Triển vọng mới trong hợp tác đầu tư, thương mại với các nước châu Phi

Chuyến thăm của Chủ tịch nước sắp tới được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều triển vọng mới trong hợp tác đầu tư và thương mại giữa Việt Nam với Ethiopia và Ai Cập nói riêng cũng như châu Phi.
Triển vọng mới trong hợp tác đầu tư, thương mại với các nước châu Phi ảnh 1Chủ tịch nước Trần Đại Quang. (Ảnh: TTXVN)

Quan hệ ngoại giao với 53/55 nước châu Phi, tuy cách xa về địa lý nhưng Việt Nam và các nước trong khu vực này vẫn có nhiều điểm tương đồng bởi lực lượng lao động trẻ, dồi dào và quyết tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Việt Nam đánh giá cao quyết tâm của các nước châu Phi trong nỗ lực cùng nhau phát triển thành một khối đoàn kết thống nhất và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Việt Nam cũng sẵn sàng làm cầu nối giữa Liên minh châu Phi với ASEAN, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Chính vì vậy, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia và Cộng hòa Arab Ai Cập từ ngày 23 đến ngày 29/8 là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam tới quốc gia lớn và đông dân nhất khu vực Đông Phi, khu vực Sừng châu Phi.

Chuyến thăm được kỳ vọng  sẽ mở ra nhiều triển vọng mới trong hợp tác đầu tư và thương mại giữa Việt Nam với Ethiopia và Ai Cập nói riêng cũng như khu vực châu Phi nói chung.

Bạn hàng tiềm năng

Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, từ một quốc gia luôn phải chịu hậu quả nặng nề của thiên tai hạn hán kéo dài, tỷ lệ nghèo đói ở mức cao, Ethiopia đã vươn mình trỗi dậy trở thành “con hổ châu Phi” với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình trên 10% trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Ethiopia là một trong những vương quốc lâu đời nhất ở châu Phi, có nền nông nghiệp chiếm vị trí hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân (85% lao động, 90% tổng thu xuất nhập khẩu, 46% tổng sản phẩm nội địa). Đặc biệt, tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, Ethiopia đóng vai trò ngày càng tích cực trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định cho khu vực và thế giới.

Đáng lưu ý, kể từ khi đặt quan hệ ngoại giao vào năm 1976 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước liên tục tăng trưởng và đã đạt 11,3 triệu USD vào năm 2017. Trong đó Việt Nam xuất khẩu 2,2 triệu USD chủ yếu là sản phẩm dệt may, da giày, sản phẩm hóa chất sang thị trường này.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thuộc Bộ Công Thương cho biết, chuyến thăm Ethiopia lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cả hai nước, cả về chính trị-ngoại giao và kinh tế.

[Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi]

Bên cạnh việc tạo ra khuôn khổ hợp tác chung giữa hai nước, tạo cơ sở tin cậy và tiếp tục ủng hộ lẫn nhau, Việt Nam có thêm thị trường tiêu thụ hướng vào xuất khẩu. Ethiopia sẽ có thêm đối tác phát triển, thu hút vốn đầu tư và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân.

Với diện tích gấp 3 lần Việt Nam, Ethiopia có dân số trên 100 triệu người, đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi cũng như tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế đất nước, nhưng lại rất thiếu kinh nghiệm quản lý và vốn.

Chính vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm với Ethiopia, giúp nước này khai thác hiệu quả hơn các điều kiện tự nhiên và tài nguyên sẵn có nhằm đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2025.

Ngược lại, phía Việt Nam lại có thêm một thị trường tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thực phẩm chế biến, giày dép, may mặc, thủy sản, hàng điện tử-điện dân dụng, vật liệu xây dựng, các sản phẩm từ cao su, gỗ, cơ khí chế tạo. 

Đón lõng thị trường, thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu triển khai một số dự án đầu tư tại châu Phi; trong đó, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) đã triển khai thành công các dự án đầu tư tại Mozambique, Tanzania, Cameroon, Burundi, đồng thời bày tỏ quan tâm và mong muốn đầu tư vào Ethiopia.

Tuy nhiên, theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi do điều kiện xa xôi về địa lý nên hai bên cần thiết lập các cơ chế thanh toán phù hợp, bảo đảm an toàn các hoạt động giao dịch.

Cùng với đó, hai bên cần đẩy nhanh việc trao đổi, đàm phán tiến tới ký kết các thỏa thuận, hiệp định cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Cửa ngõ xuất khẩu

Theo số thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, chính thức thiết lập quan hệ ngoài giao vào 1/9/1963, Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam tại châu Phi.

Với quan hệ tốt đẹp và không ngừng phát triển, hiện tại kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong năm 2017 đạt khoảng 350 triệu USD, chủ yếu Việt Nam xuất khẩu với các mặt hàng chính gồm: hải sản, linh kiện phụ tùng ôtô, vải sợi, hạt tiêu đen, càphê, cao su, hàng tiêu dùng và sắt thép.

Riêng trong tháng Bảy vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ai Cập đạt 48 triệu USD, giảm 3,05% so với tháng Sáu vừa qua nhưng lại tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung từ đầu năm đến hết tháng Bảy vừa qua, kim ngạch xuất khẩu sang Ai Cập đạt 277 triệu USD, tăng 45,29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, nằm ở khu vực Bắc Phi với dân số hơn 91 triệu người, Ai Cập vừa là một thị trường nhiều tiềm năng vừa là cửa ngõ để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khu vực lớn như châu Phi, Trung Đông và châu Âu.

Triển vọng mới trong hợp tác đầu tư, thương mại với các nước châu Phi ảnh 2Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Việt Nam và Ai Cập là hai nước đối tác quan hệ tin cậy, cùng chia sẻ và đồng cảm lẫn nhau, nhất là trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Mối quan hệ ấy càng được củng cố, phát triển hơn nữa khi Ai Cập là nước nước đầu tiên trong khối Arab thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, mở ra một bước phát triển và tạo cơ hội hợp tác thuận lợi trong nhiều lĩnh vực giữa hai nước.

Mặc dù hai nước đã có nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, quy mô thị trường nhưng đến nay trao đổi thương mại giữa hai nước còn ở mức thấp so với tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên.

Nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trên lĩnh vực thương mại và công nghiệp, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Việt Nam và Ai Cập sẽ thiết lập cơ chế rà soát và trao đổi thông tin định kỳ; đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu theo nhu cầu và thế mạnh của nhau, cũng như khai thác tính bổ sung của hai nền kinh tế.

Đặc biệt, hai bên sẽ hạn chế áp dụng các rào cản kỹ thuật để tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại song phương và tiến tới đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như dầu khí, da giày và chế biến thực phẩm, nhất là năng lượng tái tạo.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á-châu Phi thuộc Bộ Công Thương khẳng định, châu Phi là đối tác kinh tế hết sức quan trọng của Việt Nam với các mặt hàng xuất khẩu nông sản xuất khẩu gồm gạo, càphê, hạt tiêu, cơm dừa…

Những thị trường xuất khẩu chính của nông sản có thể kể đến như Algeria, Maroc, Nigeria, Nam Phi, Ai Cập, Côte d'Ivoire, Ghana…

Mặt hàng thủy sản bao gồm cá tra, cá ba sa, tôm, cá ngừ đóng hộp cũng có nhiều triển vọng tăng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Ai Cập, Tunisia, Libya...

Hơn nữa, việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do châu Phi vừa qua sẽ đưa châu Phi trở thành khu vực tự do mậu dịch rộng lớn và hấp dẫn. Đây là thị trường lớn và đầy hứa hẹn với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng, có nhiều phân khúc thị trường phù hợp với sản phẩm và dịch vụ thương hiệu Việt Nam như nông, lâm sản, may mặc, điện máy, dịch vụ viễn thông…

Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường châu Phi, theo ông Đỗ Quốc Hưng mỗi doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược thâm nhập và nghiên cứu thị trường để sản xuất các sản phẩm chất lượng và phù hợp với quy cách, quy định của mỗi tiêu chuẩn chất lượng, tập quán tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu.

Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đang dần tiến đến bão hòa thì việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường còn nhiều tiềm năng như Ethiopia và Ai Cập nói chung cũng như châu Phi nói riêng là một hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục