Triển vọng phục hồi kinh tế Đông Nam Á: Lạc quan nhưng thận trọng

Theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 mà ADB công bố, khu vực Đông Nam Á - với hầu hết các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại - được dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Star)

Trong bối cảnh các nền kinh tế Đông Nam Á đang kỳ vọng vào sự phục hồi tăng trưởng sau đại dịch, khu vực này lại phải đối mặt với những thách thức mới do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra, lạm phát và giá cả hàng hóa tăng.

Theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tháng trước, khu vực Đông Nam Á - với hầu hết các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại - được dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay và 5,2% vào năm 2023.

Các bộ trưởng kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong một tuyên bố chung được đưa ra vào cuối cuộc họp tại Bali (Indonesia) trong hai ngày 17-18/5, cũng bày tỏ sự lạc quan rằng tăng trưởng của khu vực này sẽ duy trì tốt trong năm nay và năm tới, đánh dấu sự trở lại mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, tuyên bố cũng nhấn mạnh ASEAN nhận thức được rằng đà phục hồi và triển vọng tăng trưởng của khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình địa chính trị hiện tại, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu hụt các mặt hàng quan trọng và áp lực lạm phát.

Bên cạnh những dự báo khả quan về sự phục hồi kinh tế, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu, đặc biệt là các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vẫn cần chuẩn bị phương án ứng phó với những tác động của các nguy cơ mới có thể phát sinh từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo Andrea Goldstein, nhà kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giới chức các nước G20 có thể thảo luận để đưa ra các quy tắc và chuẩn mực mới để đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ và giảm bớt ảnh hưởng từ cuộc đối đầu giữa các cường quốc.

Trong thập kỷ qua, G20 đã đóng một vai trò ngày càng lớn trong việc định hướng nền kinh tế toàn cầu, và giờ đây, các nền kinh tế mới nổi lớn của khối này đang dần dành được vị thế dẫn đầu. Indonesia sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 năm nay, tiếp theo là Ấn Độ vào năm 2023 và Brazil vào năm 2024.

Năm nay, với vai trò là Chủ tịch G20, Indonesia đang đặt ra ba vấn đề chính để thảo luận, đó là phát triển cơ sở hạ tầng y tế toàn cầu, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi sang năng lượng xanh. Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng điều phối hàng hải và đầu tư Indonesia, cho biết tại một cuộc họp báo vào ngày 24/5: "Đây là ba mục tiêu chính trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Indonesia, với kỳ vọng các mục tiêu này sẽ dẫn đến sự phục hồi toàn cầu mạnh mẽ và bền vững, trong đó tăng trưởng kinh tế có thể song song với y tế, công nghệ kỹ thuật số và năng lượng xanh."

Ông Goldstein cho rằng G20 cần đưa ra một bộ quy tắc và chuẩn mực mới để chống lại xu hướng phi toàn cầu hóa và thương mại tự do, vốn đang nổi lên ở tất cả các khu vực. Với vị thế Chủ tịch G20 năm nay, Indonesia có thể đóng một vai trò lớn hơn bằng cách lắng nghe mối quan tâm của các nước đang phát triển ở Đông Nam Á.

Ông Goldstein cũng lưu ý trong lĩnh vực năng lượng, quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn và ít sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ cần nhiều biện pháp mạnh mẽ. Indonesia có thể thúc đẩy các cuộc thảo luận toàn cầu về vấn đề này, trong bối cảnh lạm phát và giá năng lượng cao đã gây ra những hậu quả lớn, trong khi an ninh lương thực cao cũng là thách thức chính đối với các quốc gia như Indonesia và nhiều nền kinh tế châu Á khác.

Hy vọng vào sự phục hồi

Bất chấp những chỉ số kinh tế chưa cho thấy xu hướng đồng nhất tại Đông Nam Á, Winfried Wicklein, Phó Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của ADB, chỉ ra rằng tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao trong khu vực và trên toàn cầu đã cho phép các nền kinh tế mở cửa trở lại và sự phục hồi ở các nền kinh tế tiên tiến đã cải thiện nhu cầu đối với hàng xuất khẩu từ khu vực ASEAN và giúp thúc đẩy tăng trưởng.

Sự lạc quan vào triển vọng phục hồi cũng bắt nguồn từ những nỗ lực phối hợp nhằm xây dựng lại một nền kinh tế tốt hơn, xanh hơn và toàn diện hơn.

Ông Wicklein nói Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, về mặt kinh tế, triển vọng phục hồi cần đi kèm với tăng trưởng bao trùm và bền vững.

Theo ông Wicklein, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đang thúc đẩy sự thay đổi mang tính hệ thống trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và cuộc sống hàng ngày của mọi người. Các hệ thống lỗi thời, tốn kém hơn và không hiệu quả đang dần được thay thế.

[Triển vọng phục hồi kinh tế ASEAN: Những thách thức và động lực]

Ông nhận xét: “Chúng tôi kỳ vọng khu vực sẽ phục hồi xanh và toàn diện hơn, nhưng chắc chắn rằng các điều kiện và thực tế hiện nay là vô cùng phức tạp và khiến việc hoạch định chính sách trong khu vực gặp nhiều khó khăn."

Phân tích về những rủi ro đối với khu vực phải đối mặt, nhà kinh tế cấp cao của ADB tại Indonesia Henry Ma cho rằng, sự phục hồi của Đông Nam Á vững chắc, triển vọng tốt nhưng còn nhiều yếu tố không chắc chắn. Yếu tố không chắc chắn đầu tiên đối với các nước Đông Nam Á là các hạn chế biên giới chặt chẽ mà Trung Quốc đang áp dụng để đối phó với làn sóng COVID-19 hiện nay. Gần như chắc chắn là công dân Trung Quốc sẽ không thể đi du lịch nước ngoài trong năm nay.

Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine cùng với các hậu quả kinh tế đi kèm sẽ tiếp tục là rủi ro nghiêm trọng nhất đối với triển vọng kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á. Xung đột đã và đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong khu vực, cụ thể là các mặt hàng như dầu mỏ tăng giá mạnh và gây ra sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Anthony Tan, nhà kinh tế cấp cao tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), chia sẻ thêm rằng việc thiếu du khách Trung Quốc chắc chắn có ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của các nền kinh tế ASEAN phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan, nơi đã đón gần 40 triệu lượt du khách trong năm 2019.

Ông nhận xét du khách Trung Quốc có vai trò lớn thực sự lớn trong ngành du lịch Đông Nam Á, do đó, triển vọng phục hồi mạnh mẽ ở các quốc gia phụ thuộc vào du lịch trong ASEAN khó có thể sáng sủa cho đến khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn biên giới.

Kịch bản dài hạn

Theo chuyên gia Anthony Tan, "vết sẹo" kinh tế - hậu quả lâu dài của cuộc khủng hoảng - trong các lĩnh vực như nguồn cung lao động, tích lũy vốn và năng suất có thể tồn tại rất lâu sau khi một cú sốc lớn như đại dịch COVID-19 xảy ra. Do đó, sự phục hồi sau khủng hoảng có thể không phải lúc nào cũng đủ mạnh để đưa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) về mức trước đại dịch.

Ông Tan nói: "Các vết sẹo sẽ khác nhau ở các nền kinh tế khác nhau. Vì vậy, theo lẽ tự nhiên, chúng ta sẽ thấy một số quốc gia bị ảnh hưởng nhiều hơn những quốc gia khác."

Trong khi đó, ảnh hưởng trên thị trường lao động sẽ được cảm nhận rõ ràng nhất ở các nền kinh tế đang già hóa trong khu vực - khi đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng tỷ lệ sinh giảm - đặc biệt là ở Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Nếu xu hướng này tiếp diễn, vấn đề nhân khẩu học và nguồn cung lao động sẽ phức tạp hơn.

Hơn nữa, tình trạng khan hiếm vốn đang phản ánh qua việc cam kết đầu tư đang giảm xuống. Dòng vốn đầu tư trở nên cạn kiệt sau khi các quốc gia đưa ra những chính sách hỗ trợ kinh tế trong giai đoạn đại dịch và tiêu tốn rất nhiều nguồn lực tài chính vốn có thể được sử dụng cho đầu tư công và cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra tăng trưởng trong tương lai.

Ông Anthony Tan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng công nghệ truyền thông thông tin tiên tiến để hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển của khu vực. Ví dụ, Indonesia, nơi từng là một quốc gia tụt hậu trong lĩnh vực viễn thông nhưng hiện đã cố gắng phát triển nền kinh tế bằng cách đầu tư vào kết nối kỹ thuật số, đặc biệt là di động.

Theo nhà kinh tế Anthony Tan, bất chấp những khó khăn, các nền kinh tế ASEAN vẫn có nền tảng cơ bản mạnh mẽ và khu vực này đang vượt qua những thách thức bên ngoài với một vị thế vững chắc.

Ông nói: "Bằng cách nào đó chúng ta có thể vượt qua (cơn bão) lần này và sau đó có lẽ sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn và xây dựng (nền kinh tế) trở lại tốt hơn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục