Triển vọng hợp tác công nghệ xuyên Đại Tây Dương sau bầu cử Mỹ

Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Mỹ dưới thời ông Biden sẽ mang lại điều gì cho lĩnh vực chính sách kỹ thuật số và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU)?
Triển vọng hợp tác công nghệ xuyên Đại Tây Dương sau bầu cử Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: politico.eu)

Trong bài viết đăng trên trang tin EUobserver.com, chuyên gia nghiên cứu công nghệ Zuzana Pisoň tại Viện Chính sách GLOBSEC ở Slovakia nhận định rằng trong vài năm qua, căng thẳng giữa châu Âu và Mỹ đã leo thang trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Cụ thể là việc Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump gây sức ép đối với các nhà cung cấp công nghệ 5G của Trung Quốc, Tòa Công lý châu Âu (ECJ) vô hiệu hóa thỏa thuận chia sẻ dữ liệu quan trọng giữa châu Âu và Mỹ có tên "Lá chắn bảo mật" (Privacy Shield - thỏa thuận về việc trao đổi dữ liệu trên các máy chủ xuyên Đại Tây Dương để phục vụ các mục đích thương mại giữa Liên minh châu Âu và Mỹ) và kế hoạch áp thuế kỹ thuật số của châu Âu đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Cho đến nay, kết quả chính thức của cuộc bầu cử Mỹ chưa được công bố, nhưng lợi thế dường như nghiêng về ứng cử đảng Dân chủ Joe Biden, theo truyền thông Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Mỹ dưới thời ông Biden sẽ mang lại điều gì cho lĩnh vực chính sách kỹ thuật số và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU)?

Mặc dù chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hầu như không có tranh luận về chính sách đối ngoại và càng ít đề cập đến chính sách công nghệ, nhưng có một số dấu hiệu về những điều châu Âu có thể mong đợi trong tương lai gần.

Dưới đây là những vấn đề chính ảnh hưởng đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong lĩnh vực công nghệ và triển vọng giải quyết chúng trong tương lai.

Chống độc quyền và Mục 230

Hai trong số những vấn đề nổi bật nhất đối với các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) là chống độc quyền và Mục 230, một đạo luật liên bang được đưa ra năm 1996 nhằm bảo vệ các công ty Internet non trẻ khỏi trách nhiệm pháp lý.

Mặc dù ở Mỹ cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều đồng ý rằng luật này cần phải được bãi bỏ, nhưng họ có sự khác biệt về những lý do cơ bản.

Một mặt, đảng Dân chủ muốn sửa đổi Mục 230 để khiến các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về phát ngôn gây thù hận và chủ nghĩa cực đoan, can thiệp bầu cử, thông tin sai lệch và không đúng sự thật.

Mặt khác, đảng Cộng hòa cho rằng luật cần cho phép các công ty công nghệ kiểm duyệt có chọn lọc những tiếng nói bảo thủ và giới hạn phạm vi tiếp cận của họ trên mạng xã hội.

Mặc dù rất khó để dự đoán tương lai của Mục 230, nhưng rõ ràng là chính quyền của ông Biden sẽ thúc đẩy việc kiểm duyệt nội dung nhiều hơn và tăng trách nhiệm pháp lý đối với các công ty Internet.

Cách tiếp cận như vậy sẽ phù hợp với những gì EU đang thực hiện với Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số và do đó, Mỹ và EU sẽ xích lại gần nhau hơn về những vấn đề này.

Tuy nhiên, nghi vấn vẫn còn tồn tại là liệu ông Biden có thể thực hiện được bao nhiêu nếu không có sự hỗ trợ của Thượng viện và liệu đề xuất cuối cùng có giải quyết được một số lo ngại của đảng Cộng hòa hay không.

Liên quan đến chống độc quyền, các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ trong những năm gần đây đã ủng hộ việc thực thi chống độc quyền và có vẻ như chính quyền của ông Biden có chung quan điểm với EU về việc kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn. Một cách tiếp cận đồng bộ hơn để thực thi giữa EU và Mỹ có thể mang lại sự thay đổi - như với Microsoft vào đầu những năm 2000.

Luồng dữ liệu và quyền riêng tư

Kể từ khi Tòa Công lý châu Âu vô hiệu hóa "Lá chắn bảo mật" vào tháng 7/2020, đã có các cuộc đàm phán giữa Ủy ban châu Âu và Mỹ liên quan đến nội dung này.

Về vấn đề quyền riêng tư, ông Biden cho biết Mỹ nên "thiết lập các tiêu chuẩn khác với những điều châu Âu đang làm", đề cập đến Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU.

Một trong những cách để giải quyết vấn đề này có thể là thông qua việc cập nhật Đạo luật về quyền riêng tư của truyền thông điện tử (ECPA) để cung cấp các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư giống như nội dung được nêu trong Cương lĩnh của đảng Dân chủ năm 2020.

Thuế kỹ thuật số

Châu Âu và Mỹ về cơ bản có quan điểm khác nhau liên quan đến việc đánh thuế của Big Tech. Washington cho rằng sáng kiến của EU được đưa ra nhằm trừng phạt các công ty công nghệ Mỹ một cách bất công, trong khi nhiều nước EU cho biết các công ty công nghệ Mỹ tìm cách tránh trả phần thuế theo đúng luật của họ.

Các quan chức trong chính quyền của ông Trump từng tuyên bố sẽ kích hoạt thuế quan nếu bất kỳ quốc gia nào tiến hành đánh thuế như vậy.

Các chuyên gia cho rằng một nhiệm kỳ tổng thống dưới thời ông Biden khó có thể thực hiện một cách tiếp cận khác về cơ bản.

Tuy nhiên, ông Biden đã cam kết tiến hành cách tiếp cận mang tính xây dựng và đa phương hơn đối với chính sách đối ngoại và có khả năng giảm bớt các mối đe dọa thuế quan, điều có thể giúp làm "tan băng" các cuộc đàm phán giữa hai bên về lĩnh vực này một phần.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Nhiều người Mỹ cho rằng việc châu Âu vội vàng điều chỉnh các quy định về AI là quá sớm và cản trở sự đổi mới. Điều này chủ yếu là do Mỹ coi AI là một vấn đề địa chính trị quan trọng trong việc chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, có thể có cơ hội để cải thiện hơn nữa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương liên quan đến việc thiết lập các tiêu chuẩn cho AI.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ đã tham gia Đối tác Toàn cầu về AI để hỗ trợ "phát triển và sử dụng có trách nhiệm, lấy con người làm trung tâm."

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cam kết "đảm bảo các công nghệ của tương lai như AI bị ràng buộc bởi luật pháp và đạo đức." Điều này có thể giúp châu Âu và Mỹ hợp tác và đi đầu về chủ đề này.

Mạng 5G

Mối quan hệ của chính quyền của ông Biden với Trung Quốc liên quan đến 5G sẽ là một thách thức lớn.

Việc ông Biden có tiếp tục chính sách của Tổng thống Trump trong việc loại bỏ các nỗ lực 5G của Trung Quốc, hay liệu ông có sẵn sàng nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc để đổi lấy những nhượng bộ nhất định từ Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ Mỹ vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Triển vọng hợp tác công nghệ xuyên Đại Tây Dương sau bầu cử Mỹ ảnh 2Ông Joe Biden. (Nguồn: en.as.com)

Nhiều nhà phân tích Phố Wall kỳ vọng chính quyền của ông Biden sẽ có lập trường mềm mỏng hơn một chút đối với các vấn đề chính sách và công nghệ của Trung Quốc. Điều này có thể giúp giảm rủi ro cho các công ty công nghệ Mỹ khi mất khách hàng tại thị trường trọng điểm Trung Quốc.

Mặc dù vẫn chưa rõ ông Biden sẽ giải quyết vấn đề an ninh 5G như thế nào, nhưng ông đã cam kết làm việc với các nước  để phát triển các quy tắc về tội phạm mạng, bảo vệ dữ liệu và đánh cắp tài sản trí tuệ.

Do đó, châu Âu có thể kỳ vọng rằng việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực kỹ thuật số sẽ vẫn là ưu tiên chiến lược đối với cả Mỹ và EU nếu ông Biden trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Triển vọng với khu vực Trung Âu

Đối với các nước EU nhỏ hơn với truyền thống lâu đời theo chủ nghĩa Đại Tây Dương, chẳng hạn như Slovakia, điều đặc biệt quan trọng là các vấn đề như thuế kỹ thuật số và quy định về AI phải được giải quyết trên cơ sở xuyên Đại Tây Dương.

Trong khi bốn năm qua đặt ra rất nhiều thách thức cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, khu vực này có thể mong đợi rằng chính quyền của ông Biden trong tương lai sẽ lôi kéo các đồng minh và đối tác châu Âu để tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục