Trong ngày cuối cùng của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế phương Đông (EEF 2023) ở thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông Liên bang Nga, phóng viên TTXVN tại Nga đã phỏng vấn ông Evgeny Vlasov - Phó Hiệu trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU), Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt vùng Primorye - về những đường hướng hợp tác giữa Nga với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung, và với Việt Nam nói riêng tại diễn đàn này.
Ông Vlasov khẳng định EEF là nền tảng rất quan trọng cho hợp tác giữa các đối tác. Một trong những chủ đề chính của EEF 2023 là số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo ông, những chủ đề này đã được nêu ra ở phần lớn hai phiên họp dành cho phát triển giáo dục, phát triển hợp giữa Nga với các nước ASEAN.
Ông Vlasov cũng cho biết hồi tháng 4 năm nay, FEFU, Đại học Quốc gia Hà Nội và Ngân hàng Sber đã thỏa thuận thành lập nhóm khoa học chung để nghiên cứu AI và những chương trình ứng dụng tác động đến các quá trình kinh tế ở Việt Nam.
[Nâng tầm quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga]
Chuyên gia Nga khẳng định việc kết nối doanh nghiệp Việt Nam với AI sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Những công nghệ và dự án như vậy sẽ là cơ sở để tạo nên sự hợp tác trong tương lai.
Ông Valsov nhận định các dự án công nghệ liên quan đến AI - vốn tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, công nghệ sinh học, thuế, dữ liệu lớn, công nghệ thông tin, ngôn ngữ học, sinh học và nhiều lĩnh vực khác - cần có sự tham gia chung của cả Nga và Việt Nam để có thể đạt được những kết quả đột phá.
Vấn đề thứ hai, theo ông Vlasov, đó là đào tạo chuyên gia để thúc đẩy quan hệ và tăng cường hợp tác. Nội dung này cũng đã được nêu ra tại Đối thoại doanh nghiệp Nga-ASEAN trong khuôn khổ EEF 2023. Để nền kinh tế phát triển, hợp tác giữa Nga và Việt Nam tiến về phía trước, hai nước cần phải sở hữu đội ngũ nhân sự có trình độ, hiểu được sự phát triển của nền kinh tế, hiểu được các quá trình kinh tế, chính trị, xã hội, và “chúng ta cần các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau.”
Ông Vlasov nhấn mạnh trong quá trình này, công tác phát triển đội ngũ nhân sự trình độ cao về Việt Nam học ở Nga, cũng như mở rộng đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Nga ở Việt Nam có vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, hai bên cũng cần phải đào tạo nhân sự theo nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp.
Ông Vlasov đánh giá EEF là “sân chơi tuyệt vời” để thảo luận, hình thành diễn đàn mới cho doanh nghiệp Nga-Việt và phát triển doanh nghiệp.
FEFU sẵn sàng đóng vai trò là nền tảng phục vụ công tác đào tạo nhân lực vì ngôi trường là một trong những trung tâm Việt Nam học ở Nga.
Khi được phóng viên TTXVN đề nghị bình luận về tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin tại EEF 2023 nêu rõ Nga coi Viễn Đông là ưu tiên phát triển trong thế kỷ 21, ông Vlasov cho hay FEFU luôn cảm nhận được chính sách hỗ trợ này.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin hiện đặc biệt coi trọng công tác phát triển các lĩnh vực nghiên cứu về phương Đông và tăng cường quan hệ giao lưu với các đối tác phương Đông.
Theo ông Vlasov, dường như khoa học, giáo dục, kết nối học thuật là một trong những công cụ chính để Nga hợp tác với phương Đông.
Chuyên gia Vlasov chia sẻ: “Chúng ta cần hợp tác, các nhóm chung có thể tìm ra một số điểm phát triển nào đó. Bởi vì, ví dụ, Việt Nam có lợi thế, thế mạnh của mình. Nga có những thế mạnh khác. Nếu chúng ta kết hợp những nỗ lực này lại thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều”./.