Bất chấp hai phiên đi xuống trong tuần, giá dầu thế giới vẫn chứng kiến một tuần khởi sắc, nhờ triển vọng nguồn cung thu hẹp, do tình hình chiến sự tại Libya, chương trình giảm sản lượng của các nhà sản xuất chủ chốt và biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và dầu chuẩn Tây Texas (WTI) đều tăng khoảng 1%, với giá dầu Brent ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp và dầu WTI tăng trong tuần thứ sáu liên tiếp.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (8/4), giá dầu chạm mức cao trong 5 tháng.
John Kilduff, một đối tác tại Again Capital LLC tại New York, nhận định nguồn cung dầu gián đoạn tại Libya sẽ lại tác động tiêu cực đến nguồn cung và thị trường dầu thế giới, khi Saudi Arabia và các quốc gia khác đẩy mạnh nỗ lực hạn chế sản lượng khai thác dầu.
Trong khi đó, Hussein Sayed, chiến lược gia về thị trường tại FXTM, cho biết hoạt động cắt giảm sản lượng đang tiếp diễn của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran và Venezuela là những yếu tố chính chi phối giá “vàng đen."
Sau khi đi xuống trong phiên 9/4 do tâm lý lo ngại sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu nhiên liệu thế giới, giá dầu đã tăng hơn 1% trong phiên 10/4, sau thống kê cho thấy dự trữ xăng của Mỹ giảm mạnh, trong khi nguồn cung dầu thô tại Venezuela thắt chặt hơn.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong tuần trước, lượng xăng dự trữ của Mỹ đã giảm 7,7 triệu thùng, gấp hơn ba lần mức giảm 2 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán, và đây là mức giảm lớn nhất nhất kể từ tháng 9/2017.
Trong khi đó, dự trữ dầu thô tăng 7 triệu thùng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2017.
Chuyên gia Kilduff cho rằng thị trường đang tập trung chú ý vào mặt hàng xăng, giữa bối cảnh mùa Hè, thời điểm nhu cầu đi lại tăng mạnh, đang đến gần.
Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela, cùng với chương trình cắt giảm nguồn cung của OPEC và các đồng minh trong đó có Nga, cũng là những nhân tố hỗ trợ giá dầu.
Theo một báo cáo hàng tháng của OPEC công bố ngày 10/4, sản lượng dầu của Venezuela trong tháng trước đã giảm xuống mức thấp dưới 1 triệu thùng/ngày, do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Giá dầu lại quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 11/4, sau khi xuất hiện các nguồn tin cho hay OPEC có thể nâng sản lượng từ tháng 7/2019 nếu nguồn cung của Venezuela và Iran tiếp tục bị thu hẹp và giá dầu duy trì đà tăng hiện nay.
Theo nguồn tin liên quan tới thị trường dầu mỏ, OPEC có khả năng sẽ nâng sản lượng dầu từ tháng Bảy tới nếu nguồn cung của Venezuela và Iran tiếp tục bị thắt chặt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngoài ra, báo cáo về dự trữ dầu thô gia tăng của Mỹ cũng tác động tiêu cực tới thị trường năng lượng. Báo cáo của EIA cho hay dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước (kết thúc ngày 5/4) đã tăng thêm 7 triệu thùng lên 456,6 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2017.
[Giá dầu giảm trước đồn đoán về khả năng OPEC sắp nâng sản lượng]
Cũng theo EIA, sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn giữ ở mức kỷ lục là 12,2 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ vượt qua Nga và Saudi Arabia trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Trong phiên cuối tuần (12/4), giá dầu lấy lại đà tăng, giữa bối cảnh sự sụt giảm sản lượng tại Venezuela, Iran cùng với tình trạng xung đột tại Libya hỗ trợ quan điểm cho rằng thị trường “vàng đen” sẽ thắt chặt.
Bên cạnh đó, số liệu khả quan về kinh tế Trung Quốc cũng giúp xoa dịu lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ giảm sút. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,02% lên 71,55 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 0,5% lên 63,89 USD/thùng.
Theo các nhà giao dịch, việc chỉ số đồng USD trượt xuống mức thấp nhất so với đồng euro trong hơn hai tuần cũng giúp cho các mặt hàng định giá bằng đồng USD như dầu mỏ trở nên hấp dẫn hơn.
Thống kê cho thấy giá dầu giá dầu đã tăng hơn 30% trong năm nay, nhờ chương trình cắt giảm nguồn cung của OPEC, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela cùng với tình hình xung đột tại Libya.
RBC Capital Markets dự báo bất ổn địa chính trị có thể đẩy giá dầu lên 80 USD/thùng và thậm chí vượt ngưỡng này trong mùa Hè năm nay. Mới đây, EIA cũng đã điều chỉnh nâng mức dự báo giá dầu thô trong năm 2019.
Theo báo cáo của EIA, giá dầu Brent Biển Bắc giao ngay sẽ ở mức trung bình 65 USD/thùng trong năm nay và 62 USD/thùng năm 2020.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) được dự báo sẽ thấp hơn giá dầu Brent khoảng 8 USD trong nửa đầu năm nay, trước khi mức chênh lệch này dần thu hẹp về 4 USD vào cuối năm 2019 và cả năm 2020.
Trước đó, ngân hàng Goldman Sachs cũng đã nâng mức dự báo giá dầu thô trong năm nay, theo đó giá dầu Brent Biển Bắc dự kiến sẽ ở mức trung bình 66 USD/thùng trong năm 2019, so với ước tính trước đó là 62,50 USD/thùng. Còn giá dầu thô Mỹ ước tăng từ 55,50 USD/thùng trong dự báo trước đó lên 59,50 USD/thùng./.