Triển vọng mới cho công tác quản lý thuốc lá thế hệ mới

Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng chính thức được xem xét để đưa vào quản lý, trong đó thuốc lá làm nóng có triển vọng được luật hóa sớm, tạo đà cho công tác quản lý sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Cần sớm luật hóa thuốc lá thế hệ mới để ngăn chặn tình trạng buôn lậu tràn lan.

Sau hơn 2 năm “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam và nằm ngoài vòng quản lý của pháp luật, đến nay thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng) chính thức được xem xét để đưa vào quản lý.

Trong đó, thuốc lá làm nóng có triển vọng được luật hóa sớm, tạo đà cho công tác quản lý sản phẩm thuốc lá thế hệ mới còn lại.

Từ giữa năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng cho thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Công văn sau đó vào tháng Mười đã một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sớm đưa vào luật hóa các sản phẩm này trong bối cảnh báo chí liên tục phản ánh về tình trạng nhập, kinh doanh trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trong thời gian qua.

Đây được xem là cột mốc quan trọng, đánh dấu nỗ lực vì cộng đồng của Chính phủ và các ban ngành, cũng như mở ra một triển vọng mới trong chiến lược kiểm soát tác hại thuốc lá toàn diện, hiệu quả.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố

Cuối năm 2018, thuốc lá thế hệ mới nhập lậu bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, kéo theo đó là sự nhiễu loạn thông tin về bản chất sản phẩm cũng như khoa học giảm thiểu tác hại.

Hầu hết chưa có sự phân biệt rõ ràng về mặt cấu tạo giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Những vụ tử vong liên quan đến thuốc lá điện tử, thực chất nguyên nhân phần lớn chính là do việc tiêu thụ tinh dầu lậu từ nguồn hàng chợ đen lại chưa được tuyên truyền giải thích đầy đủ.

Giai đoạn này, các cơ quan ban ngành vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu nghiên cứu thông tin khoa học về sản phẩm.

Đến giữa năm 2020, ngay trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, vai trò và tác động của thuốc lá thế hệ mới vẫn được các tổ chức y tế công cộng nghiêm túc đánh giá.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hay Học viện Hoàng gia Anh, Cơ quan Y tế Canada… lần lượt thừa nhận khoa học giảm thiểu của thuốc lá làm nóng.

Các chuyên gia y tế, các cơ quan quản lý trong nước và quốc tế cũng thừa nhận rằng dù không hoàn toàn vô hại, thuốc lá thế hệ mới có tác dụng giảm thiểu tác hại hơn so với thuốc lá điếu.

Thiếu luật định, thừa nguy cơ

Đến nay, mặc dù các vấn đề khoa học đang dần được các cơ quan chức năng nhìn nhận, nhưng luật định cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thế nào vẫn còn diễn ra nhiều tranh luận.

Thuốc lá thế hệ mới vẫn còn nằm ngoài vòng pháp luật, vô tình tạo cơ hội cho các nhóm tội phạm buôn lậu.

Hậu quả rõ nhất là tình trạng tràn lan các sản phẩm lậu trên thị trường không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng, trong đó có cả giới trẻ.

Công dụng giảm thiểu tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng bị bóp méo, biến thành sản phẩm sành điệu.

Đáng báo động, thuốc lá điện tử lậu không rõ nguồn gốc bắt đầu tấn công thanh thiếu niên và học đường.

Điều đáng nói, cơ quan quản lý thị trường không thể mạnh tay với thuốc lá thế hệ mới nhập lậu như thuốc lá điếu vì chưa có văn bản chính thức nào quy định rõ việc xử phạt.

Việc tịch thu sản phẩm hay xử phạt hành chính không đủ sức răn đe những tay buôn hàng "chợ đen" vì lợi nhuận đem lại từ các sản phẩm nhậu lậu này quá lớn, ước tính tới 400%.

Buôn lậu thuốc lá điếu tại Việt Nam đang bị xử lý rất nghiêm ngặt. (Nguồn: TTXVN)

Do đó, theo các chuyên gia, việc sớm đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý sẽ là nền tảng quan trọng góp phần đáng kể trong công tác đấu tranh, xử lý nạn buôn lậu và mua bán thuốc lá bất hợp pháp.

Những sản phẩm nào đã nằm trong định nghĩa của luật phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành thì có thể cân nhắc xem xét để sớm đưa vào quản lý.

Biện pháp quản lý dựa trên luật hiện hành cũng chính là phương pháp mà Nhật Bản hiện đang áp dụng cho thuốc lá làm nóng.

Theo đó, tại Nhật Bản, Đạo luật Kinh doanh Thuốc lá ra đời năm 1984 và đến năm 2016 đã được áp dụng cho sản phẩm thuốc lá làm nóng.

Tuy nhiên, khung pháp lý quy định danh mục sản phẩm này ngày càng được điều chỉnh theo hướng ít nghiêm ngặt hơn so với khung pháp lý quy định thuốc lá điếu, bao gồm khung áp thuế, quy tắc cảnh báo sức khỏe cũng như quy định về khu vực hạn chế sử dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục