013-2014, thâm hụt thương mại của Ấn Độ đối với ASEAN là 8,14 tỷ USD, đến năm tài chính 2019-2020, con số thâm hụt này tăng vọt lên 23,82 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng nhập siêu cao hơn tốc độ tăng trưởng thương mại.

Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi rất không hài lòng với thực tế này.

Cuối tháng 8/2020, Ấn Độ và ASEAN tổ chức hội nghị Bộ trưởng kinh tế thương mại thường kỳ, Ấn Độ đề nghị ASEAN “lập tức thẩm tra hiệp định thương mại tự do hàng hóa song phương,” tránh để hàng hóa ASEAN tấn công ngành sản xuất công nghiệp trong nước.

Thứ ba, việc kết nối giữa Ấn Độ và ASEAN được thúc đẩy chậm chạp. Về vấn đề thúc đẩy kết nối khu vực, Ấn Độ là bên chủ động, đã lần lượt đưa ra các sáng kiến kết nối khu vực như “Kế hoạch gió mùa,” sáng kiến SAGAR…, chủ trương thúc đẩy kết nối bốn nước Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ và Nepal (BBIN) và sáng kiến hợp tác kinh tế kỹ thuật đa lĩnh vực Vịnh Bengal, đồng thời chủ đạo xây dựng các dự án đường cao tốc 3 nước Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan, dự án giao thông đa phương thức Kalada.

Tháng 12/2017, Ấn Độ và ASEAN tổ chức hội nghị thượng đỉnh kết nối lần thứ nhất với chủ đề “Tăng cường kết nối kỹ thuật số và vật lý của châu Á trong thế kỷ XXI,” tập trung thảo luận hợp tác song phương trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đường bộ, vận tải biển, kỹ thuật số, tài chính, năng lượng và ngành hàng không.

Tuy nhiên, năng lực tài chính của Ấn Độ hạn chế, hơn nữa thủ tục xây dựng xuyên quốc gia rất phức tạp, năng lực thực thi của các bên liên quan không đủ, luôn bị chỉ trích mắc chứng “nói nhiều làm ít,” sáng kiến nhiều hơn đầu tư, tham vọng lớn hơn năng lực.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế Ấn Độ bị tác động nặng nề, GDP năm 2020 giảm 7,7%, nợ chính phủ tăng cao, nợ công năm tài chính 2020-2021 chiếm gần 90% tỷ trọng GDP, ngân sách để ứng phó với các vấn đề như phòng chống dịch trong nước, và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Nền kinh tế trong nước đình trệ nên không thể dự đoán về việc hỗ trợ các dự án ở nước ngoài.

Trong ngắn hạn, đa phần các dự án kết nối Ấn Độ-ASEAN vẫn sẽ duy trì trạng thái “bán thành phẩm,” hầu hết các sáng kiến đều bị ngừng lại.

Thứ tư, tư duy phát triển của Ấn Độ và ASEAN khó hòa hợp. ASEAN là đại diện của hội nhập khu vực châu Á, mở cửa là phép màu của tăng trưởng kinh tế ASEAN.

Nội dung của sự mở cửa này bao gồm hai cấp độ lớn đối ngoại và đối nội.

Một mặt, cuối thập niên 80 thế kỷ XX, các nước ASEAN dựa vào ưu thế tài nguyên tự nhiên phong phú và nguồn nhân lực dồi dào giá rẻ, thực hiện chiến lược phát triển loại hình định hướng xuất khẩu, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới, đạt được thành tựu tăng trưởng rực rỡ.

Mặt khác, chính sách mở cửa còn đồng nghĩa với việc thúc đẩy mở cửa thị trường và xây dựng hội nhập trong nội khối ASEAN, cải thiện môi trường thị trường nội khối, không những gia tăng sức hút đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài, mà còn tăng cường động lực thương mại và đầu tư nội khối.

Về phía Ấn Độ, nền kinh tế Ấn Độ phát triển tương đối khép kín. Quan niệm “Swadeshi” (bài trừ hàng ngoại) tự cung tự cấp, tự lực cánh sinh ăn sâu trong tiềm thức người dân Ấn Độ. Trước khi thực hiện cải cách kinh tế tự do hóa vào thập niên 90 thế kỷ XX, Ấn Độ luôn bài xích cao độ đầu tư nước ngoài.

Cùng với việc thúc đẩy cải cách kinh tế vào thập niên 90, Ấn Độ bắt đầu mở cửa hướng ra thế giới.

Tuy nhiên, do Ấn Độ chưa phát triển được hệ thống sản xuất công nghiệp hoàn thiện và vững mạnh nên luôn ở thế yếu trong xuất khẩu đối ngoại.

Cục diện nền kinh tế phụ thuộc nghiêm trọng vào động lực nội nhu không được thay đổi cơ bản, Chính phủ Ấn Độ luôn kiên trì lộ trình mở cửa thị trường có giới hạn, hơn nữa mong muốn mở cửa và mức độ mở cửa sụt giảm rõ nét sau khi đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) lên cầm quyền vào năm 2014.

Từ “hướng Đông” chuyển sang “hướng Tây”?

Sau khi ông Modi lên nắm quyền, khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc kinh tế của xã hội Ấn Độ ngày càng nghiêm trọng, các quan chức cấp cao của chính phủ thường xuyên kêu gọi “không để thị trường trong nước bị hàng hóa nước ngoài xâm chiếm,” luôn nâng vấn đề thâm hụt thương mại lên cấp độ lợi ích quốc gia, không ngừng nâng cao thuế quan và các rào cản thương mại khác.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kể từ khi ông Modi lên cầm quyền vào năm 2014 đến nay, mức thuế quan thực tế của Ấn Độ đã tăng từ 13,5% lên 17,6% vào năm 2019.

Đối với việc đàm phán RCEP do ASEAN chủ đạo, Ấn Độ cho rằng hiệp định này sẽ khiến cho thị trường trong nước “mở toang cánh cửa”, hàng hóa nước ngoài nhanh chóng tràn ngập, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất, người buôn bán nhỏ và nông dân trong nước, không có lợi đối với năng lực tự chủ sản xuất của Ấn Độ nên từ chối tham gia.

Để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, khai thác tối đa thị trường trong nước, Chính quyền của ông Modi đưa ra Sáng kiến ''Make in India'' (tạm dịch: Hãy đến sản xuất tại Ấn Độ), đồng thời nâng cao thuế và rào cản thương mại, bao gồm việc dựng lên hàng rào đối với hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN.

Triển vọng quan hệ Ấn Độ và ASEAN: 30 năm sau chính sách hướng Đông ảnh 3Thủ tướng Narendra Modi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, về phương diện thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài… Ấn Độ và các nước ASEAN tồn tại mối quan hệ cạnh tranh. Ấn Độ và đa phần các nước thành viên ASEAN đều là nước đang phát triển, tăng trưởng kinh tế đối diện với khó khăn thiếu hụt nguồn vốn, do đó đều tìm mọi cách để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, thị trường thương mại thu hẹp, các nước phát triển phương Tây tìm cách kéo dòng vốn đầu tư quay trở lại trong nước, cạnh tranh giữa Ấn Độ và các nước ASEAN liên quan đến đầu tư nước ngoài sẽ gay gắt hơn.

Ngoại giao kinh tế của Ấn Độ đang thể hiện rõ sự chuyển hướng chiến lược từ “hành động phía Đông” sang “nghiêng về phía Tây.”

Tầng lớp hoạch định chính sách Ấn Độ luôn kiên trì theo đuổi tư duy định tính “lợi nhuận tuyệt đối, an ninh tuyệt đối,” và trong chính sách kinh tế cũng không ngoại lệ.

