Triển vọng kinh tế phụ thuộc vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine

VEPR cho rằng triển vọng kinh tế những tháng cuối năm sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine, hiệu quả của các biện pháp phòng chống bệnh dịch cùng với các gói hỗ trợ...
Triển vọng kinh tế phụ thuộc vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine ảnh 1(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Với diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang hết sức phức tạp, nhóm chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 so với các báo cáo trước đây.

Ba kịch bản mới

Cụ thể, VEPR cho rằng triển vọng kinh tế những tháng cuối năm sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine, hiệu quả và những “phản ứng phụ” của các biện pháp phòng chống bệnh dịch cùng với các gói hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra ba kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế với giả định: Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam sẽ triển khai thành công việc tiêm vaccine vào đầu quý 4 và khống chế được tình trạng tái bùng phát. Nhờ đó, hoạt động kinh tế được khôi phục đồng thời căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị toàn cầu được làm dịu hơn.

[VEPR: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,3% năm 2021]

Khi đó, kịch bản cơ sở là dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát vào cuối quý 3 khi việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022 cộng thêm nền kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5%-5,1%.

Kịch bản thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng Tám, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4%-6,1 %.

Triển vọng kinh tế phụ thuộc vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine ảnh 2(Nguồn: VEPR)

Kịch bản bất lợi, dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý 4. Thêm vào đó, quá trình tiêm chủng vaccine triển khai chậm do thiếu nguồn cung, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy song các lĩnh vực dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam trong năm chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5%-4,0%.

Những rủi ro nội tại

Các chuyên gia trong nước khá đồng thuận về các yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước từ nay đến cuối năm. Trên phương diện quốc tế, đánh giá chung cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang ghi nhận đà phục hồi trong 6 tháng đầu năm nhờ vào độ bao phủ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của các quốc gia được mở rộng. Một số quốc gia đang có kế hoạch mở cửa trở lại sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh trong quý 3. Trong đó, nền kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc có mức hồi phục nổi bật nhất kể từ đầu năm 2021. Các nền kinh tế thuộc châu Âu vẫn trong tình trạng suy giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, tình hình kiểm soát dịch bệnh cùng với việc mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine đã giúp nhiều quốc gia châu Âu mở cửa và có dấu hiệu hồi phục trở lại.

Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 2 đạt 6,61%, các chuyên gia cho rằng điều này có được là nhờ vào việc Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn cuối quý 1, giúp duy trì được hoạt động kinh tế trong nước.

Mặt khác, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu tiếp tục mở cửa trở lại, các doanh nghiệp trong nước và đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tận dụng tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để phục hồi quy trình sản xuất cũng như xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Tuy nhiên ở thời điểm này, nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức khi mà dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ trong quý 2 đồng thời làm gián đoạn quá trình sản xuất của các doanh nghiệp tại địa phương đang bùng phát dịch.

Triển vọng kinh tế phụ thuộc vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine ảnh 3(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, các chuyên gia phân tích của VEPR cũng nêu ra nhiều rủi ro từ nền kinh tế nội tại, như tình trạng mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng-đến thời điểm là là rất chậm. Bên cạnh đó, sức khỏe hệ thống ngân hàng-tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương. Mặt khác, động lực kinh tế phụ thuộc nhiều của tăng trưởng vào khu vực FDI. Trong khi, các doanh nghiệp trong nước phần lớn còn thiếu tự chủ về công nghệ và nguyên liệu, chất lượng lao động thấp, chậm cải thiện.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế Nhà nước hiệu quả đầu tư công thấp, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh dù từng bước được cải thiện nhưng về căn bản chưa giải phóng được sức mạnh của doanh nghiệp.

Ưu tiên chống dịch

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh và phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ở thời điểm này khác nhiều so với năm 2020.

Ông chỉ ra đợt dịch bùng phát diễn biến phức tạp, số người nhiễm bệnh tăng nhanh với số lượng lớn. Hơn thế, dịch bệnh COVID-19 đã tấn công vào các trung tâm kinh tế, các khu vực công nghiệp… đóng vai trò trò lớn trong phát triển kinh tế. Đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, “đầu” tàu kinh tế đóng góp 1/3 thu ngân sách Nhà nước.

“Tác động từ ‘đầu tàu’ này đến tăng trưởng kinh tế cả nước là rất lớn. Nhưng trong hoàn cảnh này, các biện pháp chống dịch vẫn phải được ưu tiên. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn phải đảm bảo nguồn lực kinh tế, hỗ trợ người lao động,” ông Bảo nói.

Ông nhấn mạnh các dự báo tăng trưởng kinh tế đang đặt quá nhiều vào chiến lược tiêm chủng vaccine COVID-19. Vậy, thật sự vaccine có là “phao cứu sinh” trong phát triển kinh tế hay không?

Triển vọng kinh tế phụ thuộc vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine ảnh 4(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Ông Bảo cho rằng phân tích cần dựa vào các số liệu thống kê, mục tiêu từ nay đến đầu năm 2021, Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng 75% dân số, song hiệu lực của các loại vaccine-tính bình quân cũng chỉ đạt 90%. Vậy, rủi ro 10% phần còn lại của những người tiêm đủ 2 mũi vaccine và 25% dân số chưa tiêm không phải là con số nhỏ. Hơn nữa, diễn biến dịch bệnh lần này với biến chủng mới rất nguy hiểm nên chưa thể nói trước điều gì.

Ông Bảo chỉ ra thời gian qua, tăng trưởng kinh tế tương đối tốt cho thấy sức chống chịu của khu vực kinh tế tư nhân với những nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động và đảm bảo đơn hàng. Tuy nhiên sau hơn một năm chống chịu, nguồn lực tiết kiệm trong xã hội đã kiệt quệ, không chỉ khu vực doanh nghiệp vừa-nhỏ suy yếu mà nguồn lực của khu vực doanh nghiệp trụ cột cũng bị suy giảm.

“Kết quả tăng trưởng GDP thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong chống dịch và đảm bảo kinh tế. Song, theo tôi đảm bảo kinh tế có nhiều lăng kính, không chỉ riêng đeo đuổi chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà cần chú trọng nhiều yếu tố khác, như nói ở trên,” ông Bảo chia sẻ.

Về khuyến nghị chính sách, ông Thế Anh cho rằng Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể, nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch, các bất cập (liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế) và cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức.

“Chính sách tài khóa cần tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, nhằm tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải,” ông Thế Anh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục