Triển vọng hợp tác tươi sáng giữa Việt Nam và Italy

Đại sứ VN tại Italy Nguyễn Hoàng Long trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm cấp nhà nước đến Italy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 23/3/1973, nước Cộng hòa Italy đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trải qua 40 năm thăng trầm của lịch sử, được sự vun đắp và quan tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đã không ngừng được củng cố và ngày phát triển sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp có chuyến thăm cấp nhà nước đến Italy theo lời mời của Tổng thống Giorgio Napolitano và nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, phóng viên TTXVN tại Rome ngày 14/1 đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Hoàng Long về quan hệ Việt Nam-Italy trước đây cũng như hiện nay, cơ hội cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện tại.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết điểm nổi bật trong quan hệ hai nước là tình cảm, sự gắn bó và tình đoàn kết mà nhân dân hai nước dành cho nhau trong nhiều năm qua. Nhân dân Việt Nam mãi ghi sâu trong trái tim và trí óc hình ảnh hàng trăm nghìn người Italy xuống đường tuần hành, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, ủng hộ Việt Nam thống nhất, hòa bình.

Nhiều người Italy sau này khi trở thành các chính khách, văn nghệ sĩ, doanh nhân...đều tự hào nói rằng họ là những người thuộc "thế hệ Việt Nam", tham gia đấu tranh ủng hộ Việt Nam vì lương tri và công lý.

Và trong từng người dân Việt Nam luôn có hình ảnh đất nước "hình chiếc ủng" tươi đẹp và phát triển bên bờ Địa Trung Hải, nổi tiếng thế giới với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, và những danh nhân bất hủ trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, hội họa, kiến trúc như Dante, Leonardo Da Vinci, Michelangelo, Botticelli...

Theo Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, chính mối quan hệ hữu nghị, gắn bó giữa nhân dân hai nước là nền tảng vững chắc để quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Italy phát triển bền vững, liên tục trong nhiều năm qua.

Về chính trị, hai nước duy trì trao đổi thường xuyên đoàn cấp cao, làm cơ sở thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể. Italy là nước đi đầu trong khu vực Tây Âu giúp Việt Nam gỡ bỏ bao vây, cấm vận thông qua chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Italy Gianni De Michelis năm 1989 và việc nối lại quan hệ hợp tác phát triển với Việt Nam năm 1991.

Năm 2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chọn Italy (cùng với Pháp và Ủy ban Châu Âu) là những đối tác Tây Âu đầu tiên trong lịch sử được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đi thăm (Chủ tịch Ủy ban Châu Âu lúc đó là ông Romano Prodi, một người bạn Italy thân thiết của Việt Nam).

Trong những năm gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2007), Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết (năm 2009) đã thăm và làm việc tại Italy. Hai nước đã ký nhiều hiệp định hợp tác khung quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng, làm cơ sở và khuôn khổ thúc đẩy hợp tác cụ thể, thiết thực giữa hai bên.

Trên cơ sở quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước, nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Italy Giorgio Napolitano, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Italy vào nửa cuối tháng 1/2013.

Đây là hình thức đón tiếp cao nhất dành cho Nguyên thủ Quốc gia nước ngoài thăm Italy, thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của Tổng thống và Nhà nước Italy đối với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho hay trong chuyến thăm, hai bên sẽ ký kết nhiều hiệp định, văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, văn hóa, giáo dục, quốc phòng-an ninh.

Đặc biệt, dự kiến Bộ trưởng Ngoại giao hai nước sẽ ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy, đánh dấu mốc lịch sử đưa quan hệ hai nước sang trang phát triển mới. Đồng thời chuyến thăm là hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc nhằm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italy.

Cũng trong dịp này, từ ngày 16-23/1 tại thủ đô Rome, hai bên sẽ phối hợp tổ chức sự kiện "Tuần Việt Nam tại Italy" bao gồm nhiều hoạt động phong phú như triển lãm Không gian Văn hóa Việt Nam, triển lãm sách báo Việt Nam, triển lãm tranh nghệ thuật Việt Nam, triển lãm tranh Tình đoàn kết Việt Nam-Italy những năm 1960-1970, Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam-Italy, Lễ kỷ niệm chính thức và chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Sự kiện Tuần Việt Nam tại Italy vinh dự nhận được sự bảo trợ của Tổng thống Cộng hòa Italy (cấp bảo trợ cao nhất đối với một sự kiện văn hóa-kinh tế do nước ngoài tổ chức tại Italy).

Ngoài ra, cũng trong năm 2013, để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italy, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy sẽ tổ chức Năm Việt Nam tại Italy với một loạt sự kiện Tuần Việt Nam tại các thành phố lớn của Italy như Rome, Florence, Bologna, Milan, Turin, Venice và Napoli với nhiều hoạt động kỷ niệm phong phú, có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, giáo dục.

Trong lĩnh vực kinh tế, liên tục từ nhiều năm qua, Italy làđối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu (EU). Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và của mỗi nước gặp nhiều khó khăn, trao đổi thương mại hai chiều tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2011 và 2012 (tăng hơn 38% năm 2011, đạt khoảng 2,53 tỷ USD và tăng hơn 10% trong năm 2012, đạt khoảng 2,8 tỷ USD).

Italy có ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, nhất là công cụ chế tạo chính xác, phát triển hàng đầu thế giới trong khi Việt Nam cần nhập máy móc, trang thiết bị cơ khí để sản xuất 4 lĩnh vực hàng hóa xuất khẩu chủ lực là dệt may, giày dép và đồ da, gỗ và đồ nội thất, nông thủy sản.

Bên cạnh đó, Italy là nền kinh tế dựa trên hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ,phát triển và hoạt động linh hoạt, sáng tạo, là hình mẫu mô hình kinh tế để Việt Nam nghiên cứu tham khảo.

Về đầu tư, từ một số năm trở lại đây, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Italy đã thâm nhập và đầu tư thành công tại Việt Nam, đáng chú ý có tập đoàn sản xuất xe máy Piaggio, hãng sản xuất bình nước nóng Ariston, công ty thiết bị điện Bonfiglioli, công ty sản xuất máy đọc mã vạch Datalogics, đưa tổng mức đầu tư của Italy tại Việt Nam lên gần 200 triệu USD.

Các tập đoàn ngân hàng, tài chính lớn của Italy cũng đã vào thị trường Việt Nam như ngân hàng San Paolo Intesa và Unicredit, tập đoàn tài chính bảo hiểm Assicurazioni Generali, tạo đòn bẩy và nguồn hỗ trợ quan trọng, thiết thực cho các doanh nghiệp Italy đã và sẽ vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Năm 2012, việc Tập đoàn dầu khí quốc gia Italy (ENI) chính thức tham gia thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Đông đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế hai nước cả về lượng và chất.

Trên bình diện EU, Italy ủng hộ mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là một trong rất ít nước EU chính thức ủng hộ Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Là một cường quốc văn hóa thế giới, nơi tập trung lượng lớn di sản văn hóa thế giới, từ nhiều năm qua Italy luôn tập trung đẩy mạnh hợp tác văn hóa với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, đào tạo nguồn nhân lực, và nổi bật là dự án trùng tu khu thánh địa Mỹ Sơn, di sản văn hóa thế giới của Việt Nam. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nêu trên, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực thể thao, du lịch còn nhiều tiềm năng.

Lĩnh vực hợp tác giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng được hai bên đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua. Từ con số không đáng kể từ giữa những năm 2000, hiện nay số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập tại Italy tăng nhanh, đạt khoảng 300 em năm 2012 và sẽ sớm đạt mốc 1.000 em trong vòng một vài năm tới.

Italy có nhiều ngành học có chất lượng và uy tín hàng đầu châu Âu và thế giới như kiến trúc, nghệ thuật, thiết kế, kỹ sư kỹ thuật, kinh tế...vv. Bên cạnh đó, cuộc sống tại Italy không đắt đỏ, phù hợp với điều kiện của nhiều sinh viên Việt Nam.

Hai nước đang chuẩn bị ký một loạt các văn kiện hợp tác nhằm triển khai mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ sinh viên Việt Nam sang học tập và các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học tại Italy trong thời gian tới.

Một đặc trưng quan trọng trong quan hệ hai nước là hợp tác giữa các địa phương. Nhiều địa phương của Italy có quan hệ kết nghĩa và hợp tác với Việt Nam như Hà Nội với Rome, Thành phố Hồ Chí Minh với Milan, Hải Phòng với Genoa, Huế với Venice...

Sắp tới, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh hợp tác giữa một số địa phương trọng điểm thu hút đầu tư nước ngoài với Italy (như Bình Dương, Vĩnh Phúc), hướng mạnh vào việc kéo các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tại các địa phương nói trên, Việt Nam có một mạng lưới những người bạn Italy, thuộc hầu hết các lĩnh vực (chính trị, văn hóa, giáo dục, thể thao, kinh tế...), tham gia thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương trên từng lĩnh vực cụ thể, góp phần làm phong phú và đa dạng hơn bức tranh hợp tác song phương chung.

Hiện có một cộng đồng người Việt khoảng 5.000 người đang sinh sống, làm việc và học tập tại Italy. Lãnh đạo Italy, cả ở cấp trung ương và địa phương đều đánh giá cộng đồng người Việt dễ gần, hòa nhập tốt, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Italy. Đây chính là nguồn lực quan trọng đóng góp cho quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, trên cở sở tiềm năng và thực tế hợp tác phong phú, đa dạng và hiệu quả, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào triển vọng hợp tác tươi sáng giữa hai nước trong thời gian tới./.

Ngự Bình-Phạm Thành-Minh Đức/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục