Triển vọng của các nền kinh tế châu Á vẫn bấp bênh

Các nhà phân tích cho rằng trong sáu tháng cuối năm, triển vọng của một số nền kinh tế châu Á có thiên hướng xuất khẩu vẫn bấp bênh.
Quý 2/2013, kinh tế Singapore tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu có chiều hướng cải thiện. Tuy nhiên, các nhà phân tích đưa ra quan điểm khác nhau về triển vọng của Singapore nói riêng và các nền kinh tế châu Á nói chung - những nước lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng - trong sáu tháng cuối năm 2013, trước những tác động từ các thị trường xuất khẩu chủ chốt là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Sự phục hồi của lĩnh vực chế tạo đã giúp kinh tế "quốc đảo Sư tử" trong quý 2/2013 tăng trưởng ở mức hàng quý nhanh nhất trong hơn hai năm qua là 15,2%. Lĩnh vực chế tạo - vốn nhạy cảm với nhu cầu của Mỹ và châu Âu - trong quý 2/2013 đã đảo ngược tình thế suy giảm trước đó và tăng mạnh 37,6% so với quý 1/2013, nhờ sản lượng hàng điện tử và sản phẩm y sinh tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý đà tăng trưởng chậm lại mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc và khả năng Mỹ rút lại biện pháp kích thích kinh tế (chương trình nới lỏng định lượng) vào cuối năm nay có thể tác động bất lợi tới sự phục hồi xuất khẩu còn mong manh không chỉ của Singapore mà của cả các nền kinh tế châu Á khác phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của quốc đảo này trong sáu tháng cuối năm 2013 vì thế cũng bấp bênh hơn.

Rajiv Biswas, nhà kinh tế về khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc IHS Global Insight, cho hay IHS đang nâng mức đánh giá về nguy cơ hạ cánh cứng đối với kinh tế Trung Quốc từ 20% lên 25%. Nguy cơ này sẽ tạo mối đe dọa lớn đối với triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á cũng như triển vọng kinh tế Singapore.

Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng United Overseas Bank (UOB) tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 2/2013 đã hỗ trợ triển vọng phục hồi tích cực cho các ngành có xu hướng hướng ngoại của Singapore. So với một năm trước đây, các điều kiện kinh tế vĩ mô dần trở nên ổn định hơn, khi kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi từ từ, trong khi cuộc khủng hoảng nợ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có phần dịu bớt.

Thêm vào đó, nhu cầu khá tích cực ở châu Á sẽ tiếp tục giúp cho triển vọng của khu vực trong sáu tháng cuối năm 2013 và bước sang năm 2014 trở nên sáng sủa hơn./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục