Thị trường đường thế giới đang có sự khởi đầu đầy lạc quan khi bước sang thập niên mới nhờ giá cả tăng trở lại và vụ thu hoạch mía bắt đầu khá thuận lợi.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng xu hướng này có thể kéo dài hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tình hình cung-cầu.
Cầu vượt cung
Giá đường toàn cầu vẫn đang cố gắng phục hồi từ mức thấp nhất 10 năm ghi nhận trong năm 2018. Giá mặt hàng này hiện đang ở mức gần 12 xu Mỹ/lb (1lb = 0,454kg), tăng 7,24% so với tháng trước đó, song vẫn giảm 3,42% so với cùng kỳ năm 2019.
Điều này cho thấy tốc độ tăng của giá đường toàn cầu vẫn chậm và đà tăng khá mong manh trong phần còn lại của năm nay. Tình hình này đang làm các nhà máy đường khó có được lợi nhuận, buộc họ phải tìm cách tiết kiệm chi phí thay vì đầu tư vào các nhà máy mới.
Sản lượng đường thế giới trong niên vụ 2019 -2020 ước giảm xuống khoảng 175,1 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với ước tính được đưa ra từ 6 tháng trước và kém xa sản lượng đường đạt được trong niên vụ 2018-2019 là 184,9 triệu tấn.
Tiêu thụ đường toàn cầu ước tính chỉ tăng 0,9% trong niên vụ 2019-2020, lên 185,6 triệu tấn, một phần do sự thay đổi trong thói quen về đồ uống, đặc biệt là ở các nước sản xuất đường.
Tuy nhiên, lượng tiêu thụ đường tiếp tục tăng nhanh hơn sản lượng, có nghĩa là tình trạng thiếu hụt đường có thể dẫn đến những vấn đề đáng quan tâm trong ngắn hạn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, trong niên vụ hiện tại, thị trường đường thế giới sẽ thiếu hụt 6,1 triệu tấn, mức thiếu hụt nhiều nhất trong vòng ít nhất 1 thập kỷ, mặc dù sản lượng mía của Brazil sẽ tăng cao kỷ lục lên gần 40 triệu tấn.
Sản lượng đường giảm mạnh nhất được dự báo là từ châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Thái Lan, nơi sản lượng ước tính giảm 10,6 triệu tấn. Do điều kiện thời tiết bất lợi tại Mỹ, sản lượng đường tại khu vực Trung và Bắc Mỹ sẽ chứng kiến sự sụt giảm trong niên vụ 2019-2020.
[Indonesia sẽ nhập khẩu 200.000 tấn đường trong thời gian tới]
Sản lượng đường của châu Âu cũng sẽ đi xuống, chủ yếu là tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine, song những thiệt hại này sẽ được bù đắp bằng vụ thu hoạch củ cải đường bội thu ở Nga.
Tùy thuộc vào diễn biến thời tiết, các nhà phân tích dự báo rằng sản lượng đường ở Nam Mỹ sẽ đi lên trong niên vụ này, phần lớn là do các nhà máy của Brazil điều chỉnh lượng mía nguyên liệu thô để sản xuất đường nhiều hơn sản xuất ethanol, khi nhu cầu về loại nhiên liệu này sụt giảm đáng kể từ khi các nước áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong khi đó, sản lượng đường của châu Phi và châu Đại Dương cũng được dự báo sẽ tăng nhẹ.
Đà tăng thiếu bền vững
Có 3 lý do chính lý giải cho đà tăng của giá đường trong thời gian gần đây. Thứ nhất là do giá dầu thô phục hồi mạnh (đường thường biến động cùng chiều với giá dầu bởi khi giá dầu tăng, các nhà máy đường sẽ tăng cường sản xuất ethanol và giảm lượng mía dùng để sản xuất đường).
Thứ hai là việc các nước nới dần lệnh phong tỏa liên quan tới dịch COVID-19, qua đó kéo nhu cầu nhiên liệu cũng như nhu cầu đường đều tăng trở lại. Thứ ba là những dự báo về triển vọng thiếu hụt nguồn cung của thị trường đường thế giới niên vụ 2019-2020 và 2020-2021.
Tuy nhiên, xu hướng tăng của giá đường hiện nay được các chuyên gia cho là thiếu bền vững, khi mà giá dầu có nguy cơ sẽ quay đầu giảm trong thời gian tới, do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, được gọi là OPEC+, mới chỉ nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày đến hết tháng 7/2020, và những dấu hiệu cho thấy một số thành viên OPEC+ không còn quá "mặn mà" với thỏa thuận này.
Trong khi đó, nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai cũng đang đe dọa nhu cầu tiêu thụ đường, khi số ca nhiễm ở nhiều quốc gia đang tăng nhanh trở lại cùng với tiến độ nới lỏng chính sách giãn cách xã hội.
Triển vọng niên vụ 2020-2021
Báo cáo mới nhất của USDA đã đưa ra những dự báo đầu tiên về niên vụ 2020-2021. Theo đó, với điều kiện thời tiết bình thường, sản lượng đường toàn cầu trong niên vụ tới dự kiến sẽ tăng 13,1% so với niên vụ hiện tại, đạt 188 triệu tấn, nhờ sản lượng đường của Brazil, Ấn Độ và Thái Lan - ba nhà sản xuất đường hàng đầu thế giới - đều tăng.
Trong khi đó, USDA cho rằng, nhu cầu tiêu thụ đường trong cùng kỳ cũng đi lên, tăng 3,6% so với niên vụ 2019-2020, chủ yếu nhờ nhu cầu mạnh tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Điều này khiến tỷ lệ sử dụng đường dự trữ trên toàn cầu sẽ giảm xuống 24,4% trong niên vụ này.
Tại Thái Lan, hạn hán nghiêm trọng từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020 đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất mía đường và làm sản lượng đường của nước này giảm 43,4% trong niên vụ 2019-2020. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự thiếu hụt đường toàn cầu trong niên vụ hiện tại.
Với điều kiện thời tiết bình thường, USDA dự kiến sản lượng đường của Thái Lan đạt được trong niên vụ 2020-2021 là 12,9 triệu tấn, tương đương các mức cao lịch sử, với lượng xuất khẩu dự kiến tăng lên 11 triệu tấn.
Cũng theo USDA, sản lượng đường của Brazil niên vụ 2020-2021 dự báo sẽ tăng thêm 9,6 triệu tấn lên 39,5 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi và tỷ lệ mía dùng sản xuất đường tăng lên.
Tiêu thụ đường của Brazil dự báo sẽ ổn định. Sản lượng của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 17% lên 33,7 triệu tấn cũng do thời tiết thuận lợi và chính sách khuyến khích trồng và thu hoạch mía, trong khi nhu cầu nội địa cũng tăng nên xuất khẩu dự báo ổn định ở 5 triệu tấn./.