Triển vọng điều trị chứng "não sương mù" ở người bị COVID kéo dài

Trong não của những bệnh nhân tử vong vì COVID-19, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hàm lượng lớn protein gây viêm liên quan đến tình trạng suy nhược thần kinh và chức năng nhận thức.
Nhân viên y tế diều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết quả một nghiên cứu công bố mới đây trên trang bioRxiv.org cho thấy chứng "não sương mù" - tình trạng đầu óc không thể ghi nhớ, phân tích nhạy bén hoặc thiếu tập trung, ghi nhận ở một số người hồi phục sau khi mắc COVID-19 gần giống chứng "não hóa trị" mà một số người trải qua trong và sau quá trình điều trị ung thư. 

Các nhà nghiên cứu cho biết những người từng mắc COVID-19 thường xuyên gặp phải các di chứng thần kinh như suy giảm khả năng chú ý, khả năng tập trung, ghi nhớ và xử lý thông tin.

Các triệu chứng này tương tự triệu chứng ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng nhận thức bị cho là liên quan đến chứng viêm não trong và sau điều trị ung thư. 

Trong não của những bệnh nhân tử vong vì COVID-19, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hàm lượng lớn protein gây viêm, trong đó có protein CCL11 có liên quan đến tình trạng suy nhược thần kinh và chức năng nhận thức.

["Long COVID" có thể xảy ra ở cả những ca triệu chứng nhẹ]

Trong số 63 người bị hội chứng COVID kéo dài (Long COVID), hàm lượng protein CCL11 cao ghi nhận ở 48 người gặp di chứng thần kinh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng các liệu pháp điều trị triển vọng hiện nay đối với chứng suy giảm nhận thức ở bệnh nhân ung thư có thể được sử dụng để điều trị cho những người từng mắc COVID-19 gặp các vấn đề tương tự.

Tuy nhiên, họ sẽ phải trải qua các xét nghiệm đặc biệt để được chẩn đoán có mắc hội chứng COVID kéo dài hay không./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục