Nhân triển lãm Vietship 2016 diễn ra tại Hà Nội từ 24-26/2 và phiên họp thứ 4 phân ban công tác về thực hiện các dự án chung về đóng tàu dân sự của Ủy ban hợp tác Liên chính phủ Nga-Việt về kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Maxim N. Kochetkov, Vụ trưởng Vụ công nghiệp đóng tàu và Kỹ thuật biển thuộc Bộ Công Thương Liên bang Nga, đồng chủ tịch Phân ban công tác về triển vọng hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực đóng tàu. Sau đây là nội dung phỏng vấn:
- Thưa ông Maxim Nikolaievich Kochetkov, là đồng chủ tịch Phân ban công tác về thực hiện các dự án chung về đóng tàu dân sự của Ủy ban hợp tác Liên chính phủ Nga-Việt, xin ông đánh giá về mức độ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này? Liệu ông có thể đề cập đến những chuyển động nào sau phiên họp thứ 3 của phân nhóm công tác?
Ông Maxim N. Kochetkov: Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đóng tàu có lịch sử tương đối dài. Trước tiên là quan hệ hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao tàu quân sự cũng như trong lĩnh vực đóng tàu quân sự. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng Việt Nam đóng tàu theo giấy phép do Nga cấp.
Ngoài ra, vào thập niên 1980, các xí nghiệp Liên Xô cũ đã hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp Việt Nam, phát triển các dự án kỹ thuật, giúp đỡ trong lĩnh vực công nghệ cũng như cung cấp thiết bị chế tạo.
Tuy vậy, thật tiếc là trong lĩnh vực đóng tàu dân sự, cho đến nay vẫn chưa có được sự phát triển tương xứng. Khó khăn trong lĩnh vực này là việc phía Việt Nam ít đưa ra sáng kiến về phát triển mối quan hệ đóng tàu song phương.
Trong những năm gần đây, đã xuất hiện những điều kiện khách quan, cho phép mở rộng đáng kể đối tượng hợp tác giữa hai nước trong ngành đóng tàu dân sự. Cụ thể, tháng 2/2013, chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Chiến lược phát triển ngành vận tải, trong đó định ra nhiều đường hướng phát triển chủ chốt, trong đó có việc xây dựng đội tàu dân sự và vận tải.
Bởi vậy, Phân ban công tác về thực hiện các dự án đóng tàu dân sự chung thuộc Ủy ban hợp tác Liên chính phủ Nga-Việt về kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật có nhiệm vụ khá thực tế trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác cùng có lợi này.
Cuộc họp phân ban lần thứ 3 trước, diễn ra ngày 23/5/2014 đã thông qua biên bản cùng nhiều lĩnh vực mà hai nước phải thực hiện. Trong số các nội dung này là việc mở rộng khuôn khổ hợp tác giữa Cục thiết kế trung ương R. E Alekseyev với Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) trong lĩnh vực chế tạo tàu khách cao tốc, nội địa hóa việc chế tạo tại Việt Nam, cũng như xem xét hợp tác thông thường cũng như chuyên sâu với Nga trong lĩnh vực đóng tàu.
Thứ 2, Trung tâm nghiên cứu khoa học mang tên Klylov cùng Trung tâm công nghệ đóng và sửa chữa tàu tiến hành công việc sơ bộ để thực hiện các yêu cầu của phía Việt Nam về công nghệ tàu biển với mục tiêu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra còn có kế hoạch thực hiện dự án lập trung tâm nghiên cứu khoa học có bể thử nghiệm tại Việt Nam.
Thứ 3, chúng tôi thu thập những thông tin cần thiết về các dự án đóng tàu đánh cá của Nga, để đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam và chúng tôi sẽ giới thiệu tại cuộc họp phân ban lần này.
Thứ 4 là nghiên cứu vấn đề tổ chức cùng chế tạo đội tàu chạy biển sâu tại Việt Nam. Tôi muốn lưu ý rằng Nga sẵn sàng xem xét các phương án tài chính cùng có lợi để thực hiện những dự án chung.
- Ông trông đợi gì vào cuộc họp của Phân ban công tác sắp tới tại Hà Nội? Ông dự kiến sẽ thảo luận với các đồng nghiệp Việt Nam những dự án cụ thể nào, có thể giúp thúc đây phát triển ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam?
Ông Maxim N. Kochetkov: Tôi có thể khẳng định hai nước có nhiều triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này, và chúng ta có mục tiêu để tiến tới. Tuy nhiên, lĩnh vực đóng tàu dân sự không nên chỉ dừng lại ở khía cạnh đóng chủng loại tàu nào mà còn cần tích cực tiến hành các nghiên cứu khoa học.
Ở khía cạnh này phía Nga có các sản phẩm và công nghệ mới mang tính cạnh tranh, và chúng tôi sẵn sàng giới thiệu trong cuộc họp thứ 4 của phân ban diễn ra ngày 25/2 tại Hà Nội cũng như tại gian hàng của Nga ở Triển lãm Vietship 2016.
Ngoài ra, động lực phát triển và làm sâu sắc quan hệ hai nước trong lĩnh vực đóng tàu dân sự đương nhiên là sự kiện ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam ngày 29/5/2015.
Tôi cho rằng trong khuôn khổ cuộc họp phân ban công tác sắp tới, chúng tôi và các đồng nghiệp Việt Nam cần thảo luận để những những điểm nhất định trong Hiệp định có thể giúp thực thi hiệu quả các kế hoạch, dự án chung trong lĩnh vực đóng tàu.
- Ông có thể đưa ra những khuyến cáo gì để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đóng tàu quốc gia và củng cố hợp tác với Nga trong lĩnh vực đóng tàu?
Maxim N. Kochetkov: Ngành đóng tàu của Việt Nam được xem như một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Trước tiên chúng ta cần xác định những lĩnh vực gì cần thiết ở Việt Nam, nghĩa là các dòng sản phẩm.
Thứ 2 là chúng ta cần hiểu rõ hiện trạng cơ sở hạ tầng có cho phép đóng các loại tàu đó hay không, nếu không cần hiện đại hóa các cơ sở đó. Và cuối cùng là đào tạo các cán bộ chuyên môn cao.
Xét tới mối quan hệ song phương giữa hai nước, Đại học tổng hợp hàng hải Saint Petersburg và nhiều đại học hàng hải khác của Nga sẵn sàng giúp Việt Nam đào tạo các thực tập sinh về đóng tàu.
Ngoài ra, Viện công nghệ đóng và sửa chữa tàu đang nghiên cứu cung cấp các thiết bị kỹ thuật cao, trong đó có thiết bị lazer, theo sự quan tâm của Việt Nam. Còn khá nhiều ví dụ nữa, song chúng tôi sẽ thảo luận sâu và cụ thể tất cả các vấn đề này trong cuộc họp phân ban sắp tới.
- Xin cảm ơn ông./.