Triển vọng năng lượng: Sản lượng điện dự kiến tăng hơn 8 lần vào 2050

Theo báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, sản lượng điện dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 so với năm 2020 và tăng lên hơn 8 lần so với sản lượng điện hàng năm hiện tại vào năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Lễ công bố Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ Quán Đan Mạch công bố ngày 2/6 cho thấy tỷ lệ nhập khẩu nhiên liệu có thể tăng từ 36% vào năm 2020 lên 60% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050.

Sản lượng điện tăng gấp đôi vào 2030

Theo báo cáo, dự kiến sự phụ thuộc vào nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể trong thập kỷ tới. Cụ thể, tỷ trọng nhiên liệu nhập khẩu đạt 53%-60% vào năm 2030 theo các kịch bản khác nhau.

Trong đó, các sản phẩm than và dầu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng gần gấp ba lần nhập khẩu hiện nay vào năm 2030 và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ trở thành mặt hàng nhập khẩu mới tại Việt Nam.

Đáng chú ý, năng lượng tái tạo đã và sẽ sớm trở thành nguồn năng lượng tối ưu nhất về chi phí và do chi phí năng lượng tái tạo đang giảm dần theo thời gian nên mức độ điện khí hóa cao là lộ trình hiệu quả nhất về chi phí để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Do đó, sản lượng điện dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 so với năm 2020 và tăng lên hơn 8 lần so với sản lượng điện hàng năm hiện tại vào năm 2050, cao hơn gấp đôi so với sản lượng của kịch bản cơ sở. Lượng điện tăng thêm này sẽ được sử dụng để điện khí hóa và khử cácbon cho các khu vực còn lại của hệ thống năng lượng.

[Kinh tế biển xanh: Cần các chính sách khai thác tiềm năng đang bỏ ngỏ]

Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Kế thừa sự phát triển mạnh gần đây về phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo sẽ tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện Mặt Trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới (trong đó có Hydro, amoniac xanh... khi công nghệ được chứng thực) trong cơ cấu nguồn điện quốc gia đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế.

Với mục tiêu trên, đặc biệt lĩnh vực giao thông vận tải và lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng điện khí hóa rất lớn.

Theo phân tích hiện tại, kịch bản tối ưu hóa chi phí trong đó Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 sẽ bao gồm 38 GW công suất điện mặt trời và 21 GW điện gió vào năm 2030. Năm 2050, công suất điện mặt trời đạt khoảng 950 GW.

Ngay cả trong kịch bản không có các mục tiêu về khí hậu (kịch bản cơ sở), công suất đặt điện Mặt Trời tối thiểu là 22 GW vào năm 2030 sẽ tối ưu về chi phí cho toàn bộ hệ thống năng lượng của Việt Nam. Do đó, các chính sách mới nhằm khuyến khích đầu tư vào dự án điện Mặt Trời nên được thực hiện càng sớm càng tốt để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Điện gió trên bờ và điện Mặt Trời trang trại đã và sẽ là nguồn điện rẻ nhất, nhưng điện mặt trời trang trại phụ thuộc nhiều vào quỹ đất sẵn có.

Với 840 GW điện Mặt Trời trang trại sử dụng công nghệ hiện tại, sẽ cần diện tích đất bằng 3,3% tổng diện tích của Việt Nam, tuy nhiên việc phát triển công nghệ theo hướng hiệu quả cao hơn có thể làm giảm nhu cầu diện tích đất.

Nếu chỉ có một nửa diện tích đất được dành cho điện mặt trời, 420 GW điện Mặt Trời có thể được thay thế bằng 77 GW điện gió trên bờ, 56 GW điện gió ngoài khơi và 35 GW điện hạt nhân với chi phí tăng thêm là 27 tỷ USD/năm vào năm 2050, tương đương 13% tổng chi phí hệ thống điện.

Không cần thêm nhiệt điện than

Báo cáo tại hội nghị cũng khuyến nghị cơ quan chức năng không quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và cần cải tạo các nhà máy đang vận hành để tăng mức độ linh hoạt và hỗ trợ tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo

Hiện có khoảng 24GW nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, thêm 6GW đang được xây dựng hoặc dự kiến sẽ được xây dựng vào năm 2030 và hơn 7GW điện than đã được ký hợp đồng nhưng do những khó khăn về tài chính, nên những dự án này không được coi là dự án đã cam kết trong báo cáo.

Phân tích cho thấy Việt Nam không cần có thêm nhà máy nhiệt điện than mới nào cho đến năm 2030. Ngoài ra, không nên xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than mới nào sau năm 2030 để duy trì lộ trình phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Cùng đó, báo cáo cũng đề xuất nên dừng các nhà máy nhiệt điện than hiện tại trước khi kết thúc vòng đời kỹ thuật và các nhà máy này cần chuyển từ vai trò chạy nền sang vận hành với hệ số công suất giảm dần vào năm 2050.

“Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và cải tạo các nhà máy đang vận hành để tăng mức độ linh hoạt và hỗ trợ tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, khuyến nghị hạn chế mở rộng các nhà máy nhiệt điện khí và LNG do công suất 25 GW theo quy hoạch hiện nay là quá đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050,” đại diện Cục Năng lượng Đan Mạch nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đồng thời vẫn hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không, cần hạn chế mở rộng các nhà máy điện khí và LNG.

Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 7GW các nhà máy nhiệt điện khí tự nhiên trong nước đang vận hành, tuy nhiên chưa có nhà máy nhiệt điện LNG nào đi vào hoạt động. Đến năm 2030 sẽ có thêm 3GW nhiệt điện khí nội và 15GW nhiệt điện LNG mới được xây dựng.

Từ năm 2035 đến năm 2050, hệ thống sẽ có thêm 3GW nhiệt điện khí nội và 20-45GW nhiệt điện LNG mới được lắp đặt trong tất cả các kịch bản, trừ kịch bản với tổng công suất đặt của các nhà máy nhiệt điện khí không vượt quá 25GW đã cam kết và giảm dần đến năm 2050. Do đó, báo cáo cũng khuyến nghị không đầu tư mới các nhà máy nhiệt điện khí nội và giữ số lượng các nhà máy điện LNG mới ở mức tối thiểu.

Theo đại diện Cục Năng lượng Đan Mạch, điện khí vẫn là công nghệ được lựa chọn cho mục đích dự phòng/phủ đỉnh do mức phát thải CO2 thấp và có ưu điểm về khả năng vận hành linh hoạt.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện sẽ cần rất nhiều vốn với mức đầu tư hàng năm có thể lên đến 167 tỷ USD vào năm 2050 trong kịch bản phát thải ròng bằng 0, tương đương với 11% GDP dự kiến năm 2050 và gấp 5-6 lần kịch bản cơ sở ở năm này. Cùng với đó, chi phí hệ thống điện sẽ chuyển dịch theo hướng giảm chi phí nhiên liệu và tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.

Trong kịch bản phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tổng chi phí đầu tư vào hệ thống điện dự kiến là 167 tỷ USD, trong đó chi phí đầu tư nguồn điện Năng lượng tái tạo là 106 tỷ USD, hệ thống lưu trữ điện năng là 54 tỷ USD, và hệ thống truyền tải liên vùng là 7 tỷ USD.

"Chi phí này tương đương 11% GDP của năm 2050. Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản chiếm khoảng 50% tổng chi phí hệ thống điện vào năm 2030 trong tất cả các kịch bản và sẽ tăng lên đến 90% tổng chi phí hệ thống điện trong kịch bản cơ sở vào năm 2050," báo cáo nêu rõ.

Với yêu cầu vốn đầu tư cao của lĩnh vực năng lượng tái tạo, báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam cần có các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, từ đó giúp giảm giá điện cho người dùng cuối./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục