Trong báo cáo về Triển vọng kinh tế thế giới mới công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra những đánh giá khá lạc quan về triển vọng phục hồi của các nền kinh tế Đông Nam Á.
Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, thể chế tài chính này đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm 2023 xuống mức 3,6% trong cả hai năm, giảm so với dự báo ban đầu lần lượt là 4,4% và 3,8%.
IMF cũng nhận định lạm phát sẽ cao hơn và các nền kinh tế mới nổi chịu nhiều thiệt hại hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Và để làm tăng thêm sự ảm đạm, IMF nhấn mạnh rủi ro chủ yếu ở các yếu tố mặt trái.
Đáng chú ý, trong bối cảnh bi quan này, thể chế tài chính toàn cầu có những dự báo tương đối lạc quan cho các nền kinh tế Đông Nam Á.
IMF chỉ điều chỉnh tăng trưởng ở khu vực này giảm 0,3 điểm phần trăm vào năm 2022 và 0,1 điểm phần trăm vào năm 2023. Dự báo này phản ánh nhận định rằng các nền kinh tế ASEAN chịu ảnh hưởng ít hơn từ các cú sốc trong nền kinh tế toàn cầu so với các khu vực khác.
Câu hỏi lớn đối với khu vực kinh tế năng động này là liệu khả năng phục hồi có được duy trì trước những rủi ro mặt trái mà IMF và nhiều tổ chức nghiên cứu đang lo lắng.
Theo Giám đốc điều hành (CEO) của tổ chức tư vấn Centennial Asia Advisors Manu Bhaskaran, năm yếu tố lớn sẽ quyết định triển vọng kinh tế của ASEAN. Trong đó ba yếu tố đầu tiên mang tới tác động tiêu cực, gồm tác động của xung đột Nga-Ukraine; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dẫn đầu và triển vọng không ổn định của kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, hai yếu tố còn lại mang tới thuận lợi nhiều hơn cho các nước ASEAN là tác động của đại dịch COVID-19 có phần giảm nhẹ và các nền tảng cơ bản của khu vực có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhìn tổng thể, các chuyên gia tại Centennial Asia Advisors tin tưởng các nền kinh tế ASEAN thực sự có thể tiếp tục hoạt động tương đối tốt hơn khi so sánh với phần còn lại của thế giới.
Xung đột Nga-Ukraine: Tác động trên nhiều lĩnh vực
Tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đến kinh tế thế giới phụ thuộc nhiều vào việc căng thẳng của cuộc xung đột sẽ kéo dài bao lâu và liệu xung đột có lan sang các nước láng giềng hay không.
CEO Manu Bhaskaran giả định rằng giai đoạn căng thẳng của cuộc xung đột sẽ kéo dài thêm vài tháng nữa trước khi lắng xuống và rơi vào bế tắc.
Các đồng minh phương Tây sẽ cần cân nhắc lại có nên sử dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn hay không, và tìm cách tránh các hành động có thể gây tổn hại cho bản thân các nước này cũng như các đối thủ, chẳng hạn như lệnh cấm hoàn toàn đối với xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt trên diện rộng chống lại các quốc gia như Trung Quốc vì đã hỗ trợ Nga.
Trong kịch bản này, theo các chuyên gia của Centennial Asia Advisors, giá năng lượng và lương thực tăng cao sẽ kéo dài thêm vài tháng trước khi hạ nhiệt vào cuối năm do nguồn cung được cải thiện và nguy cơ gián đoạn cũng giảm đi.
Tuy nhiên, tới thời điểm đó, sức mạnh chi tiêu của các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ bị suy giảm và sự không chắc chắn về cách cuộc xung đột có thể lan rộng sẽ làm suy giảm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng ở khắp mọi nơi.
Nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu trong khu vực sẽ bị suy yếu. Nếu giai đoạn rủi ro của cuộc xung đột không kéo dài, khi đó thiệt hại đối với các nền kinh tế ASEAN cũng sẽ được hạn chế.
Tuy nhiên, rất nhiều dự báo cũng như quyết sách có thể sai lầm và cần phải quan sát, đánh giá. Chẳng hạn như trường hợp các lực lượng Nga bị cáo buộc thực hiện các hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khiến các nước phương Tây có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt cực đoan hơn bao gồm cả lệnh cấm hoàn toàn đối với xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga.
“Làn gió ngược” từ chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu
Lạm phát đã trở nên cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức nghiên cứu và chuyên gia kinh tế. Hiện nay, nhiều người lo sợ một vòng xoáy tiền lương khiến lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, được coi là phản ứng chậm với tốc độ tăng lạm phát.
Do đó, Fed cảm thấy buộc phải xây dựng lại uy tín của mình như một tổ chức chống lạm phát bằng cách đưa ra các đợt tăng lãi suất trong suốt năm nay và năm sau.
[Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN 26 nhấn mạnh ba ưu tiên cho khu vực]
Lãi suất chính sách của Fed có khả năng ở mức 2,5-3% vào cuối năm 2023. Fed cũng sẽ đảo ngược chương trình nới lỏng định lượng sớm hơn và nhanh hơn so với dự đoán của thị trường vài tháng trước đây.
Tuy nhiên, trong khi thắt chặt tiền tệ chắc chắn là một rủi ro, có vẻ như Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hoặc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ mạnh tay như Fed.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đang đi theo hướng ngược lại, tức là vẫn kích thích tiền tệ. Do đó, các điều kiện tiền tệ chung trên toàn cầu sẽ không thắt chặt hơn.
Hệ quả là hoạt động kinh tế ở Mỹ có thể sẽ giảm tốc. Tuy nhiên, do lượng tiết kiệm dư thừa khổng lồ được tích lũy trong các hộ gia đình, việc các ngân hàng tiếp tục sẵn sàng mở rộng tín dụng tiêu dùng và thị trường lao động thắt chặt khiến nhu cầu lao động được duy trì mạnh mẽ, chính vì vậy nhu cầu tiêu dùng sẽ không chậm lại đến mức có thể xảy ra suy thoái.
Rõ ràng, lãi suất chính sách cao hơn là lý do tại sao lãi suất thế chấp đã tăng hơn 1 điểm phần trăm trong thời gian gần đây, khiến nhu cầu nhà ở hạ nhiệt và đầu tư vào xây dựng bất động sản chậm lại.
Sự chuyển hướng của kinh tế Trung Quốc và nỗi lo của ASEAN
Nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại ngay cả trước khi số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến gần đây, dẫn đến các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt và gây tổn hại cho kinh tế.
Tình hình tiến triển khả quan khi số ca nhiễm bệnh tại Thượng Hải đang giảm xuống, các nhà chức trách cho phép hoạt động sản xuất trở lại tại hàng trăm nhà máy và điều tồi tệ nhất dường như đã qua.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy hoạt động kinh tế bên cạnh điều chỉnh lại các chính sách đã gây thiệt hại cho nền kinh tế. Ví dụ, nhà chức trách có khả năng sẽ điều chỉnh lại cách tiếp cận trong việc ứng phó với đại dịch theo hướng áp dụng các biện pháp ngăn chặn và hạn chế linh hoạt, có chọn lọc hơn.
Các cơ quan chức năng Trung Quốc hiện đang mở rộng nỗ lực triển khai tiêm chủng cho các nhóm người dân vẫn chưa được bảo vệ trước COVID-19, đặc biệt là những người lớn tuổi và người dân sinh sống ở khu vực nông thôn.
Bắc Kinh cũng sẽ phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 theo cơ chế mRNA của riêng nước này, được đánh giá là hiệu quả hơn vaccine cũ. Những nỗ lực này sẽ mở đường cho cường quốc kinh tế mở cửa trở lại với thế giới trước cuối năm 2022.
Theo ông Manu Bhaskaran, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang đánh giá lại một số biện pháp chấn chỉnh các lĩnh vực phát triển nóng, vốn được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã chỉ thị các cơ quan liên quan cần cẩn trọng hơn trong việc áp dụng các quy định đối với lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản cũng đang được thực hiện có chọn lọc hơn và chính quyền nhiều địa phương đã nới lỏng các hạn chế.
Ngoài ra, các quy tắc được đưa ra để giảm tham nhũng của chính quyền địa phương đang được điều chỉnh với mục đích không tạo nên nỗi sợ hãi đối với các quan chức khi đưa ra các quyết định về các hợp đồng và dự án. Những thay đổi chính sách này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ bắt đầu cải thiện trong quý 3/2022.
Tuy nhiên, CEO của Centennial Asia Advisors cũng chỉ ra nhiều vấn đề có thể tác động tiêu cực đối với nền kinh tế số hai thế giới. Thứ nhất, dữ liệu đưa ra có sự không rõ ràng khiến cho việc nhận định các điều kiện hiện tại của Trung Quốc trở nên khó khăn.
Ví dụ, dữ liệu chính thức cho thấy hoạt động kinh tế trong tháng 1-2/2022 tương đối mạnh mẽ và chỉ chậm lại trong tháng Ba do số ca mắc bệnh gia tăng đột biến.
Tuy nhiên, ngay cả cơ quan thống kê chính thức của Trung Quốc cũng đưa ra lưu ý thận trọng trong việc giải thích dữ liệu từ tháng 1-2/2022, cho rằng các quan chức địa phương có thể đã thổi phồng các con số nhằm làm cho mọi thứ trông tốt hơn.
Dữ liệu về tình hình dịch bệnh cho thấy ít trường hợp lây nhiễm ở các khu vực giáp với Thượng Hải mặc dù rằng hàng nghìn người Thượng Hải đã rời thành phố ngay trước khi phong tỏa.
Với tỷ lệ nhiễm bệnh cao tại đô thị này, chắc chắn nhiều người đã bị nhiễm bệnh nhưng hầu như không có dữ liệu chính thức cho thấy tình trạng lây nhiễm đang gia tăng ở các khu vực lân cận của Thượng Hải.
Thứ hai, trong khi các gói kích thích bổ sung thực sự cần thiết trong thời gian tới, các biện pháp này có vẻ gia tăng và giới chức dường như không muốn cung cấp lực đẩy tích cực hơn.
Chính sách tài khóa của chính phủ vẫn còn tương đối chặt chẽ và cơ quan chức năng dường như không sẵn sàng đưa ra các chính sách thực sự tạo động lực cho nền kinh tế như hỗ trợ tiền mặt trực tiếp đến các hộ gia đình.
Thứ ba, trong khi chính phủ đang điều chỉnh các biện pháp chính sách đã vô tình tổn hại đến hoạt động kinh tế, cần mất một thời gian để người tiêu dùng, doanh nghiệp và quan chức địa phương thực sự thay đổi hành vi.
Ví dụ, khối lượng tài sản lớn trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc bị xóa sổ chắc chắn sẽ không bị lãng quên nhanh chóng, đồng nghĩa với việc các doanh nhân công nghệ trong các lĩnh vực bị thiệt hại sẽ sẵn sàng mở rộng hoạt động kinh doanh một cách vội vàng.
Nới lỏng các hạn chế kiểm dịch - các nền tảng bản của khu vực tương đối tốt
CEO của Centennial Asia Advisors cho rằng trong bối cảnh các thách thức trên đang là mối quan tâm thực sự, việc nới lỏng các biện pháp y tế công cộng để đối phó với dịch bệnh sẽ cho phép hoạt động kinh tế trong khu vực ASEAN trở lại bình thường.
Với ít hạn chế hơn, các hoạt động sản xuất và hậu cần, vận tải có thể duy trì. Các hoạt động ăn uống, giải trí và du lịch cũng khôi phục trở lại và giúp giải phóng đáng kể nhu cầu vốn bị dồn nén bấy lâu.
Những hạn chế từ phía nguồn cung như tình trạng khan hiếm lao động nhập cư cũng có thể được giải quyết dễ dàng hơn. Tất cả những điều này sẽ cung cấp một "liều thuốc bổ" mạnh mẽ để tái tạo năng lượng cho nền kinh tế, bù đắp phần lớn thiệt hại do các yếu tố tiêu cực nêu trên gây ra.
Chuyên gia Manu Bhaskaran cũng chỉ ra nhân tố hỗ trợ cho kinh tế khu vực sẽ đến từ các yếu tố cấu trúc phản ánh các nguyên tắc cơ bản đang được cải thiện.
Sẽ có nhiều hoạt động tái cơ cấu chuỗi cung ứng hơn, đồng nghĩa với việc các dây chuyền sản xuất và nhà máy lựa chọn rời khỏi Trung Quốc có thể chuyển đến Đông Nam Á.
Thực tế này đang rõ ràng hơn thông qua dữ liệu phê duyệt và đơn đăng ký đầu tư nước ngoài. Hoạt động kinh tế tương đối linh hoạt hơn của khu vực ASEAN sẽ khuyến khích sự quan tâm đầu tư nước ngoài vào khu vực.
Sau các nỗ lực tập trung ứng phó với đại dịch trong hai năm, chính phủ các nước trong khu vực đang tìm cách phục hồi các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, nhất là tại Indonesia, Philippines và Malaysia.
Cùng với đó, Đông Nam Á có khả năng được hưởng lợi nhiều hơn từ hội nhập thương mại. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực trong khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ tháng 12/2018.
Nhiều nền kinh tế khác đã bày tỏ mong muốn tham gia. Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Anh và Ecuador đều đã nộp đơn chính thức để gia nhập và Thái Lan cũng có thể xin gia nhập thỏa thuận thương mại đa phương này.
Theo thời gian, việc cắt giảm thuế suất, hợp lý hóa hải quan và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại khác sẽ thúc đẩy dòng chảy thương mại. Hơn nữa, kết nối thương mại được tăng cường sẽ là một yếu tố khác thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực.
Vị CEO đồng thời là doanh nhân nổi tiếng này kết luận, kinh tế Đông Nam Á sẽ hoạt động tốt trong bối cảnh khu vực đang có một vị thế tốt bất chấp một loạt thách thức toàn cầu.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rủi ro chính đến từ vấn đề hoạch định chính sách, chính vì vậy, các nhà quản lý kinh tế ở mỗi nước ASEAN cần tiếp tục thể hiện cam kết đối với những cải cách vốn giúp cải thiện các nền tảng cơ bản của khu vực./.