Do giữa Ấn Độ và các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc, ASEAN tồn tại thâm hụt thương mại và có chiều hướng liên tục mở rộng, nên Chính quyền của ông Modi cho rằng những nỗ lực hội nhập vào mạng lưới thương mại châu Á-Thái Bình Dương không phục vụ tốt cho lợi ích của Ấn Độ, trao đổi kinh tế thương mại với các nền kinh tế Trung Quốc, ASEAN không những dẫn đến thâm hụt thương mại lớn của Ấn Độ, mà thậm chí còn tạo nên tình trạng “phi công nghiệp hóa của một số ngành công nghiệp Ấn Độ.”

Có thể thấy Chính quyền của ông Modi đang điều chỉnh phương hướng ngoại giao kinh tế. Một mặt, tháng 11/2019, sau khi trải qua quá trình đàm phán kéo dài 7 năm, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi RCEP, sau đó đưa ra sáng kiến ''Make in India,'' tuyên bố cần phải “tách rời” khỏi nền kinh tế Trung Quốc, dựng lên rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của ASEAN.

Mặt khác, chính quyền Ấn Độ tham gia đàm phán thương mại tự do với các nền kinh tế phát triển phương Tây như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… với tâm thế tích cực chưa từng có, tăng cường thuyết phục phương Tây đầu tư vào Ấn Độ.

Nước này cũng nỗ lực đạt được “Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng” với Nhật Bản, Australia, muốn tích hợp mạng lưới cung ứng song phương và ba bên, nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng khu vực, xây dựng một hệ thống chuỗi cung ứng do các nền kinh tế “cùng chí hướng” tạo nên.

Những chính sách này cho thấy, Chính quyền của ông Narendra Modi đang dần từ bỏ chính sách kinh tế thông qua ASEAN để hội nhập vào kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, hội nhập vào vòng tròn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, chuyển sang dựa nhiều hơn vào định vị quốc gia “có nền kinh tế thị trường hội nhập mạnh mẽ với phương Tây."

Xét từ góc độ của Ấn Độ, muốn củng cố địa vị nước lớn Ấn Độ Dương của mình, thì Ấn Độ cần có sự hỗ trợ của các nước ASEAN. Chính quyền của ông Modi coi trọng hợp tác an ninh chiến lược với các nước “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương,” phối hợp chiến lược và hợp tác quân sự quốc phòng với các nước trọng điểm như Indonesia, Singapore...

Do đó, trong ngắn hạn, Ấn Độ sẽ không từ bỏ lập trường chính sách “lấy ASEAN là trung tâm,” đồng thời có thể chủ động tăng cường quan hệ chiến lược với ASEAN.

Ngay cả khi như vậy, do liên kết kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN thiếu động lực nội sinh, hơn nữa Chính quyền của ông Narendra Modi cho rằng nước này “mất nhiều hơn được” trong hợp tác kinh tế thương mại với ASEAN, nên mong muốn hội nhập hướng Đông vào vòng tròn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của Ấn Độ giảm đáng kể. Động cơ kinh tế, nền tảng truyền thống của quan hệ Ấn Độ-ASEAN, suy yếu nghiêm trọng.

Trong mối quan hệ Ấn Độ-ASEAN, Ấn Độ là bên tương đối chủ động, quan hệ hai bên cũng liên tục thay đổi do sự điều chỉnh chính sách của Ấn Độ. Năm 2021 là tròn 30 năm Ấn Độ ban hành chính sách “hướng Đông.”

Sau 30 năm, Ấn Độ đã không còn là quốc gia chìm trong khủng hoảng kinh tế và bị cô lập trên trường quốc tế, mà trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, đồng thời được đánh giá cao do triển vọng tăng trưởng kinh tế và giá trị địa chiến lược.

Đối với Ấn Độ, giá trị kinh tế chiến lược của ASEAN không ngừng mờ nhạt, và “hành động về phía Đông” cũng không còn chuyển tải tham vọng nước lớn của Ấn Độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục