Triển vọng phát triển hội nhập Á-Âu trong thực tế địa chính trị mới

Năm 2021, các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu đã cố gắng khôi phục GDP về mức của năm 2019 và dự đoán năm 2022, các nền kinh tế sẽ chuyển từ trì trệ sang tăng trưởng thực sự.
Triển vọng phát triển hội nhập Á-Âu trong thực tế địa chính trị mới ảnh 1EAEU đã nhóm họp tại thành phố Saint Petersburg. (Nguồn: eng.belta.by)

Trang mạng của Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) số ra mới đây có bài viết cho biết hiện nay Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đang ở trong tình thế kinh tế và chính trị biến động khó khăn. Tại các nước thành viên, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra vẫn chưa được khắc phục.

Do đó, vào năm 2020, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EAEU giảm xuống còn 2,7% và không một quốc gia thành viên nào có thể duy trì GDP ở mức của năm 2019. Điều này là do các nguyên nhân khách quan về hạn chế của đại dịch, thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài giảm.

Trong số đó, doanh thu vận tải hàng hoá và hành khách bị ảnh hưởng nhiều nhất (giảm lần lượt 4,8% và 49,9%), ngoại thương và trao đổi thương mại nội khối (giảm lần lượt 16,4% và 11,5%). Sản xuất nông nghiệp chỉ tăng 2,3%.

Nhìn chung năm 2021, các nước EAEU đã cố gắng khôi phục GDP về mức của năm 2019 và dự đoán năm 2022, các nền kinh tế sẽ chuyển từ trì trệ sang tăng trưởng thực sự.

EAEU trước bất ổn địa chính trị

Một khó khăn không kém là tình hình chính trị. Đây là yếu tố gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia. Trong năm 2020-2021, các sự kiện đã diễn ra không chỉ ảnh hưởng đến ổn định chính trị trong nước mà còn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế ở các nước thành viên EAEU.

Trong số đó, cú sốc nghiêm trọng nhất là việc áp dụng các biện pháp trừng phạt tổng thể chống Nga và Belarus, cùng với việc Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đồng ruble của Nga và Belarus mất giá nghiêm trọng không chỉ do quan hệ kinh tế giữa phương Tây với Nga và Belarus bị gián đoạn và việc một số ngân hàng Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, mà còn do các yếu tố logistics cho phát triển kinh tế trở nên phức tạp hơn.

Không chỉ Nga và Belarus chịu thiệt hại về kinh tế mà cả các quốc gia thành viên khác của EAEU, bao gồm cả hệ thống tài chính quốc gia của họ, cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, các quốc gia liên kết đang chịu áp lực chính trị đáng kể từ phương Tây với yêu sách từ chối hoặc giảm hợp tác kinh tế với Nga. Tuy nhiên, một biện pháp như vậy là không khả thi về mặt kinh tế đối với các nước thành viên của liên minh. Ví dụ, khối lượng trao đổi hàng hoá giữa các quốc gia EAEU vào năm 2021 lên tới 72,6 tỷ USD, tăng 31,9% so với năm 2020, tương đương 17,6 tỷ USD, tăng 11 tỷ USD so với năm 2019, tương đương 17,8%.

Tăng trưởng về khối lượng xuất khẩu thương mại nội khối năm 2021 so với năm 2020 được ghi nhận ở tất cả các quốc gia. Kyrgyzstan tăng 44,9%, Kazakhstan tăng 34,9%, Armenia tăng 25,2% và Belarus tăng 24,7%. Khối lượng mua hàng nhập khẩu từ các quốc gia trong liên minh cũng được ghi nhận ở tất cả các thành viên, với Belarus tăng 43,5%, Kyrgyzstan tăng 39,2%, Nga tăng 27,2% và Armenia tăng 20,4%.

Nga có tỷ trọng xuất khẩu lương thực, tài nguyên và hàng công nghiệp đáng kể vào các quốc gia EAEU. Tỷ trọng của Nga trong nhập khẩu của Armenia đạt 37,2%, Belarus là 58,7%, Kazakhstan là 42,1% và Kyrgyzstan là 33,7%.

[Nga hạn chế xuất khẩu ngũ cốc sang các nước Liên minh kinh tế Á-Âu]

Nga cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận người di cư lao động. Theo Bộ Nội vụ Liên bang Nga, trong giai đoạn tháng 1-7/2021, có 112.348 công dân Armenia, 25.624 công dân Belarus, 43.126 công dân Kazakhstan và 261.140 công dân Kyrgyzstan đăng ký ký kết hợp đồng lao động.

Đây chỉ là một số lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa các quốc gia EAEU góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và tiềm năng sản xuất của họ.

EAEU đã có thể thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn trong thời gian xảy ra đại dịch trong việc cung cấp và sản xuất vaccine, thuốc, thiết bị y tế, cũng như cung cấp thực phẩm và hàng hoá thiết yếu cho công dân của mình.

Ngoài ra, chính phủ các quốc gia thành viên EAEU cũng đã phối hợp để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh của các chỉ số kinh tế. Kinh nghiệm này cho phép các thành viên của Liên minh tiếp tục hợp tác và thông qua một chương trình nhằm chống lại các vấn đề kinh tế chung liên quan đến các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với một số quốc gia EAEU.

Bốn nhóm vấn đề nhằm cải thiện tính bền vững

Ngày 17/3, trong cuộc họp của Hội đồng Kinh tế Á-Âu ở Moskva, Thủ tướng các nước thành viên đã thông qua danh sách các biện pháp ưu tiên nhằm cải thiện tính bền vững của nền kinh tế các nước thành viên EAEU. Danh sách này đã được thảo luận và thông qua tại cuộc họp chung của Uỷ ban Kinh tế Á-Âu và Bộ Kinh tế và Tài chính, cũng như các ngân hàng quốc gia của các nước thành viên Liên minh.

Bộ Tài liệu bao gồm 34 biện pháp ưu tiên nhằm cải thiện tính bền vững của EAEU. Các biện pháp này bao gồm 4 nhóm vấn đề. Nhóm đầu tiên là các quy định về hải quan, thuế quan và phi thuế quan, cũng như các biện pháp bảo hộ trong thương mại, bao gồm giảm thuế suất hải quan nhập khẩu và ưu đãi thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu quan trọng, áp dụng các biện pháp điều tiết phi thuế quan thống nhất liên quan đến việc xuất khẩu một số loại hàng hoá nhằm duy trì tính toàn vẹn của thị trường nội địa Liên minh, thông qua các biện pháp giảm thời gian hoạt động hải quan và đơn giản hoá thủ tục liên quan.

Để nâng cao sự ổn định của nền kinh tế các quốc gia, Hội đồng Kinh tế Á-Âu đã quyết định thiết lập các mức thuế hải quan nhập khẩu đặc biệt của một biểu thuế hải quan thống nhất đối với hơn 450 loại hàng hoá. Danh mục bao gồm thực phẩm trẻ em, hàng hoá cho sản xuất công nghiệp và ngành xây dựng, một số loại nông sản và thực phẩm (hạt hướng dương, nước trái cây, đường, bột ca cao, axit amin, tinh bột…). EAEU cũng nâng ngưỡng nhập khẩu miễn thuế các kiện hàng đối với cá nhân từ 200 euro lên 1000 euro.

Triển vọng phát triển hội nhập Á-Âu trong thực tế địa chính trị mới ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Islamicinvitationturkey.com)

Nhóm biện pháp thứ hai liên quan đến các vấn đề tăng cường thị trường trong nước và hợp tác. Câu hỏi quan trọng vẫn là điều kiện cho sự đi lại không bị cản trở của lao động và nói chung là sự đi lại của công dân trong khuôn khổ EAEU. Điều này được cho là nhằm kích thích đầu tư lẫn nhau, các cơ chế và chương trình tài trợ mục tiêu có điều kiện. Việc tối ưu hoá các thủ tục đăng ký đối với thuốc và thiết bị y tế, cũng như việc tăng tốc hình thành một loạt các biện pháp để số hoá toàn bộ hoạt động mua sắm công.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để vượt qua áp lực trừng phạt là đảm bảo an ninh lương thực. Mặc dù hiện tại khu vực đạt được khả năng tự cung tự cấp đối với các sản phẩm lương thực cơ bản như thịt, sữa, bánh mỳ, rau và các sản phẩm khác, nhưng theo người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Á-Âu M.Myasnikovich, "có những mặt hàng nhạy cảm, vì thế sẽ áp dụng các biện pháp giới hạn xuất khẩu một số mặt hàng nông nghiệp cụ thể ra khỏi biên giới của EAEU (ví dụ như ngũ cốc, đường…)"

Các đề xuất của nhóm công tác cấp cao về tổ chức các hoạt động cung cấp hàng hoá hiệu quả trong các hiệp hội phân bón, hạt giống và các sản phẩm khác đã được ủng hộ.

Trong bối cảnh có sự chồng chéo của một loạt các tuyến đường vận tải và hậu cần giữa EU và Mỹ, vấn đề đặt ra liên quan đến sự hình thành của các chuỗi hậu cần mới. Công việc đang được tiến hành để thúc đẩy sự hình thành của khu nông nghiệp Á-Âu, tương tự như khu nông nghiệp Uzbekistan-Nga đã hoạt động.

Hơn nữa, bên cạnh việc vận chuyển nhanh các sản phẩm thực phẩm trong EAEU, khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cũng là vấn đề được quan tâm. Việc bố trí các chuyến tàu nông nghiệp thường xuyên sẽ giúp tạo ra mức giá cạnh tranh cho hàng hoá đường biển và giảm thời gian giao hàng.

Theo ông M.Myasnikovich, EAEU đã phê duyệt lộ trình thành lập các cơ sở nội địa hoá để lắp ráp và bảo dưỡng máy bay, cũng như sản xuất các bộ phận máy bay.

Nhóm biện pháp thứ ba là giải quyết các vấn đề của thị trường tài chính và ngoại hối của các quốc gia thành viên. Hiện tại, 74% thương mại giữa các nước thành viên được thực hiện bằng đồng tiền quốc gia của các nước EAEU. Và các bên đã quyết định sẽ còn mở rộng hơn nữa việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong giao thương.

Điều quan trọng là trong thời gian một số ngân hàng Nga và Belarus bị ngắt kết nối với hệ thống SWIFT để đảm bảo hợp tác của các hệ thống quốc gia đối với việc truyền tải thông điệp tài chính, việc chuyển đổi toàn diện sang giao dịch bằng đồng tiền quốc gia sẽ hiệu quả hơn nếu việc định giá cũng bằng tiền tệ quốc gia của các nước EAEU.

Ngoài ra, cũng cần đẩy nhanh việc hình thành công ty tái bảo hiểm Á-Âu, để đảm bảo bảo hiểm, chủ yếu là các hoạt động thương mại và logistics.

Nhóm giải pháp thứ tư đưa ra các biện pháp hợp tác kinh tế quốc tế với các quốc gia thứ ba và các hiệp hội hội nhập. Các vấn đề xây dựng cơ chế mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với các đối tác quan trọng, ký kết các hiệp định xoá bỏ hàng rào kỹ thuật thương mại với tất cả các nước quan tâm được đặt lên hàng đầu.

Hiện nay, các quốc gia đang trong quá trình đàm phán ký kết các Hiệp định về khu vực thương mại tự do với EAEU đều đã đình chỉ quá tình này. Trong khi đó, Hội đồng Kinh tế Á-Âu và Iran tiếp tục phối hợp để ký kết một thoả thuận về một khu vực thương mại tự do quy mô toàn diện, và hợp tác với các nước quan sát viên, chủ yếu là với Uzbekistan, đang được làm sâu sắc hơn.

Chương trình áp dụng các biện pháp nhằm duy trì sự ổn định kinh tế mới chỉ là những bước đầu tiên. Theo các quan chức của Hội đồng Kinh tế Á-Âu, tài liệu này có bản chất là mở và sẽ được bổ sung khi cần thiết.

Điều đáng chú ý là chương trình này có định dạng khá rộng. Điều này một phần là do tình hình hiện tại, với việc Nga và Belarus gần như đóng cửa hoàn toàn việc tiếp cận các thị trường và nguồn tài chính phương Tây.

Đối với EAEU nói chung, tình hình nền kinh tế Nga có tầm quan trọng lớn, vì đối với tất cả các quốc gia thành viên, Nga là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất. Vì vậy, mức độ hoàn thành nhiệm vụ đặt ra phụ thuộc vào mức độ nhanh chóng và quan trọng nhất là Nga sẽ xây dựng lại nền kinh tế của mình một cách hiệu quả như thế nào trong các điều kiện mới.

Tuy nhiên, EAEU cũng có một nhiệm vụ nội bộ, được nêu trong Hiệp ước về Liên minh Kinh tế Á-Âu và tất cả các đạo luật sau đó là cần phải đa dạng hoá nền kinh tế quốc gia để chuỷen từ định hướng tài nguyên sang sản xuất tài nguyên.

Ngày nay, khó có thể thực hiện tất cả các nội dung của chương trình này một cách ngang nhau, do tình hình bên ngoài không ngừng biến động và các vấn đề nội tại của nền kinh tế các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, có những nhiệm vụ có thể được hoàn thành ở mức độ cao, trong đó có việc đảm bảo an ninh lương thực của EAEU. Có vẻ như các nước thành viên EAEU thậm chí còn có cơ hội tăng cường cung cấp một số loại nông sản và thực phẩm cho thị trường nước ngoài, ví dụ như lúa mỳ và các sản phẩm từ sữa.

Tình hình hiện nay đang thúc đẩy các quốc gia không chỉ tạo ra thị trường năng lượng chung, mà còn mở rộng sản xuất hydrocarbon. Điều này sẽ vừa nâng cao năng lực sản xuất của các quốc gia, vừa mở rộng phạm vi xuất khẩu thành phẩm của họ.

Một trong những vấn đề chính là giảm cơ hội thu hút đầu tư, kể cả đầu tư giữa các nước thành viên. Các lệnh trừng phạt và lạm phát cao liên quan làm tăng những lo ngại tiêu cực trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, sự quan tâm của nhiều quốc gia, chủ yếu là châu Á, đối với thực phẩm, thuốc men, tài nguyên năng lượng và một số hàng hoá kỹ thuật được sản xuất ở EAEU giúp họ có thể xây dựng các mối quan hệ đầu tư vào sản xuất mới.

Một yếu tố không kém phần quan trọng là hiện đại hoá các chương trình phát triển kinh tế quốc gia, cũng như gắn kết các chương trình này với các nhiệm vụ chung đã có của Hiệp hội.

Đây là một trong những điều kiện chính để thực hiện chương trình này và sự phát triển lâu dài của EAEU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục